Giải bài toán nguyên liệu cho các làng nghề Hà Nội

Minh Phú| 14/12/2022 17:10

(NSHN) - Ngày 14-12, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Một số giải pháp kết nối vùng nguyên liệu để phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Các làng nghề mây tre giang đan ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) nhiều thời điểm chưa chủ động được nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Nan giải bài toán nguyên liệu

Xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có nghề mây tre giang đan truyền thống lâu đời. Nghề đã tạo việc làm và thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân trong xã. Song, hiện nay, làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa cho biết, mỗi năm, làng nghề cần hàng trăm tấn nguyên liệu là mây, tre, giang, các loại cỏ tế, bèo... Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu tại Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Nguồn nguyên liệu còn lại, các hộ sản xuất phải mua từ nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, chủ yếu ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn...

Mặt khác, do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nơi khác nên nhiều lúc nguyên liệu nhập không được xử lý và bảo quản tốt, không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn. Một số thời điểm, tình trạng khan hiếm nguyên liệu xảy ra, dẫn đến giá thành nguyên liệu tăng cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Oánh, Chủ tịch UBND xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) cho biết thêm, xã có làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái đang có khoảng 1.000 lao động tham gia làm nghề. Để có 1 sản phẩm sơn mài hoàn thiện cần nhiều loại nguyên liệu như: Làm cốt có gỗ dán, ván MDF, gốm, compsit, tre; sơn làm vóc cốt nền, sơn vẽ, sơn phủ bóng; các vật liệu vẽ, trang trí sản phẩm cần trai, ốc, sừng, vỏ trứng, vàng bạc, bột màu... Mỗi nguyên liệu phải mua ở nhiều địa phương khác nhau, thậm chí phải nhập khẩu. "Xã chưa có điểm giao dịch tập trung liên kết giữa các làng nghề nên nhiều loại nguyên liệu, hộ sản xuất phải trực tiếp đi thu mua, mất nhiều thời gian; giá thành các loại nguyên liệu không ổn định, đẩy lên cao. Trong 3 năm trở lại đây, nhiều loại nguyên liệu tăng gấp đôi, trong khi đó, giá bán sản phẩm không tăng, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của sản phẩm", ông Oánh nói.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở các làng nghề ở Minh Khai (Hoài Đức), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), Vạn Phúc (Hà Đông)...

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố có 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề chính của Hà Nội như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ...

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ ra rằng, Hà Nội có 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ và mây tre giang đan, gốm sứ, dệt may, sợi thêu ren nhưng nguồn cung nguyên liệu thiếu ổn định cả về số lượng và chất lượng, thời gian giao hàng. Điều này tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội, nhất là khi triển khai các đơn hàng lớn, xuất khẩu. Ví như, nghề gốm sứ Hà Nội có 5 làng nghề nhưng sức tiêu thụ lên tới gần 600.000 tấn nguyên liệu đất sét và cao lanh mỗi năm.

Với làng nghề mây tre giang đan, trước đây, nguyên liệu chủ yếu khai thác ở Hòa Bình, Thanh Hóa và một số tỉnh miền núi, nhưng hiện tại nguồn nguyên liệu này bị cạn kiệt. Diện tích tre nứa trồng trên địa bàn cả nước khoảng trên 100.000ha, trữ lượng 350-400 triệu cây, mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất hàng tre đan, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào và Campuchia. Hay như với nguyên liệu tơ tằm, riêng tỉnh Lâm Đồng chiếm 73% sản lượng tơ của cả nước. Tuy vậy, do Việt Nam chưa tự sản xuất được nguồn trứng tằm mà phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc thông qua tiểu ngạch nên nguồn nguyên liệu này cũng khá phụ thuộc và khó bảo đảm đầy đủ; nguyên liệu sợi bông của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (98%)...

Các làng nghề chế biến gỗ của Hà Nội cũng khan hiếm về nguyên liệu sản xuất.

Tăng cường kết nối vùng

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, khó khăn về nguyên liệu do đặc thù Hà Nội là Thủ đô, diện tích sản xuất có hạn nên phải nhập từ địa phương khác. Tuy vậy, việc liên kết vùng sản xuất vẫn chưa có hoặc có nhưng chưa bền chặt. Thông tin hai chiều kết nối giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu đầu vào còn hạn chế, nguồn cung không đáp ứng cầu, do vậy gây khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ của cả hai bên.

Tại hội thảo "Một số giải pháp kết nối vùng nguyên liệu để phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội", nhiều ý kiến từ nhà quản lý và cơ sở sản xuất tại các làng nghề đã tham luận các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu sản xuất cho các làng nghề.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây tre giang đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), để giải quyết kham hiếm nguồn nguyên liệu, các hộ sản xuất ở Phú Vinh đã ứng dụng nhiều vật liệu mới vào sản xuất để giảm nguyên liệu tự nhiên như các loại sợi nhân tạo, sợi chuối nguyên liệu có nhiều trong tự nhiên... Về lâu dài, ông Trung mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật, phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học để phát triển và khai thác đa dạng nguồn nguyên liệu nhằm thay thế một số loại nguyên liệu bị khan hiếm hoặc khắc phục hạn chế nhược điểm một số loại nguyên liệu nhằm cung ứng cho thị trường nguồn nguyên liệu đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng.

Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Nguyễn Văn Oánh mong muốn thành phố quan tâm có chính sách hỗ trợ thành lập Trung tâm tư vấn kết nối hoặc có trang web dành riêng hỗ trợ cơ sở sản xuất giới thiệu sản phẩm giữa các làng nghề để tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất các vùng dễ dàng tiếp cận liên kết giữa các làng nghề khi có nhu cầu.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Giang, đây là các tỉnh có nhiều lợi thế về nguyện liệu. Ví như: Tỉnh Bắc Kạn có nguyên liệu về gỗ và củ dong riềng, tỉnh Thái Bình có sản phẩm về gạo và cói, tỉnh Hòa Bình có sản phẩm mây tre, giang... Các tỉnh đều bày tỏ mong muốn và sẵn sàng được hợp tác với thành phố Hà Nội trong liên kết vùng nguyên liệu.

Kết luận tại hội thảo, Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh, tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, thời gian tới, thành phố tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết ổn định với vùng nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm mang lại hiệu quả cho cả hai phía. Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sản phẩm mây tre, đổi mới dây chuyền công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của các làng nghề Hà Nội từ mây tre theo hướng cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm... Dự kiến đầu năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ khảo sát, làm việc với một số tỉnh, thành phố trong cả nước để kết nối vùng nguyên liệu cho các làng nghề của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán nguyên liệu cho các làng nghề Hà Nội