Sống đẹp

Cựu chiến binh hết lòng vì đồng đội

Phong Thu 30/04/2024 09:16

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, ông Hoàng Thế Long, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh số 5, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) lại bồi hồi nhớ về những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, cùng đồng đội ở Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân năm 1975.

Trải qua nhiều vị trí công tác, đến khi đã nghỉ hưu ông luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tâm huyết, trách nhiệm tham gia xây dựng tổ dân phố, chi hội cựu chiến binh nơi cư trú.

raot5.jpg
Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh số 5, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) Hoàng Thế Long (bên phải) trao đổi công việc với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bách Khoa Phạm Ngọc Hiểu.

Những ký ức không quên

Khi phóng viên Báo Hànộimới đến thăm, ông Hoàng Thế Long đang tỉ mỉ chỉnh lại những chiếc huy chương, huy hiệu trên ngực áo. Đó là những kỷ vật mà ông vô cùng trân quý: Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II, Kỷ niệm chương của Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Huy hiệu Cựu chiến binh Việt Nam, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng... Hằng năm, có nhiều kỳ cuộc để ông khoác lên mình chiếc áo quân phục, song dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 luôn mang lại cho ông những cảm xúc đặc biệt.

Chia sẻ về quãng đời binh nghiệp của mình, ông Hoàng Thế Long cho biết, 7 năm trong quân ngũ đã để lại cho ông nhiều ký ức sâu đậm suốt đời không quên.

Tháng 5-1971, khi 19 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Hoàng Thế Long lên đường nhập ngũ. Sau 3 năm tham gia đơn vị huấn luyện quân (đóng ở tỉnh Thái Nguyên) và nhiều lần trực tiếp đưa các đoàn quân vào chiến trường, cuối năm 1973, trên đường vào Tây Nguyên, ông được giữ lại tham gia bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum. Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 của ông đã cùng với quân và dân tỉnh Kon Tum liên tiếp lập nhiều chiến công, giải phóng tỉnh Kon Tum. Tiếp đó, Sư đoàn 10 tham gia Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và tiến xuống đồng bằng giải phóng Nha Trang, Cam Ranh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 10 đã đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, góp phần giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Là một trong những người tham gia từ lúc mở màn cho tới lúc kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Hoàng Thế Long vẫn nhớ như in trước trận đánh lịch sử, ông và đồng đội được phát toàn bộ quân phục mới, để trong ba lô và khi địch đầu hàng, tất cả đồng loạt thay quân phục mới hân hoan đón mừng chiến thắng.

Sau khi quân Giải phóng chiếm được dinh Độc Lập, ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ dinh. Trong những ngày bảo vệ khu vực bên ngoài dinh Độc Lập, niềm vui chiến thắng đã thôi thúc ông viết nhiều trang nhật ký ghi lại những cảm xúc phấn khởi, tự hào về những năm tháng đầy oanh liệt.

Ông Hoàng Thế Long chia sẻ, suốt những năm tháng chiến đấu, điều may mắn đối với ông là không hề bị thương. Một trong những niềm vui trong quá trình tham gia chiến đấu là ông gặp nhiều đồng hương, đồng môn, họ đã cùng động viên, chia sẻ với nhau nỗi nhớ nhà. Nhưng cũng nhiều lần ông chứng kiến những người bạn, người đồng chí của mình bị thương, hy sinh, thậm chí có những người bị thương đang được ông dìu đi lại tiếp tục bị trúng đạn của địch khiến vết thương nặng thêm và đã mất trên tay ông.

Sau khi hòa bình lập lại, ông trở về Hà Nội thi đỗ đại học, rồi vào làm việc ở ngành Khí tượng thủy văn. Đặc thù công việc, ông phải đến nhiều tỉnh, thành phố và ngay cả trong các chuyến du lịch, ông cũng dành nhiều thời gian thăm lại chiến trường xưa, nơi ghi dấu quá khứ hào hùng của dân tộc.

Quan tâm, chăm lo hội viên

Chính sự may mắn khi vượt qua được những năm tháng chiến đấu ác liệt, chứng kiến ngày toàn thắng và quá trình phát triển của đất nước đã thôi thúc ông Hoàng Thế Long luôn sống thẳng thắn, chính trực. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông nhiệt tình tham gia công tác tổ dân phố, công tác cựu chiến binh.

Trong vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh phường Bách Khoa, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh số 5, ông thường quan tâm chăm lo đời sống, gắn kết tình đồng đội. Ông nắm rõ hoàn cảnh gia đình, sức khỏe từng hội viên và chủ động thăm hỏi, động viên. Một số cựu chiến binh không có lương, gặp khó khăn, ông chủ động đóng giúp quỹ hội. Ngoài ra, khi Ban Liên lạc cựu chiến binh tổ chức gặp mặt, ông vẫn thường ủng hộ quỹ góp cho nhiều đồng đội.

Một trong những việc làm đầy ý nghĩa cho đồng đội là khi biết có một hội viên bị bệnh nặng, có nguyện vọng nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng sớm, ông đã cùng Hội Cựu chiến binh phường khẩn trương làm các thủ tục trình xét để đảng viên này được nhận phần thưởng cao quý của Đảng. 10 ngày sau khi diễn ra lễ trao tặng Huy hiệu Đảng thì đảng viên này qua đời.

Sức khỏe của các hội viên ngày càng có hạn nên ông luôn chú trọng việc thăm hỏi và giúp được gì là ông giúp hết lòng. Chi hội Cựu chiến binh số 5 hiện có 18 cựu chiến binh, ngoài 7 người đã già yếu xin nghỉ sinh hoạt, còn lại đa phần vẫn tích cực tham gia công tác đoàn thể, đưa Chi hội Cựu chiến binh trở thành lực lượng nòng cốt trong nhiều hoạt động ở địa phương.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bách Khoa Phạm Ngọc Hiểu đánh giá: Đồng chí Hoàng Thế Long rất nhiệt tình, trách nhiệm, tích cực đóng góp xây dựng Hội Cựu chiến binh phường Bách Khoa vững mạnh toàn diện và cùng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tích cực tuyên truyền, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu chiến binh hết lòng vì đồng đội