Hà Nội văn

Lời thì thầm của dòng sông

Tạp văn của Đỗ Bích Thúy 03/02/2024 - 12:52

Thời tiết Hà Nội mùa đông năm nay chẳng theo quy luật gì cả. Thường thì những cơn mưa phùn ẩm ướt kéo dài sẽ rơi vào cuối xuân.

Nhưng nay thì từ đầu tháng Chạp đã triền miên những cơn mưa như thế, cứ lây rây cả ngày, chốc chốc lại ào thành một đợt. Chiều chiều, đợi mưa ngớt ngớt một chút tôi lấy xe đạp ra để đi dọc đê. Từ hồi sang bên kia sông ở, tôi cảm thấy như thể đấy chính là nơi hợp nhất với mình sau hàng chục lần dịch chuyển qua 5 - 6 quận nội thành. Dường như nơi này, cái "bên kia" của dòng sông Hồng, đã để dành một chỗ chỉ đợi tôi đến ở vậy.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Tôi đạp xe dọc đê sông Hồng rồi quành sang đê sông Đuống ở cái góc đường hình chữ L. Nó đơn giản vì góc đó, phía xa xa ngoài kia, chính là cái ngã ba sông Đuống vào dòng chảy của sông Hồng. Tức là sông Đuống chỉ dài có đến đó là hết. Hết nghĩa vụ, hết số phận, không còn sông Đuống nữa. Nên con đê cũng bẻ gập như thể phân định đê nào của sông nào vậy.

Con đê ấy có hai luồng đường để người ta di chuyển, trên mặt đê và dưới chân đê. Chân đê ghi là đường Nam Đuống. Là ta đang ở bờ Nam của con sông này. Đê sông Đuống sẽ chạy dài tầm năm cây số kể từ cái góc chữ L tới chân cầu Đuống. Qua cầu sang bên kia sông là một cái chợ vải rất lớn, có khi thương lái cả nước đều biết tên: Chợ Ninh Hiệp.

Lại nói về sông.

Tôi cứ đạp xe hết con đê ấy, gặp chân cầu thì quay lại. Quay về một đoạn dài, qua gầm cầu Đông Trù thì có một mỏm đất trống chìa ra sông. Ở đấy, trước kia chỉ có một cây phượng già. Mùa đông nó rụng sạch lá, trông như chết rồi. Thế mà mùa xuân, rồi hè, nó hết xanh biếc vì lá lại đỏ rực vì hoa. Bây giờ cái bãi đất trống ấy được xây dựng thành một vườn hoa nhỏ, có ghế đá. Những buổi chiều mùa hè người ta dừng chân ở đấy rất đông. Để làm gì bạn biết không? Để ngắm hoàng hôn. Chao ôi những chiều hè, mặt trời đỏ lựng to tròn như cái mâm, lặn dần lặn dần xuống phía cuối dòng Đuống, hắt những quầng sáng hồng hào lên vòm trời mênh mông xanh thẳm bất tận. Đó thực sự là một kỳ quan. Thực sự khiến người ta xúc động đến lặng người.

Ở đó còn có một lối mòn dẫn xuống chân đê phía sông. Không hiểu sao lại có lối mòn ấy. Nó là lối mòn theo đúng nghĩa đi lâu thì thành đường. Hai bên hoa xuyến chi mọc bạt ngàn, những bông bé xíu nhưng căng mọng rung rinh nở, lao xao đu đưa trong lúc những cơn gió từ sông thổi lên. Sáng hay chiều, bình minh hay hoàng hôn, xuân hạ hay thu đông... thì con đường mòn ấy cũng đẹp một cách khó tả. Thoai thoải triền đê người ta trồng rau, rất nhiều loại rau, mùa nào thức nấy. Trồng rau trên đê và xuống sông múc nước lên tưới. Tôi đã nhiều lần theo lối của những người trồng rau đi tận xuống mép sông. Tôi thậm chí trước đây chưa từng nghĩ rằng sẽ có lúc mình xuống gần sông Đuống đến thế, tới mức có thể nhúng tay xuống để cảm nhận dòng chảy chậm rãi nhưng mạnh mẽ xuyên qua những ngón tay.

Một bà lão, có lẽ gọi thế thì hơi quá, vì chỉ gương mặt hơi già chứ vóc dáng thì vẫn còn nhanh nhẹn lắm, đang nhặt cỏ trong những luống mùi. Bây giờ là tháng Chạp rồi. Những luống mùi vẫn còn xanh biếc dù chúng đã vươn cao tới gần ngang đầu gối. Tôi hỏi:

- Chỗ này bà để cho ra hoa ạ?

Bà lão ngẩng đầu lên nhìn tôi, mỉm cười. Có lẽ bà đã quen với việc thỉnh thoảng lại có một người lạ mặt, đầu đội mũ bảo hiểm, chân đi giày, tay có găng, dựng xe đạp trên lối mòn và lò dò đi xuống như thế này.

- Ừ, chẳng mấy chốc nữa mà Tết rồi.

Tôi ngồi xổm trên phiến đá lát làm bậc thang của lối đi xuống sông, thò tay vào nhổ cỏ cùng bà. Tôi hình dung rằng chỉ một lúc nữa thôi, mùi thơm của những cây mùi sẽ đọng lại dọc suốt cánh tay tôi.
Chỉ khi về Hà Nội tôi mới biết người ta có thói quen đun lá mùi già vào chiều 30 Tết để tắm như một cách thanh tẩy bụi trần trước khi đón năm mới. Nhà nhà sẽ đun những nồi to, đủ cho già trẻ lớn bé dùng. Rồi thì còn mua những bó mùi già về cắm vào bình cho thơm nhà.

Gió lành lạnh vẫn thổi lên từ sông và sàn sạt theo triền đê.

Con đường mòn này sẽ không kéo dài mãi đến hết đê vì chỉ một đoạn nữa là nó sẽ bị chặn lại bởi một ngôi nhà màu xanh có rất nhiều hoa hồng và hoa ngũ sắc. Trước cửa ngôi nhà ấy có một con đường trải nhựa mà xe máy, ô tô có thể lách được, dưới chân đê.

Cạnh lối xuống sông có những sợi dây thừng rất to, cực kỳ to, bò dọc lên tận trên cao. Nó sẽ được vòng qua chân một cái ụ xi măng cũng to, vuông vắn như bể chứa nước lộ thiên. Lần đầu tiên nhìn thấy sợi thừng ấy từ phía trên mặt đê tôi cứ tò mò tự hỏi không biết nó để làm gì. Hóa ra đó là sợi dây người ta dùng để neo sà lan. Thật là thô sơ, nhưng sự thực là người ta vẫn neo sà lan như thế đấy. Khúc sông này lúc nào cũng có vài chiếc sà lan đậu chụm lại với nhau. Người ta nấu nướng sinh hoạt trên đấy y như một xóm nhỏ. Có lẽ là chặng nghỉ cho những chuyến lên thượng nguồn hay về hạ nguồn.

Điều mà tôi thích nhất khi dựng xe đạp và đi lang thang ở đây là cái cảm giác vừa được đi tới một nơi nào đó rất xa. Hà Nội đấy mà chẳng Hà Nội chút nào. Chẳng thấy một con phố nào, chẳng thấy những nếp ngói lô xô, chẳng thấy những bức tường màu vàng cũ kỹ hay là vô số thứ tiếng ồn khiến người ta cứ nhộn nhạo cả lên. Hà Nội tuyệt vời nhất là bởi thế, ôm vào lòng nó tất cả những gì thuộc về tự nhiên hay con người, sự giống nhau hay khác biệt, ồn ã nhức đầu hay tĩnh lặng tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng sẽ thật khó để mình yêu Hà Nội đến mức này nếu như Hà Nội thiếu những dòng sông và những con đê.

Tôi rất thích nhìn những cái cửa khẩu ra đê. Hai bên cửa luôn có những cái trụ vững chãi, mỗi trụ lại có một cái khe lớn chạy dọc. Hồi xưa tôi chẳng hiểu vì sao lại có những cái trụ ấy. Mãi sau này mới biết là nếu như nước sông Hồng lên cao quá, người ta sẽ đóng cửa khẩu lại bằng cách lùa vào khe ấy một thứ gì đó giống như cánh cửa, sập xuống để chặn nước tràn vào. Tất nhiên bây giờ hay sau này sẽ cực kỳ hiếm khi nước dâng lên cao đến thế, nhưng người ta vẫn để nguyên (hay là mặc kệ) những cái cửa khẩu và những cột trụ. Tôi cũng thích Hà Nội cả vì thế, cái gì có từ hàng trăm năm thì cứ để nguyên/mặc kệ chúng. Chẳng động vào làm gì. Vì động vào cũng chắc gì đã tốt/ đẹp hơn.

Nếu là chiều hè thì tôi đã có thể ngồi đến tận lúc mặt trời lặn hẳn xuống cuối dòng sông. Vì ngay cả khi ấy tới lúc tối mịt cũng còn lâu lắm. Nhưng mùa đông, tháng Chạp, thì không lẩn mẩn lề mề như vậy được, nhoáng cái đã tối ụp xuống đầu. Tôi chào tạm biệt bà lão, hẹn bà khi nào mùi già, vừa có hoa vừa có quả, tức là đúng cái lúc nó vừa thơm lại chưa kịp xấu đi ấy, thì tôi sẽ quay lại để mua lấy một bó to.

Đúng như tôi hình dung, hương thơm của lá mùi đã ướp kín cả tôi rồi, mặc cho gió cứ thổi tới thì thầm xôn xao không ngừng.

Tôi ngoái đầu nhìn dòng sông và nghĩ, liệu khi hòa vào dòng chảy lớn ngoài kia, bao lâu thì chúng có thể lẫn hẳn vào nhau?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lời thì thầm của dòng sông