Sống đẹp

"Người lái đò" tận tâm

Hiền Chi 22/12/2023 06:43

Với thâm niên 40 năm giảng dạy ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Hiền luôn dành cho các học trò của mình tình yêu thương, trách nhiệm và sự sẻ chia. Từ sự tâm huyết đó, cô đã giúp nhiều lứa học sinh trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.

co-hien.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố năm 2023.

Gắn bó với môi trường giáo dục đặc biệt

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố Phạm Đức Nam cho biết, hơn 40 năm giảng dạy tại Trung tâm, cô giáo Nguyễn Thị Hiền luôn mẫu mực, tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp, yêu thương học sinh, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, các cuộc vận động của ngành Giáo dục và Đào tạo, cô đều nhiệt tình tham gia và đạt nhiều thành tích cao, là niềm tự hào của nhà trường. Mới đây, cô đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023.

Từng là giáo viên công tác ở một trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, cô Nguyễn Thị Hiền được cử đi học Đại học Sư phạm, sau khi học xong năm 1983, cô được phân công về giảng dạy ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (khi đó là Trường Bổ túc văn hóa số 8). Năm 1995, cô giáo Hiền được chuyển công tác sang Trường Trung học phổ thông Việt - Đức. Ngay cả khi đã nghỉ hưu ở Trường Trung học phổ thông Việt - Đức và nghỉ dạy ở Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, cô Hiền vẫn gắn bó với sự nghiệp trồng người của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Chúng tôi giảng dạy trong môi trường giáo dục đặc biệt có lẽ là nhất thành phố, bởi đối tượng học sinh rất phong phú: Học sinh khiếm thị, người theo đạo Phật, người theo đạo Công giáo, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt... Trong đó, trung bình một lớp có khoảng 50% học sinh có hoàn cảnh khó khăn và không ít trường hợp đặc biệt về tính cách. Thực tế đó đòi hỏi mình phải thật cảm thông với hoàn cảnh của các con, không phân biệt là đối tượng nào, từ đâu đến mà phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh gia đình ra sao để quan tâm, gần gũi, khuyến khích các con mở lòng”.

Ngoài những tiết giảng dạy trên lớp học, cô giáo Nguyễn Thị Hiền còn dành thời gian đến tận nhà các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn để nắm thông tin chính xác, hiểu rõ về gia đình, từ đó đưa ra phương pháp phù hợp với từng học sinh.

Cùng với đó, cô Hiền chú tâm quan sát, ghi chép, tìm hiểu thông tin trên mạng internet và các cuốn sách về tâm lý lứa tuổi học trò. Cô cũng thường dành thời gian kể các câu chuyện về tình bạn, về sự yêu thương cho học sinh, khi các con thấy chuyện hay và cuốn hút thì cô cho mượn sách để khuyến khích văn hóa đọc đối với các con. Bằng sự kiên trì, kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm đó, cô giáo Hiền đã uốn nắn được các em dần vào nền nếp, sống chan hòa, biết quan tâm đến mọi người.

Lan tỏa tình yêu thương

Đầu năm 2022, lớp cô Nguyễn Thị Hiền chủ nhiệm có học sinh Vũ Hải Yến (bố và mẹ đã mất; hai chị em Yến đang ở cùng ông bà), không may gia đình gặp hỏa hoạn, Yến bị bỏng nặng. Cảm thương trước hoàn cảnh của học trò, cô Nguyễn Thị Hiền đã kịp thời cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố kêu gọi, vận động học sinh và ban phụ huynh chung tay hỗ trợ gia đình học sinh Vũ Hải Yến gần 30 triệu đồng. Đúng lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, dù không được vào thăm học sinh Yến chữa bỏng trong bệnh viện song cô Hiền thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên.

Với tấm lòng nhân ái, cô Hiền còn giúp đỡ học trò bằng những việc làm hết sức thiết thực, như: Hỗ trợ đóng học phí giúp các con, phối hợp cùng phụ huynh học sinh động viên học sinh không bỏ dở việc học hành.

Tính từ năm 2019 đến 2022, trong vai trò chủ nhiệm lớp, cô đã hỗ trợ học phí, mua đồng phục cho 6 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền khoảng 8 triệu đồng. Năm nay đã 70 tuổi nhưng cô vẫn tích cực tham gia các chuyến thiện nguyện tại những tỉnh vùng cao: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái...

Có năm, cô đã mời 3 bạn học sinh khiếm thị đang học ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố đi tham quan ở tỉnh Lạng Sơn cùng với lớp 12A20 (hệ B) Trường Trung học phổ thông Việt - Đức do cô chủ nhiệm. Sau chuyến đi, các học sinh thêm gắn kết, nhiều người đã nhìn vào kết quả mà bạn kém may mắn hơn mình đạt được để có thêm quyết tâm ôn tập tốt trong năm cuối cấp. Kết quả, lớp 12A20 (hệ B) năm đó có khá nhiều học sinh đỗ đại học.

Như bao “người lái đò”, niềm vui của cô giáo Nguyễn Thị Hiền là nhìn thấy các học trò của mình trưởng thành, dù thành danh, giàu có hay cuộc sống bình dân thì họ luôn mang trong mình suy nghĩ lương thiện, là người có ích cho xã hội. Nhiều năm qua, các học trò vẫn quay về Trung tâm thăm hỏi các thầy cô, trong đó, có học sinh đã học cô Hiền từ hơn 30 năm trước giờ đây vẫn coi cô như người thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Người lái đò" tận tâm