Hà Nội văn

Một Hà Nội ân tình của riêng tôi

Tùy bút của Phong Điệp 11/02/2024 - 07:09

Thấm thoắt mùa qua mùa, xuân này vừa tròn 30 năm tôi gắn bó với mảnh đất Hà thành. Một hành trình ý nghĩa ghi nhiều dấu ấn của tuổi trưởng thành mà khi ngồi viết những dòng chữ này tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng. Bởi tất cả với tôi dường như mới chỉ hôm qua...

tuy-but.jpg

Tôi nhớ như in cảm giác lần đầu đặt chân xuống bến xe phía Nam vào một ngày tháng 10 hanh hao nắng. Rời khỏi chiếc xe khách liên tỉnh đang phì phò xì khói, tôi ngơ ngác bước xuống bãi xe khét mùi dầu máy, nồng nã mồ hôi người. Bố vác chiếc hòm tôn đựng vật dụng cá nhân cho tôi chuẩn bị cuộc sống tự lập, vừa hối hả lôi tôi khỏi cánh xe ôm đang ồn ã mời chào, tranh giành khách. Tôi chỉ biết lật đật đi sát theo bố và giữ khư khư chiếc túi du lịch màu đen sờn chỉ, bạc phếch.

Khác với nỗi căng thẳng có phần thái quá những ngày đầu “nhập cư”, Hà Nội đón tôi từ tốn và bao dung. Tôi nhanh chóng tìm được hơi ấm của tình thân nơi xóm trọ với đám sinh viên đến từ khắp Bắc - Trung - Nam. Mỗi người một cá tính, sở thích, thói quen và ngay cả giọng nói cũng khác nhau, nhưng có lẽ đồng cảnh trọ học xa nhà nên chúng tôi nhanh chóng thân thiết, gắn bó. Xóm trọ dần trở thành gia đình mới của tôi. Ai có chuyện buồn là cả xóm xúm lại vỗ về động viên hoặc hăng hái làm quân sư “gỡ rối”. Niềm vui của một người cũng là niềm vui chung của cả xóm. Anh chị chủ nhà trọ là người Hà Nội gốc tính tình cởi mở, chất phác, luôn coi chúng tôi như đám em vụng dại cần được bảo bọc và sẵn sàng hỗ trợ hết mức.

Tôi thực sự thấy thân thuộc với cảnh xô chậu ngổn ngang quanh bể nước trong sân, những giàn phơi quần áo giăng mắc trên các ban công. Náo nhiệt nhất là vào chiều tối. Người rửa rau vo gạo, người giặt quần áo. Đám con trai “chung thân” cơm bụi, không bận rộn bếp núc thì tranh thủ đá cầu. Tiếng trò chuyện, chòng ghẹo nhau rộn rã. Khi xóm trọ lên đèn cũng là lúc thơm lừng mùi cơm sôi từ bếp dầu và tiếng bát đũa lanh canh. Chiếc cát xét từ đâu đó vang lên những giai điệu dìu dặt của ban nhạc The Beatles. Chộn rộn đến gần nửa đêm thì cả xóm chìm vào giấc ngủ. Ngoài đường người bán bánh mỳ vẫn kiên nhẫn đạp xe, thả tiếng rao đuối hơi cuối ngày vào giữa thinh không: “Bánh mỳ nóng giòn đê...”. Nhờ vậy mà đám sinh viên thức khuya ôn thi có thể mua được tấm bánh “nhà nghèo” chống chọi với cơn đói.

Hằng tháng bố mẹ cho tôi một số tiền khiêm tốn, đủ chi tiêu tối thiểu. Để có thêm tiền trang trải những khoản phát sinh khác, đồng thời có cơ hội thâm nhập vào đời sống Hà thành, tôi làm gia sư cho một gia đình ở khu tập thể Kim Liên. Dù chỉ là sinh viên đi làm thêm song tôi đã nhận được sự đối đãi đầy trân quý của gia chủ. Lúc giải lao, bà nội cậu bé thường mang nước, bánh kẹo hoặc hoa quả lên mời tôi. Dù chỉ là cốc ca cao nóng, vài miếng cam hay dăm chiếc bánh vừng vòng tôi cũng cảm nhận rõ sự tinh tế và trọng thị của gia chủ dành cho mình. Đặc biệt, cách đón tiếp, trò chuyện của bà mỗi khi mở cửa đón tôi vào nhà hay khi gửi tiền thù lao hằng tháng đều toát lên phong thái lịch lãm của người Tràng An mà nếu chỉ đọc qua sách vở chắc tôi không thể cảm nhận hết được.

Thâm nhập vào đời sống Hà Nội, tôi cũng phần nào hiểu được lý do khiến nhiều người tỉnh lẻ muốn về đây tìm kiếm cơ hội. Như xóm trọ của tôi, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã ở lại, gắn bó với Thủ đô và gặt hái được ít nhiều thành công. Bởi lẽ Hà Nội là mảnh đất ân tình, bao dung. Chỉ cần chịu thương chịu khó rồi cũng tìm được một công việc phù hợp để mưu sinh, thu xếp được cuộc sống ổn thỏa.

Gần nhà tôi hiện nay có một hàng sửa chữa quần áo của một phụ nữ người Hà Nội chừng ngoài 40 tuổi. Cửa hàng ngày trước vốn là gara xe của một gia đình được chị thuê, cải tạo làm chỗ mưu sinh. Ngày ngày anh chồng bươn chải chạy xe ôm, chị ở cửa hàng xoay xỏa với đống quần áo. Thời xưa khó khăn, thiếu thốn nên việc mang quần áo đi sửa chữa, tân trang rất phổ biến. Cuộc sống bây giờ khấm khá hơn, cứ ngỡ cửa hàng sửa chữa quần áo sẽ khó tồn tại, vậy mà mỗi lần đi qua tôi đều bắt gặp chị miệt mài làm việc, xung quanh ngổn ngang túi lớn túi bé. Lắm lúc chị phải làm đến tối khuya. Cuối tuần cô con gái thường ra phụ giúp mẹ. Thỉnh thoảng người chồng tranh thủ tạt qua giúp vợ dọn dẹp, trả đồ cho khách. Nhìn cảnh sống của họ thật đầm ấm, hạnh phúc.

Lặn sâu vào đời sống của Hà Nội tôi ngẫm thấy mảnh đất này vẫn vẹn nguyên chất tần tảo, chịu thương chịu khó của người Kẻ Chợ. Mờ sáng, các gia đình tiểu thương đã lục tục thức dậy, chuẩn bị hàng họ cho ngày mới. Nửa đêm gà gáy luôn có những hàng ăn bình dân chong đèn đợi khách. Bát cháo gà mươi, mười lăm nghìn đồng phục vụ dân lao động chợ đầu mối trước khi xắn tay vào việc. Món mỳ tôm trứng đỡ cơn đói cho các chị lao công làm ca đêm. Và điều tôi ấn tượng nhất đó là đến bây giờ tôi vẫn gặp những gánh hàng xôi niềm nở bán cho khách kể cả từ 5.000 đồng/gói.

Từ những năm tháng sinh viên tôi đã “phải lòng” Hà Nội qua những hàng xôi sớm ven đường. Mới tờ mờ sáng, các bà các chị đã kẽo kẹt đạp xe chở thúng xôi ra phố. Đến địa điểm quen thuộc bên hè phố nào đó, thúng xôi được hạ xuống, còn nóng hổi và ngào ngạt thơm. Khách chỉ cần ghé lại dăm phút là có được gói xôi bọc lá dong ấm sực, thơm phức, đủ năng lượng bắt đầu ngày mới. Tôi nghiệm thấy rằng dường như hàng xôi nào của Hà Nội, trên phố lớn hay trong ngõ nhỏ, hoặc kể cả của những người đi bán rong, cũng đều rất ngon. Thức quà sáng giản dị chiều lòng được cả dân lao động, các cụ hưu trí, đám học sinh, sinh viên cho đến cánh nhân viên văn phòng và cả những người dư dả. Điều thú vị là khi đặt chân về Hà Nội tôi mới biết đến món xôi xéo, một sự kết hợp vô cùng tinh tế từ gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh đồ nhuyễn, thái tơi phủ lên rồi rưới thêm mỡ nước, ruốc thịt và hành phi, dậy mùi thơm rất đặc trưng. Đến giờ, sau 30 năm dọc ngang cùng phố xá Hà Nội, những hàng xôi bên đường của các bà các chị vẫn hiện diện trong tôi như một chỉ dấu thân thương của mảnh đất, con người Kẻ Chợ.

Chỉ với những lát cắt nho nhỏ, bình dị ấy thôi, vậy mà càng gắn bó với nơi đây, càng thấy mình thêm nặng lòng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một Hà Nội ân tình của riêng tôi