Kiên trì xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển với nhiều tác động đa chiều có thể ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng xác định việc xây dựng văn hóa học đường là nền tảng vững chắc để bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng Cấn Văn Đa cho biết, năm 2021, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành kế hoạch về việc xây dựng văn hóa ứng xử, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong trường học. Hai năm học qua, nội dung này đã được ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng kiên trì triển khai với hình thức, nội dung phong phú và đã ghi nhận những chuyển biến ngày càng tích cực về ý thức, hành vi của cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Điểm nhấn của phong trào xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng trong năm học 2022-2023 là tập trung hình thành thói quen, nét văn hóa chào hỏi và ứng xử văn minh cho học sinh. 100% các nhà trường đã tổ chức tọa đàm tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về nội dung này.
Một trong những khó khăn của các nhà trường trong việc triển khai nội dung này là từ phía phụ huynh học sinh. Do bận công việc, đặc thù nghề nghiệp và nhiều yếu tố khác, một số phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm, đồng hành với nhà trường nhắc nhở con và thực hiện đúng quy định về trang phục, lời nói… Vẫn có hiện tượng phụ huynh chưa đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông, chưa gương mẫu trong ứng xử… Vì thế, nội dung các hoạt động tuyên truyền về xây dựng văn hóa ứng xử của các trường học ngày càng đa dạng và hướng đến nhiều đối tượng hơn, tạo mối liên kết chặt chẽ, đồng thuận trong việc vun đắp môi trường học đường an toàn, thân thiện và văn minh.
Bà Bùi Thị Hồng Thanh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Tuy cho biết: “Tôi cảm nhận rõ sự chuyển biến tích cực của con. Khi về nhà, con vui vẻ, lễ phép với người lớn, không còn nói trống không như trước… Tôi cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc cùng thầy, cô giáo xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh và môi trường học đường an toàn, thân thiện, từ đó đẩy lùi các hành vi bạo lực”.
Còn em Nguyễn An Nhiên, lớp 5A3, Trường Tiểu học Bà Triệu chia sẻ: "Cùng với các tiết học theo tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, chúng em được tham gia nhiều buổi thi tuyên truyền, giáo dục về nội dung này. Với những kiến thức, kỹ năng được học, em tự tin hơn trong giao tiếp và luôn phấn đấu trở thành một học sinh Thủ đô thanh lịch".
Nhà giáo nêu cao vai trò làm gương
Bên cạnh việc tăng cường lồng ghép trong các giờ học chính khóa, các nhà trường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như sân khấu hóa, thi tuyên truyền, xây dựng video, tổ chức tọa đàm, trải nghiệm... Mỗi cấp học có nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền về văn hóa ứng xử khác nhau cho phù hợp với lứa tuổi học sinh, song đều có điểm chung là nêu cao vai trò nêu gương của nhà giáo.
Bà Trần Bích Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Việt Bun cho biết, yếu tố môi trường rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ mầm non. Vì vậy, mỗi giáo viên đều cố gắng là tấm gương đạo đức, hành vi ứng xử từ những điều nhỏ nhất. Nhà trường luôn chú trọng, tạo điều kiện để giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng, phẩm chất đạo đức; đồng thời, tăng cường kết nối với cha mẹ học sinh để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cô giáo Trịnh Mai Ly, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Tuy nhận định: “Việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là vô cùng cần thiết và cấp bách. Bên cạnh việc bản thân mình nỗ lực học tập, tu dưỡng để hình thành chuẩn mực người thầy với các tiêu chí phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp, tôi luôn cố gắng lồng ghép nội dung văn hóa ứng xử sao cho gần gũi và làm nổi bật những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, giúp học sinh dễ nhớ, dễ làm theo…”.
Còn Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền Nguyễn Thị Tuyết Minh khẳng định, mỗi cán bộ, giáo viên của trường đều cố gắng tu dưỡng, nêu gương về mọi mặt và uốn nắn học sinh thường xuyên để học sinh hiểu đâu là những việc nên làm, việc gì không nên làm.