Hà Nội văn

“Hải Phòng có phố vợ cũ anh biết chưa?”

Đinh Thiên Hương 13/10/2023 - 06:45

Đó là câu thơ mở đầu của bài “Phố vợ cũ” được lấy làm tựa đề cho tập thơ thứ 8 của Thy Nguyên mới “trình làng” trong năm nay.

“Hải Phòng có phố vợ cũ anh biết chưa?”, thoạt tiên cứ ngỡ đó là câu thơ “thả thính”, ai ngờ xuyên suốt 47 bài thơ là nỗi đau tận cùng và đa sắc độ của “Cây rau đắng nở hoa vàng”. Những người đàn bà ở nơi “Phố vợ cũ” chịu phận tình nát duyên phai, biết rất rõ tuổi lỡ làng “Phố gối lên sóng tắm ba mươi”, “Tóc người bạc lẫn gối chăn vuông vức”. Cũng rất biết nỗi chua chát bẽ bàng, nỗi trống vắng vật vã và niềm đau tê dại khi xuân sắc tàn phai: “Hạnh phúc lỡ độ đường dùng dằng hun hút”, “Mỗi chiếc lá vàng thêu một lần son nhạt/Lối cửa sau gió chuốc gió say mèm”.

Từ nỗi đau đong đầy nội cảm, nhà thơ nhìn cảnh nhìn người, chạm vào tháng năm, ngày giờ, mùa màng, thời tiết và thấy đời như “quán trọ/ Ngủ vùi giấc xanh xao/ Khi tình người khánh kiệt/ Niềm tin lỡ buộc vào”, để rồi “Và em từ dạo đó/ Lối hanh hao ngập tràn”. Vào độ tuổi “Góc thu”, người đàn bà ở “Phố vợ cũ” đã thôi sân si, thấy lòng mình nhẹ tênh: “Em đi qua mùa thu không trọng lượng (...)/ Cái nhìn anh vô ngôn”, cho nên em, giờ cũng “bọc thanh xuân vào mắt”, “vo thơ bỏ ngực”, “cõng cơn khát băng qua sa mạc”, và tự biết thương mình: “Vẫn ước mơ đoạn đời mất cắp/ Chảy những ngày suông nhau”.

Nhưng nếu cứ tãi mãi cái nỗi “trơ gan cùng tuế nguyệt” (thơ Hồ Xuân Hương) lên trang giấy thì khúc ngâm dằng dặc buồn đau xa xót cũng chỉ gợi niềm thương cảm đến thế thôi. Trong nhiều bài thơ, nhiều hình ảnh thơ là vẻ đẹp nhân văn, là sự ngoan cường của người đàn bà “Phố vợ cũ”: “Ai đúng, ai sai, ai cười, ai nhạo/ Bưng lời đau về cất nôn nao”. Người ấy đã sống vị tha, trước hết là cho đứa con của mình. Thương con nên cam chịu: “Lặng im chìa tay trói chặt/ Lặng im nghe tim đập/ Lặng im/ nhớ con”. Bản năng làm mẹ thiêng liêng cao cả giúp họ vượt lên hết thảy nỗi đau và khát khao bản ngã: “Chừng như nghe tiếng con gọi cửa/ Lại lắp tiếng mình và ngồi dậy tô son”.

Người đọc lặng thầm xót thương và khâm phục người mẹ “Đưa con đi thi”, “Tiễn con ở trọ”, làm tròn bổn phận của cả ai kia! Duy có một lần, “Con vào năm học mới/ Đóng học phí tối đa”, chắc còn nhiều eo hẹp, nhân còn số máy của chồng, người mẹ muốn “Xin viện trợ gọi là”. Nhưng sau tiếng máy reo, nghe chồng cũ khô khốc: “Alo ai đầu dây?”, thì người mẹ giàu tự trọng và nhạy cảm, đã biết phải làm thế nào. Trở về trong yên lặng, thấy mưa rơi mà như nghe nước mắt của lòng mình.

Người đàn bà ở “Phố vợ cũ” thấu tận nhân tâm, giàu đức hiếu hạnh và lòng thảo thơm. Bài “Bố ốm”, bài “Nhớ mẹ”, đều chan chứa niềm xót thương, hiểu được nỗi âu lo của bậc sinh thành từ khi con bước chân ra ngõ làm dâu con nhà người, đến khi xẻ đàn tan nghé: “Con xỏ áo nhầm tay, tiếng à ơi nghẹn thắt”, “Bà sợ cháu trượt trơn theo mẹ lời ru...”. Trong nhóm đề tài này, thương quý lắm là bài thơ “Nhớ mẹ chồng”. Ở đây có một người con dâu luôn lắng nghe và thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, khổ đau của mẹ chồng: “Con đi ngày ấy thềm rêu/ Chăm chăm mót hạt, cời niềm ngõ xưa/ Chiều nay nhớ mẹ người xưa/ Cứ quanh quẩn khóc... bưng mưa bạn bầu”. Thế mới hay, đó là “Cây rau đắng nở hoa vàng”. Tin rằng, trời xanh không phụ người có tấm lòng tốt! Và, như chính tác giả Thy Nguyên tâm sự: “Cái cũ có thể không bắt đầu cho bạn một khởi nguồn mới nhưng chắc chắn là thiên đệm của ký ức gốc tích. Và con người đáng buồn nhất chính là đánh rơi hay là mất đi ký ức”.

“Phố vợ cũ” thể hiện cá tính, bản lĩnh cùng tài hoa nghệ thuật của Thy Nguyên. Ở đó có vẻ đẹp của nỗi đau, lòng nhân ái và giá trị nhân văn cao cả của con người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hải Phòng có phố vợ cũ anh biết chưa?”