Năm nay, chùa Thầy được huyện Quốc Oai tổ chức thành mùa lễ hội, diễn ra từ mùng 1 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Trong đó, chính hội diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Ba âm lịch.
Hiện nay, huyện Quốc Oai đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội theo hướng phát triển du lịch tâm linh nhằm bảo lưu các giá trị lịch sử, lễ hội truyền thống, từng bước khai thác những tiềm năng và giá trị văn hóa nghệ thuật của quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy. Đồng thời, huyện phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội chùa Thầy là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo báo cáo của Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng khách đến chùa Thầy tăng cao so với các năm trước. Trong tháng 1-2023, chùa Thầy đã đón hơn 30 nghìn lượt khách đến tham quan.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chùa và hồ Long Trì; tổ chức ký hợp đồng với các hướng dẫn viên du lịch làm việc trong khu di tích theo đúng quy định. Ban Quản lý Đầu tư xây dựng dự án huyện dành nguồn kinh phí tu sửa những hạng mục nhỏ tại nhà truyền thống lưu niệm Bác Hồ.
Phòng Văn hóa - Thông tin tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa văn nghệ, múa rối nước, biểu diễn cồng chiêng… phục vụ du khách đến tham quan chiêm bái và lễ chùa bảo đảm thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc.
UBND huyện giao UBND xã Sài Sơn phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý tốt các phương tiện đến tham quan và thu vé trông giữ xe để nộp ngân sách nhà nước; bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trong mùa lễ hội. Đồng thời, UBND xã tuyên truyền, vận động các hộ dân bán hàng xung quanh khu vực di tích di chuyển đến các kiôt trong bãi đỗ xe để bán hàng nhằm bảo đảm mỹ quan và sự trang nghiêm của di tích…