Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2022, huyện Phú Xuyên có 40 sản phẩm của 10 chủ thể ở 8 xã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Huyện và đơn vị tư vấn đã rà soát, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng và tổ chức khảo sát thực tế tại các cơ sở đối với các sản phẩm đăng ký đánh giá, xếp hạng.
Các sản phẩm đa dạng về chủng loại, trong đó có 10 sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm, thực phẩm chức năng; 30 sản phẩm lĩnh vực tiểu thủ công mỹ nghệ. Nhiều sản phẩm đến từ các làng nghề trên địa bàn huyện như: Tò he, đồng hồ, tranh treo gỗ, khay trà, đốc lịch gỗ, lục bình, đôn rồng, lồng đèn mây tre đan...
Tại hội nghị, thành viên Hội đồng nghe đại diện các cơ sở sản xuất giới thiệu về câu chuyện sản phẩm, xem xét các chỉ tiêu đánh giá về chất lượng sản phẩm, việc tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm.
Với tinh thần làm việc tập trung, nghiêm túc, thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã đánh giá, chấm điểm cho các sản phẩm tham gia chương trình. Kết quả, 40/40 sản phẩm được thành viên trong Hội đồng cấp huyện chấm điểm đạt từ 3-4 sao.
Sau khi huyện tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, sẽ tạo căn cứ để các chủ thể sản phẩm hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng cấp thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng, cấp sao cấp thành phố cho các sản phẩm theo quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh nhấn mạnh, là địa phương có nhiều làng nghề, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là động lực để các địa phương, cơ sở sản xuất nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống. Sau hội nghị, đề nghị các chủ thể sản phẩm OCOP trong huyện cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, mở rộng phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.