Một cảm thức khác về Tết xưa qua nhật ký Nguyễn Huy Tưởng

23/01/2023 07:50

(HNMCT) - Tết Quý Dậu cách đây 90 năm (1933) khá tương đồng về thời gian với Tết Quý Mão 2023: Tết đến sớm, cùng vào tuần thứ tư của tháng 1 dương lịch. Khi ấy, nhà văn tương lai Nguyễn Huy Tưởng vừa tốt nghiệp bậc Thành chung ở trường Bonnal (Hải Phòng) và bước sang tuổi 21. Những trang nhật ký ông viết trong những ngày giáp Tết năm ấy cho thấy khá rõ tâm thế của người thanh niên khi tạm biệt quãng đời học sinh và trở về quê nhà để bắt đầu sự lập thân trong bối cảnh đất nước còn quá khó khăn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhớ về Tết xưa là nhớ về những phong tục tập quán tốt đẹp. Ảnh: Kha Chu Long

4 Janvier(1) 1933

Tôi nghĩ đến đời tôi, mà lại thương đến đời mẹ. Mẹ tôi nuôi tôi ăn học, mong cho tôi khá giả. Tôi chỉ mong có một việc làm, đem cái thân khốn nạn này đi kiếm ăn, tháng tháng gửi được ít tiền về nuôi mẹ, thỉnh thoảng sắm cho mẹ quần áo (...).

Tôi nghĩ đến những điều lầm lỗi của tôi đối với mẹ hiền mà tôi hối hận, mà tôi không yên, mà lòng tôi bứt rứt. Thân tôi ngày nay là một cái bao đựng biết bao điều hối hận. Than ôi! Mẹ tôi nào có để ý đâu đến những tội bất hiếu của tôi, mẹ lại lo cho tôi, tôi càng thấy cái công lao cúc dục của mẹ tôi man mác như đại dương.

Năm đà sắp hết. Tôi thương, tôi nhớ, than ôi, xin lòng thương lòng nhớ ấy nay là thứ yên ủi mẹ tôi; tôi hối tôi đau, than ôi, lòng hối lòng đau là cái cực hình nó cho tôi ít lòng vui vậy!

8 Janvier 1933

Tôi lắm khi thường băn khoăn thương mình là kẻ chưa biết gì. Mà thật ra, thì tôi đã biết gì đâu. Chẳng qua chỉ mấy câu văn Thái Tây(2), ngoài ra học thuật, triết lý của họ, tôi vẫn mịt mù chưa biết gì cả.

Nhưng hôm nay, tôi ngẫm nghĩ, tôi cũng hơi tin ở tôi. Tôi cũng có khiếu về học chữ Nho. Tôi học đến hôm nay là được 3 tháng 9 ngày, tuy chưa vào đâu, nhưng tôi tháng trước đã võ vẽ xem được quyển “Tam Quốc”, rồi xem vào quyển “Từ Nguyên” thì cũng thấy rạn ra nhiều. Tôi đã tự tin ở tôi một ít. Tuy vậy tôi vẫn lo, và tôi vẫn cầu Thượng đế giúp cho tôi học thành tài, để tô điểm lấy non sông Việt Nam yêu quý.

10 Janvier 1933

Tối hôm qua, tôi đương ngồi nói chuyện vãn với các cháu, bỗng thấy cửa mở, rồi bà cụ láng giềng vào. Cụ là mẹ vợ ông phán Khuê, tòng sự tại sở Bưu điện. Khốn nạn cho bà cụ tuổi đã ngoài sáu mươi, đem thân nương tựa vào người rể, mong trọn cái thân già. Ai ngờ, chàng rể đem lòng khinh rẻ, cô con giở giọng phụ tình.

Khuê quả thực là quân chó lợn. Ngồi ăn cùng vợ con, để cho bà cụ ăn ở dưới bếp với thằng ở. Bà cụ đi qua, nguýt mà không mời. Thậm chí, khi hắn xuống bếp, bà cụ đang ăn mời hắn, hắn cũng không thèm mời lại. Hắn đi bà cụ tủi thầm lại khóc! (...).

Ít lâu nay bà cụ càng khổ. Con giai lão Khuê - con vợ cả - về ở cùng bố. Nó về hành hạ bà cụ đủ đường. Hơi một tí, nó ton hót bố nó. Rồi bà Khuê cũng bênh con mà cãi bà cụ, thậm chí mở miệng nói với chị tôi rằng: “Bước đi đâu, chết đâu cho rảnh mắt”, ám chỉ vào bà cụ vậy. Bà cụ phải năn nỉ xin con gái ít tiền để đi.

Hôm sắp đi, bà cụ có sang nhà tôi, ẵm đứa cháu nhỏ. Lúc về thì lão Khuê đã đóng chặt cửa lại không cho vào. Chờ đến lúc bà Khuê về, bà cụ mới được vào. Vài hôm sau, bà cụ sắm sửa đồ đạc ra về, lúc mở hòm ra tìm đôi hoa tai, thì, ôi thôi, hoa đã không cánh mà bay đâu mất rồi. Bà cụ thất sắc, đi tìm. Không thấy. Mấy hôm xáo xác thế là mất đôi hoa.

(...) Tối hôm qua bà cụ sang chào, đôi con mắt còn chưa ráo nước mắt. Than ôi! Bà cụ từ mấy hôm trước, vì mất hoa, chỉ luôn luôn khóc, tình cảnh há ai gan sắt mà chẳng động lòng.

Bà cụ đi rồi vậy. Với 5 đồng bạc (xin được của con gái), ba đồng đi tàu, bà cụ làm gì mà ăn?

18 Janvier 1933

Trưa, bạn đến rủ tôi đi chơi. Đến nhà người bạn, tôi chép bài thơ “Than nghèo” của Nguyễn Công Trứ. Rồi tôi cùng bạn ra đi. Chúng tôi đi về miền nhà quê. Đến con đường đê, bốn phía trống trải, gió lùa cực mạnh, mưa lún phún bay. Hai bên đồng rạ trông có vẻ tang thương. Xa xa, chân giời ảm đạm, mờ mờ tỏ tỏ. Đoái trông về trong tỉnh chỉ thấy một mầu đen đen, thỉnh thoảng lại thấy ngọn khói đùn, tỏa khắp trên không, hòa với vẻ mung lung của cảnh giời mà cùng biến vào nơi vô ảnh.

Chúng tôi đi mãi. Ngắm cảnh tuy không sinh tình, nhưng cũng thấy khoan khoái. Lúc vào đến nhà người bạn ở trong làng, bạn lại đem phần việc làng ra cùng nhau ăn uống. Được chỗ ấm áp, được ăn miếng ngon mà quên cả sự đời. Rồi bạn đem chuối luộc lên ăn. Thong thả, bạn pha chè Tầu uống. Bạn kể đến cảnh khó khăn ở đời nay, khiến cho tôi lại chìm đắm vào nơi sầu muộn.

Thành ra lúc về, tôi chẳng được vui. Lo cho thân phận, ngán cho cuộc đời!

19 Janvier 1933

Cả buổi sáng chả được việc gì. Trưa đến cùng với hai người anh em lên chợ chơi xem cảnh Tết. Hàng hóa nhiều, người đông đúc, chen chít cùng nhau. Tôi đến hàng cam, chạnh nhớ đến việc đi lễ Tết cụ Cử, tâm trung không yên. Cụ Cử là người dạy tôi ít chữ Nho trong hơn ba tháng nay. Bây giờ gần Tết, cụ sắp về quê. Tôi muốn sắm ít lễ vật đến biếu cụ tỏ tấm tình sư đệ. Than ôi! Tiền tôi cũng không dư. Trông lại hàng cam, tấm lòng đòi đoạn. Nghĩ lại cảnh mình, tình sư đệ sao mà lỏng lẻo. Lại tự giận mình, lại đau đớn, lại bàng hoàng. Về đến nhà càng thấy áy náy không yên. Ngoài giời rét, trong lòng lạnh lẽo. Muốn hát, giọng không kêu. Không còn có cách chi mà khuây khỏa, trong lòng lại càng uất ức...

9 giờ tối

Tôi ngồi thơ thẩn bỗng nghĩ đến cảnh chị tôi(3) mà thương quá. Chị tôi năm nay đã 37 tuổi, đã 6 đứa con. Chị tôi người bộc trực, nhiều lòng nhân, nhưng hay gắt và khí hẹp hòi. Bệnh thông thường của đàn bà ta kể chi.

Nhưng chị tôi yêu tôi lắm và rất chăm chút cho tôi. Chị tôi tốn về tôi nhiều lắm, tôi làm hại chị tôi cũng nhiều. Mà chị tôi chẳng quản đến mình, hết lòng lo cho tôi. Lắm lúc chị thương tôi mà thở dài thay cho thân phận lênh đênh của tôi.

Ngày nay sắp Tết. Tôi sắp ra về. Nghĩ đến chị mà thương (...) Chị em, anh em là một cảnh thú đệ nhất ở đời. Trong đời ta, chỉ một lần được gặp anh em chị em mà thôi, kiếp sau há dễ mà lại được gặp nữa? Nghĩ đến đây tôi lại càng giận mình bạc bẽo, lại càng quý chị nồng nàn. Chị tôi đối với tôi, ngoài là tình chị em, trong như tình mẫu tử, đùm bọc lấy tôi như một cái cây không quản mưa to sét mạnh vậy.

20 Janvier 1933

Sáng hôm nay tôi cùng anh Tuất là hai anh em cùng đi học chữ Nho, đến lễ cụ Cử. Lễ vật chẳng có gì, càng trông lại càng chán. Nhưng cụ cũng tươi cười nhận, hẹn sang năm lại cứ đến học. Rồi cụ chúc chúng tôi. Rồi chúng tôi chúc lại cụ. Sau vài lời an ủi của cụ - cụ an ủi rất cảm động - chúng tôi từ tạ ra về trong lòng cũng được hả hê, tuy rằng bẽn lẽn.

Tôi cũng yên. Về nhà nghêu ngao hát. Chép hai bài thơ mới làm ra...

23 Janvier 1933

Tôi đã về đến quê(4) lúc 3 giờ rưỡi. Tôi bước xuống tầu, trong lòng hồi hộp. Sáu tháng giời xa cách, nay lại thấy vẻ quê hương, trong lòng càng bâng khuâng vô ý thức. Các cháu ra đón. Tôi đưa cho cháu cắp cặp, rồi tôi cùng bọn tí nhau ra về.

Tôi đi được một quãng thì thấy xa xa ở trên dốc cao mẹ tôi đứng đó. Tôi cố rảo bước, trong dạ bồn chồn. Than ôi! Tháng trước được tin mẹ tôi mệt, nay tôi mau lại xem từ nhan mẹ tôi có thay đổi gì không? Mẹ tôi đứng trên cao trông thấy tôi, dáng mặt vui mừng. Tôi tưởng tượng đến những bức tượng của Thái Tây vẽ người đàn bà. Mẹ tôi cũng mới khỏi, có khác đôi chút. Mắt hơi đau. Vẫn giọng nói xưa, cái giọng nói mặn mà mà tôi không bao giờ quên được.

26 Janvier 1933

Hôm nay là ngày mồng một rồi đây(5). Giời đổ rét, gió thổi mạnh, nhưng thái dương soi sáng, cây cỏ đùa vui. Cảnh nhà êm thấm, âu cũng cúi lạy Giời, Phật phù hộ cho. Đến 11 giờ 30 tôi đi lễ, đến 2 giờ rưỡi tôi mới về. Tôi đi nhiều nhà...

    *    
*      *

Mồng một Tết, chẳng có gì viết. Khai bút xin chúc non sông chóng được phú cường, mẹ tôi trường thọ, kinh tế mau tăng, chúc chị tôi, anh tôi, các người thân thích được mọi sự tốt lành. Đắc tài, đắc lộc. Tôi thì xin mau chóng có việc làm để có tiền phụng dưỡng mẫu thân.

-------------
(1) Tháng 1 (tiếng Pháp).
(2) Chỉ các nước châu Âu, phương Tây nói chung.
(3) Chị gái nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - bà Nguyễn Thị Cung lấy chồng ở Hải Phòng.
(4) Làng Dục Tú xưa thuộc phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội.
(5) Mùng một Tết Quý Dậu 1933, tức là ngày 26-1.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một cảm thức khác về Tết xưa qua nhật ký Nguyễn Huy Tưởng