Lớp học tình thương vào năm học mới

Minh Ngọc| 15/09/2019 07:31

(HNM) - Không diễn ra lễ khai giảng, không rộn rã tiếng trống trường, nhưng Lớp học tình thương dạy học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại chùa Hương Lan, xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn bước vào năm học mới 2019-2020 với niềm tin mới, khí thế mới. Giáo viên tin tưởng học trò sẽ tiến bộ từng ngày, còn học trò mong muốn được đi học nhiều hơn. Nhờ đó, ước mơ hòa nhập của những học sinh khuyết tật ngày càng rõ ràng, hiện hữu.

Học sinh Lớp học tình thương háo hức tham gia các hoạt động tập thể.

Đong đầy yêu thương

Đến chùa Hương Lan vào một ngày đầu tháng 9-2019, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động diễn ra tại đây. Không gian học tập của học sinh khuyết tật nằm dưới bóng cây xanh mát, tĩnh lặng trong khuôn viên nhà chùa với biển tên “Lớp học tình thương”. Dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học, cô giáo Lê Thị Hòa, người thành lập Lớp học tình thương cho biết: Để thuận lợi cho việc dạy và học, các lớp học chỉ diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, duy trì liên tục từ năm học 2007-2008 đến nay. Năm học này, Lớp học tình thương đón 58 học sinh bị nhiều dạng tật, đến từ các địa phương, với độ tuổi khác nhau. Trong đó, 19 học sinh chưa biết chữ được xếp chung lớp để học kiến thức lớp 1; 39 học sinh đã biết chữ học chung một lớp, học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.

Các lớp học tình thương được trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy, đồ dùng học tập, nhưng khác biệt ở chỗ, giáo viên vừa đứng lớp, vừa phải dỗ dành, chăm sóc học sinh như chăm trẻ mẫu giáo. Tại lớp 1, cả lớp đang chăm chú nghe giáo viên hướng dẫn đọc chữ cái, thì em Lưu Khắc Duy - 10 tuổi thỉnh thoảng lại hét to và khóc. Mỗi lần như vậy, các cô lại ôm Duy vào lòng, vỗ về đến khi em trở lại trạng thái bình thường.

Còn tại lớp học dành cho học sinh đã biết chữ, các tiết học diễn ra với nhiều cung bậc cảm xúc. Dù vậy, cả giáo viên và học sinh đang nỗ lực từng giờ, từng ngày vì một cuộc sống ý nghĩa hơn. Như học sinh Hoàng Thị Hà (30 tuổi), bị ảnh hưởng nặng bởi chất độc da cam/dioxin, đến từ xóm Chợ, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Từ một người gần như không có khả năng nhận thức, sau hơn 10 năm đến lớp, Hà đã viết được các chữ cái, có thể ngân nga những ca từ trong bài hát “Đi học về” quen thuộc với lứa tuổi học trò.

Học sinh khác có sự tiến bộ vượt bậc là Nguyễn Thị Thùy Dung, 20 tuổi, đến từ thôn Yên Bệ, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức). Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, bố của Thùy Dung cho hay: Em bị bại não từ khi lọt lòng, trí tuệ chậm phát triển, phát âm không rõ, đi lại khó khăn. Đến tuổi đi học, gia đình đã cho Dung theo học nhiều lớp dành cho người khuyết tật, nhưng tới đâu, Dung cũng từ chối. Chỉ đến khi tiếp xúc với những giáo viên tận tâm của Lớp học tình thương ở chùa Hương Lan vào năm 2015, em mới mở lòng đón nhận tình yêu thương. “Hiện nay, con gái tôi đã biết đọc, viết, làm các phép toán trong phạm vi 100, biết sử dụng điện thoại, máy tính... Mừng hơn, Dung đang ấp ủ ước mơ có việc làm phù hợp trong tương lai”, ông Sơn nói.

Trăn trở của người thầy

Lớp học tình thương đi vào hoạt động từ tháng 10-2007, do cô giáo Lê Thị Hòa (khi đó đang là giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn) đề xuất thành lập và được sư Thích Đàm Tiền, trụ trì chùa Hương Lan ủng hộ, đồng hành. “Sư Thích Đàm Tiền cho sửa sang lại gian tiếp khách của nhà chùa thành lớp học. Thời gian đầu, lớp chỉ rộng khoảng 15m2 với 8 học sinh. Sau này, số lượng học sinh tăng lên, nhà chùa dành riêng một khoảng đất để xây nhà, rộng hơn 100m2 làm lớp học. Ngoài ra, nhà chùa vận động tăng ni, phật tử, những tấm lòng hảo tâm ủng hộ vật chất, tinh thần để lớp học đặc biệt này có thể hoạt động liên tục trong 12 năm qua”, cô giáo Lê Thị Hòa chia sẻ.

Việc tổ chức Lớp học tình thương tại chùa Hương Lan cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành, đoàn thể chức năng huyện Chương Mỹ, xã Đông Sơn, sự tham gia tích cực của đội ngũ nhà giáo và nhiều tình nguyện viên đến từ các trường cao đẳng, đại học. Qua đó, một số học sinh khuyết tật có thêm động lực, niềm tin để hòa nhập cộng đồng. Điển hình như chị Nguyễn Thị Xuân và Tô Thị Liền, thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) bị câm điếc bẩm sinh, nay đã trở thành công nhân của một nhà máy dệt ở huyện Thường Tín với mức thu nhập trung bình gần 4 triệu đồng/tháng. 

Chứng kiến Lớp học tình thương từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, hơn ai hết, cô giáo Lê Thị Hòa rất tự hào, nhưng cô vẫn chưa vơi nỗi niềm băn khoăn, trăn trở. Đó là bởi, hiện nay, đa số giáo viên đứng lớp đã cao tuổi, chỉ ít năm nữa sẽ không còn nhanh nhạy để dìu dắt học trò. Mới đây, một trong những giáo viên cốt cán là cô Đỗ Thị Nhàn bị bệnh nặng, buộc phải cắt một quả thận, sức khỏe yếu, khó có thể tiếp tục đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, ngoài việc học kiến thức, những học sinh của Lớp học tình thương cần được hỗ trợ khám, điều trị bệnh, phục hồi chức năng. Một số trường hợp cần được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm… “Tôi sẽ giúp đỡ học sinh khuyết tật bằng tất cả tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Mong rằng, các cơ quan chức năng và cộng đồng tiếp tục dành sự quan tâm toàn diện đến lớp học”, cô Lê Thị Hòa bày tỏ.

Có thể khẳng định, đến thăm Lớp học tình thương tại chùa Hương Lan ai cũng cảm nhận rõ tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giữa người với người, của cộng đồng với những đối tượng yếu thế. Từ đó, mỗi người sẽ có những suy nghĩ, việc làm tích cực hơn cho cuộc sống này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lớp học tình thương vào năm học mới