Làng tỷ phú Tam Hiệp

Nguyễn Mai| 14/04/2022 06:26

(HNM) - Không chỉ nổi tiếng với đặc sản cà dầm tương, vùng đất Tam Hiệp ngày nay còn vang danh là “làng tỷ phú”. Nằm giữa vùng quê thuần nông nhưng xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng may mặc, cửa hàng kinh doanh, buôn bán hàng thời trang sầm uất, nhộn nhịp… Làng nghề phát triển mang lại nguồn lợi kinh tế và những tỷ phú nông dân không còn là chuyện hiếm nơi làng quê này.

Sản xuất hàng may mặc tại xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ).

“Thủ phủ” hàng may mặc

Tự hào về nghề truyền thống của quê hương, nét mặt ông Trần Huy Chắt, Trưởng thôn Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp) phấn khởi khi trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới: “Nghề may mặc khởi nguồn từ thôn Thượng Hiệp vào cuối những năm 1980. Khi đó, người dân chủ yếu sản xuất gia công áo rét cho các cơ sở may mặc ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) để xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Nghề may nhanh chóng phát triển, người dân không làm thuê nữa mà vươn lên làm chủ, nhập vải từ các chợ vải lớn về cắt, may quần áo, đem đi tiêu thụ tại nhiều thị trường trên cả nước. Đến nay, nghề may không chỉ có ở thôn Thượng Hiệp mà đã nhân rộng ra các thôn trên địa bàn xã, như: Đại Điền, Hòa Thôn, Hiệp Cát, Mỹ Giang.

Xưởng cắt may của gia đình anh Trần Huy Hiến lúc nào cũng nhộn nhịp. “Các gia đình làm nghề này đều đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất nên năng suất lao động rất cao. Ví như công đoạn cắt, chúng tôi có người chuyên làm mẫu và cắt bằng máy theo mẫu. Mỗi lần cắt như vậy sẽ được hàng trăm sản phẩm đồng đều, tính chính xác cao. Với công đoạn may thì do mặt bằng sản xuất nhỏ nên thường giao cho các hộ nhận về thực hiện tại nhà... Mỗi năm, doanh thu của gia đình tôi đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương...”, anh Trần Huy Hiến cho biết.

Còn theo chị Trương Thị Thu, một công nhân cắt may ở xã Tam Hiệp, để có được thành công, người làng nghề phải nhanh nhạy, nắm bắt được xu hướng thời trang. Trước mỗi vụ sản xuất, chúng tôi phải tìm hiểu thị hiếu thị trường để từ đó quyết định sử dụng chất liệu vải gì, màu sắc ra sao, thiết kế như thế nào… Chỉ khi sản xuất đúng theo nhu cầu thị trường thì hàng hóa làm ra mới dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, các hộ sản xuất hàng may mặc ở xã Tam Hiệp rất nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để thay đổi kiểu dáng, mẫu mã... Sản phẩm may mặc ở Tam Hiệp có lợi thế cạnh tranh vì đa số có giá rất “bình dân” từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng một sản phẩm... Ngoài bán trực tiếp ở địa phương, sản phẩm của làng nghề còn bán buôn số lượng lớn cho các chủ cửa hàng thời trang ở một số chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Nghệ (thị xã Sơn Tây)... Ngoài ra, một số hộ làng nghề đã bắt đầu bắt kịp với các xu hướng thời trang cao cấp, sản xuất hàng chất lượng cao và bán hàng trực tuyến (online) mang về doanh thu lớn. Hiện nay, xã có 7 hộ chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu sang Lào và Campuchia.

Tạo động lực mới

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Đỗ Trọng Đại, nếu như sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế tại các xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ thì riêng với Tam Hiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm 96% cơ cấu kinh tế của địa phương. Cụ thể, xã Tam Hiệp hiện có khoảng 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất may mặc. Ước tính, doanh thu từ nghề này đạt 800-900 tỷ đồng/năm. Xã Tam Hiệp đã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2014 và đang tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Ở vùng đất này, “người người sản xuất, nhà nhà kinh doanh” kinh tế rất phát triển, những tỷ phú không hiếm. “Các gia đình trong xã đều xây dựng được nhà cửa khang trang với các thiết bị sinh hoạt hiện đại. Cả xã hiện có hơn 700 xe ô tô để thuận tiện cho việc đi lại và vận tải hàng hóa. Tại những trục đường chính, các gia đình đều mở cửa hàng kinh doanh sản phẩm may mặc… khiến làng quê sầm uất không khác phố thị”, Trưởng thôn Thượng Hiệp Trần Huy Chắt tự hào chia sẻ.

Kinh tế phát triển, song xã Tam Hiệp vẫn còn một số khó khăn về cơ sở hạ tầng. Do đó, người dân địa phương mong muốn được huyện Phúc Thọ quan tâm đầu tư, hỗ trợ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông; sớm triển khai các dự án trong cụm công nghiệp làng nghề; có quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống… Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, vừa là tiêu chí để xây dựng Tam Hiệp theo hướng xã nông thôn mới gắn với phát triển đô thị...

Để tạo động lực mới phát triển xã Tam Hiệp trong thời gian tới, theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn, Tam Hiệp cần tiếp tục phát huy lợi thế làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần đưa Tam Hiệp trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế của Phúc Thọ, qua đó xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng tỷ phú Tam Hiệp