Làm giàu từ trồng rau thủy canh

Đào Huyền| 29/06/2019 07:46

(HNM) - Mô hình sản xuất rau thủy canh theo công nghệ hiện đại kết hợp với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm) đang trở thành điểm sáng của thành phố.

(HNM) - Mô hình sản xuất rau thủy canh theo công nghệ hiện đại kết hợp với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm) đang trở thành điểm sáng của thành phố. Với hiệu quả kinh tế đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, mô hình sản xuất của hợp tác xã đang được nhiều nông dân, doanh nghiệp tham quan, học tập, nhân rộng.

Triển khai thực hiện từ năm 2015 với tổng diện tích 1,5ha, số vốn đầu tư 10 tỷ đồng, đến nay, nông trại rau sạch của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn trở thành đầu mối cung ứng rau sạch cho một số cửa hàng nông sản sạch và siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn Lê Thanh Phương cho hay, sau chuyến tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Ban Quản trị hợp tác xã đã họp bàn, thống nhất với thành viên mạnh dạn liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa xây dựng.  mô hình trồng rau thủy canh.

"Thời gian đầu, từ Ban Quản trị đến các thành viên đều lo lắng bởi với phương thức sản xuất mới sẽ triển khai ra sao, đầu ra cho sản phẩm thế nào... Song, đa số thành viên cho rằng, nếu không đổi mới sản xuất, hướng đến sản xuất công nghệ cao thì khó thành công", ông Lê Thanh Phương chia sẻ.

Với sự quyết tâm cao, mô hình sản xuất rau thủy canh của hợp tác xã đã đạt thành quả bước đầu. Bà Nguyễn Thị Liên, xã viên hợp tác xã cho hay, trên cùng một diện tích nhưng bố trí theo tầng nên trồng được nhiều rau hơn so với thổ canh, từ đó cho năng suất cao hơn. Rau được trồng trong nhà lưới, cây trồng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh, các loài côn trùng khó xâm nhập nên không cần đến thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, dung dịch thủy canh với thành phần phù hợp, được pha với nước, trong đó hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu. Phương pháp này tạo ra những sản phẩm rau sạch đúng nghĩa, phù hợp thị hiếu tiêu dùng hiện đại nên nhanh chóng được doanh nghiệp và người nội trợ đón nhận. Hiện, diện tích rau của gia đình bà Liên tiêu thụ ổn định với giá cao hơn loại rau trồng theo phương pháp thông thường từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg...

Sau thời gian triển khai, đến nay, khu trồng rau thủy canh rộng 3.000m2 được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, từ công nghệ trồng rau tự động đến hệ thống điều khiển lượng nước, dẫn chất dinh dưỡng nuôi cây... Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn Lê Thanh Phương chia sẻ: Để tạo ra sản phẩm sạch thực sự, chúng tôi đã chọn công nghệ trồng thủy canh hồi lưu, thủy canh trong giá thể, khí canh. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất khi trồng rau trong các ống nhựa (có đục lỗ), được nối thành hệ thống giàn, chia nhiều tầng, bên trong các ống nhựa có chứa dịch thủy canh. Hiện, trung bình mỗi tháng hợp tác xã thu hoạch 5 tấn rau các loại (rau muống, rau cải, rau xà lách...), toàn bộ sản lượng rau được đưa vào hệ thống kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa; giá bán bình quân 25.000 - 45.000 đồng/kg rau, mô hình đang cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đặc biệt, để mở rộng và tạo chỗ đứng trên thị trường, bên cạnh việc tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, hợp tác xã đã triển khai áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm. Đánh giá về mô hình sản xuất rau thủy canh của hợp tác xã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng: Đây là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu có sự liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ nông sản; là mô hình sản xuất rau hiện đại được thành phố khuyến khích nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ trồng rau thủy canh