Góp phần nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Ngọc Quỳnh| 19/01/2022 07:33

(HNM) - Năm 2021, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển ổn định, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế cao. Điều này góp phần đưa việc nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) chia sẻ, với diện tích khoảng 1ha, nhờ áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao nên cá ít bị dịch bệnh, năng suất đạt 10-12 tấn/ha/năm, mỗi năm thu nhập 500-600 triệu đồng.

Cũng tại lĩnh vực này, theo Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Thiêm, với diện tích hơn 15ha, Hợp tác xã đang đầu tư áp dụng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ "sông trong ao", quy mô 15 bể nuôi. Các bể nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, ô xy hóa... nhờ đó, cá sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao; sản lượng khoảng 300 tấn cá/năm, doanh thu hơn 7 tỷ đồng/năm, cao hơn 1,8 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống.

Đánh giá hiệu quả của các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, đến nay, toàn thành phố có khoảng 9.700ha ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản. Nhìn chung, các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá mật độ cao tại các xã: Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa); Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ), Đại Áng (huyện Thanh Trì)... cho năng suất đạt 80 tấn/ha, giá trị 3,5 tỷ đồng/ha; chất lượng cá bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ, mới chỉ ở các công đoạn: Chế phẩm sinh học, sục khí; sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn ít... do đó, theo ông Phạm Ngọc Thanh ở xã Phú Châu (huyện Ba Vì), ngành Nông nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, con giống, xây dựng thương hiệu, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về con giống ngắn ngày, năng suất cao... Cùng với đó, hỗ trợ hóa chất, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi tại vùng nuôi thủy sản tập trung; phòng, chống dịch bệnh...

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, Sở tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản tập trung, tránh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh; phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng chuỗi liên kết, mã QR truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng tiện ích… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững