Xưa và nay

Khu tập thể cũ - di sản của ký ức

TS.KTS Vũ Hoài Đức 19/09/2024 - 06:12

Kiến trúc Hà Nội trong giai đoạn từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 đến nửa đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX ghi dấu ấn sâu đậm của một thế hệ vừa thoát khỏi chiến tranh, bị bao vây cấm vận. Trong đó, các khu tập thể chính là những chứng tích lịch sử cho một quá trình phát triển và nỗ lực không ngừng vì phúc lợi của người lao động, vì sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô.

cc-cu.jpg
Dù biến dạng và lỗi thời nhưng khu tập thể vẫn là di sản tinh thần của thời kỳ gian khó.

Không gian gắn kết cộng đồng

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, Hà Nội đối mặt với tình trạng khủng hoảng về nhà ở sau chiến tranh, cộng với quỹ nhà ở quá nghèo nàn do xã hội cũ để lại. Trong 5 năm (1956 - 1960), Hà Nội đã xây dựng nhiều khu nhà ở sơ sài bằng gỗ, chỉ 1 - 2 tầng, tại An Dương, Phúc Xá, Mai Hương, Đại La... Nhà ở khi ấy thậm chí thiếu cả khu vệ sinh và bếp, như có thể thấy tại khu nhà ở trên dốc Thọ Lão và Khu tập thể 8-3. Tuy chỉ là nhà “tạm” nhưng những khu định cư này đã mang đến cho người lao động Thủ đô niềm hân hoan khi được an cư trong bối cảnh khó khăn thiếu thốn mọi bề.

Nỗ lực mang lại môi trường và chất lượng sống tốt hơn cho người lao động, những khu tập thể kiểu mới đã được xây dựng ở Nguyễn Công Trứ, Kim Liên theo mô hình tiểu khu kiểu Xô viết với các nhà chung cư bao quanh các không gian, công trình công cộng được tính toán đầy đủ. Chính điều này đã mang đến một phương thức sống mới tại Hà Nội, như một cách tiếp dẫn kiến trúc đương đại vào Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của hình thức kế hoạch hóa xã hội.

Không gian và hình thái kiến trúc của các khu định cư này là môi trường hình thành và nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng, văn hóa ứng xử mang tư duy “tập thể”, hướng tới một trật tự xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Cộng đồng dân cư tại đây khá đồng đều về mặt tri thức, thu nhập, thậm chí là người làm việc ở cùng cơ quan, nhà máy. Sự gắn kết với nhau một cách bền chặt, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau của các cư dân ở đây trở thành nét văn hóa đặc trưng và là dấu ấn ký ức tươi đẹp cho những thế hệ từng trải qua thời kỳ bao cấp. Thú vị ở chỗ, chính sự hạn chế về không gian riêng tư lại đem đến một môi trường sống hòa đồng, đoàn kết ở các khu tập thể. Phần lớn các gia đình phải sử dụng chung bếp, khu vệ sinh, chia nhau khoảng hành lang nhỏ hẹp...; sự nhường nhịn, ý tứ, sự kiên nhẫn luôn được đề cao đi kèm với không gian giao tiếp nhiều hơn khiến những cư dân ở đây trở nên gần gũi, chia sẻ và gắn bó.

Các thế hệ khu tập thể

Nếu như mẫu nhà ở Kim Liên được coi là thế hệ thứ nhất với tiêu chuẩn phân phối 4m2/người, bếp và vệ sinh chung thì thế hệ thứ hai được đại diện bởi khu Trung Tự, Giảng Võ; thế hệ thứ ba là các khối nhà tập thể tại khu Thanh Xuân Bắc, các căn hộ được cải tiến với tiêu chuẩn 6m2/người, khép kín hoàn toàn. Mô hình quy hoạch tiểu khu tại các khu tập thể được điều chỉnh, sáng tạo trong cơ cấu của từng khu để thích ứng với địa hình nhiều ao, hồ của Hà Nội. Yếu tố cảnh quan không chỉ tô điểm cho công trình, mà còn cải thiện vi khí hậu, tạo môi trường sống gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó, việc bố trí các trường học, công trình công cộng, thiết kế không gian linh hoạt hơn không chỉ làm gia tăng tiện ích cho cư dân mà còn góp phần đa dạng hóa không gian kiến trúc; tăng cường các hoạt động kinh doanh như một cách kế thừa tập quán truyền thống.

Có thể nói, trong hơn ba thập niên sau ngày giải phóng Thủ đô, khu tập thể Hà Nội phát triển thành những vòng tròn đồng tâm với cốt lõi là lý thuyết quy hoạch tiểu khu; mỗi thế hệ đã phát triển, nâng cấp lên phiên bản tốt hơn về quy mô, kiến trúc công trình cho tới biện pháp thi công, chất lượng vật liệu xây dựng, đem lại cuộc sống chất lượng cao hơn thế hệ trước. Trong vòng quay đó, tinh thần tập thể, lối sống cộng đồng cũng được củng cố, trở thành bản sắc riêng.

Những kỷ niệm, cảm xúc, lối sống tại các khu tập thể là một phần giá trị lịch sử. Ngày nay, các khu tập thể đã có sự thay đổi về cấu trúc cư dân, cũng như biến dạng nhiều về không gian, nhưng những hoài niệm một thời vẫn len lỏi trong tâm trí bao người và tô điểm cho nơi đây sắc màu xúc cảm thú vị.

Phát huy giá trị di sản, làm giàu bản sắc Thủ đô

Những khu đô thị mới được xây dựng trong giai đoạn từ Đổi mới đến nay chính là sự tiếp nối về mặt hình thái kiến trúc của các khu tập thể cũ. Mô hình tiểu khu vẫn được tiếp nối, thích ứng với bối cảnh mới. Lối sống tập thể đã trở thành lịch sử, nhưng lý thuyết không gian vẫn còn nguyên giá trị - đó là di sản. Nhìn vào không gian hiện đại, ngập tràn tiện ích và đặc biệt tôn trọng nhu cầu cá nhân, nhưng không có nhiều sự giao tiếp giữa các cư dân, văn hóa lối sống và tinh thần cộng đồng còn hạn chế. Chứng kiến những giá trị nhân văn lạc lõng, chật vật tìm chỗ đứng bên cạnh những giá trị vật chất ở các khu đô thị thời kinh tế thị trường, mới thấy được chân giá trị ở biểu tượng của một thời đã qua - khu tập thể cũ.

Dù biến dạng và lỗi thời, thậm chí là nhếch nhác, nhưng khu tập thể vẫn là di sản tinh thần của thời kỳ gian khó. Hơn thế, nó còn mang giá trị cộng đồng và bản sắc văn hóa riêng. Trân trọng quá khứ, bảo tồn di sản cho tương lai để tiếp nối lịch sử, cần xem xét các hướng tiếp cận bảo tồn các khu tập thể. Có thể cải tạo chúng thành nhà ở xã hội. Cách làm này vừa bảo tồn cấu trúc bền vững của công trình, đồng thời tiếp nối giá trị nhân văn, tính ưu việt của xã hội xuyên suốt tới hiện tại và cả tương lai. Áp dụng các tư tưởng nghệ thuật đương đại trên các kết cấu cũ, biến kiến trúc, không gian phục vụ du lịch, văn hóa, nghệ thuật... Có thể chỉ đơn giản là những quán cà phê mang phong cách bao cấp đầy hoài niệm trong các căn hộ. Sự bảo tồn, phát triển sáng tạo trên cấu trúc di sản của một thời kỳ lịch sử sẽ luôn gắn kết giá trị văn hóa, tinh thần địa điểm của quá khứ tới tương lai một cách bền vững. Đó là sự phát triển tiếp nối làm giàu thêm bản sắc văn hóa Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu tập thể cũ - di sản của ký ức