Vượt qua thương tổn
Đầu năm 1968, để tăng cường lực lượng chiến đấu cho chiến trường miền Nam và cả ở hậu phương miền Bắc, trong một thời gian ngắn, hàng vạn nam, nữ thanh niên có trình độ văn hóa, giác ngộ chính trị, có sức khỏe được động viên vào lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong. Trong khí thế ấy, tháng 5-1968, thiếu nữ Hà thành Nguyễn Phi Phái rời Trường Thanh Quan trên phố Hàng Cót, lên đường nhận nhiệm vụ tại Đoàn xe 14, Cục Vận tải ô tô.
Chỉ hơn 4 tháng sau, trong lần đi theo đoàn xe chuyển quân từ Thanh Hóa vào thành phố Vinh (Nghệ An), bà Phái bị thương, mất đi vĩnh viễn mắt bên phải, mang nhiều vết sẹo hằn in trên khuôn mặt. “Với sức vóc của tuổi trẻ khi ấy, thể trạng nhanh chóng phục hồi nhưng tôi đã không đủ can đảm nhìn gương mặt phần nào biến dạng của mình. Mặc cảm, tự ti cùng với những suy nghĩ tiêu cực đã bủa vây tôi trong suốt thời gian điều trị phần mắt hỏng. Quá trình phẫu thuật để lắp mắt giả cũng trải qua nhiều biến cố đau đớn của bản thân cùng với thái độ bi quan không tránh khỏi…”, bà Nguyễn Phi Phái nhớ lại.
Nhưng giai đoạn đó đã không mãi kéo dài. Với tinh thần tuổi trẻ, tinh thần của người lính Cụ Hồ, bà nhanh chóng vượt qua để tiếp tục có những năm tháng cống hiến, làm việc tại Đoàn xe 14 cho tới khi về nghỉ hưu. Có lẽ cũng chính bởi những tổn thương đã trải qua nên từ năm 2018, khi được giao nhiệm vụ làm Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình), bà Phái thấu hiểu hơn ai hết những mặc cảm, tự ti và con đường vượt lên số phận bằng thái độ sống tích cực, lạc quan để truyền cảm hứng cho các hội viên.
“Cây“ văn nghệ của người khuyết tật quận Ba Đình
Trong cảm nhận của mình, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Ba Đình Đoàn Thị Ngọc Lan luôn cảm phục bà Nguyễn Phi Phái bởi tinh thần làm việc nhiệt tình, hết lòng chăm lo cho hội viên, tạo dựng ngôi nhà chung ấm áp, nơi sinh hoạt hữu ích của hàng chục người khuyết tật trên địa bàn phường Nguyễn Trung Trực. “Một trong những lĩnh vực hoạt động nổi trội nhất của Chi hội Người khuyết tật phường Nguyễn Trung Trực là phần biểu diễn văn nghệ, bởi chị Phái hát rất hay, đóng góp nhiều tiết mục tại các cuộc hội họp, các chương trình giao lưu, gặp gỡ, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho các hội viên khác…”, bà Đoàn Thị Ngọc Lan kể.
Phường Nguyễn Trung Trực là một trong những phường có đông người khuyết tật trên địa bàn quận Ba Đình với số hội viên chính thức hiện là 14 người. Phần lớn người khuyết tật do tuổi cao, sức yếu hoặc hạn chế trong di chuyển nên không tham gia sinh hoạt thường xuyên, định kỳ. Tuy nhiên, dù các hội viên có đến được với mái nhà chung hay không, bà Phái vẫn hết lòng quan tâm, thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe người khuyết tật và gia đình để động viên họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, chiến thắng nỗi mặc cảm, tự ti, chủ động hòa nhập với cộng đồng.
“Các hội viên đều được tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được nhận trợ cấp hằng tháng để có điều kiện chăm sóc sức khỏe và ổn định phần nào cuộc sống. Vào các dịp lễ Tết, Chi hội đều tổ chức giao lưu, trao quà của các cấp hội, chính quyền. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền phường Nguyễn Trung Trực cùng các doanh nghiệp có hảo tâm và chi hội đã kịp thời hỗ trợ, không để bất cứ hội viên khuyết tật nào rơi vào khó khăn…”, bà Nguyễn Phi Phái cho biết.
Với tinh thần tương thân tương ái, chung tay sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, bà Nguyễn Phi Phái đã tích cực tổ chức các hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn cao cả. Nhờ đó, các hội viên khuyết tật trên địa bàn phường Nguyễn Trung Trực luôn cảm nhận được ý nghĩa của mái nhà chung. Anh Trương Anh S. là người khuyết tật về vận động hiện được tạo điều kiện có việc làm gần nhà, có thu nhập ổn định. Chị Lương Minh T. khuyết tật vận động nặng, dù không có cơ hội làm việc như anh S, nhưng luôn được gia đình và cộng đồng quan tâm, yêu thương.
Trong căn nhà nhỏ nằm nơi đầu dốc phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình), tổ ấm của bà Nguyễn Phi Phái cùng người con trai sinh năm 1994 thật giản tiện, ấm cúng. Dù điều kiện sống còn khó khăn, bản thân gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt khi cùng với tuổi già mắt bên trái suy giảm thị lực, song bà luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, sự vui vẻ, tích cực và đặc biệt là dùng lời ca, tiếng hát để cân bằng cuộc sống, đem lại niềm vui cho bản thân, bên cạnh việc hết lòng chăm lo cho các hội viên.