Hà Nội văn

Mùa hè có cơn mưa

Truyện ngắn của Hoàng Dương 16/07/2023 06:21

Mùa hè, lượng mưa ít cùng cái nắng như thiêu và những cơn gió hầm hập khiến cả thung lũng như một lòng chảo được đun lên. Hoa sim, hoa mua càng tím thì năm đó hạn càng nhiều.

28f65bce4a269a78c337.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Người lớn tuổi thở dài, đôi mắt sâu thêm khi thấy mùa hoa ngăn ngắt. Mai cũng biết điều đó, mọi đứa trẻ đều biết điều đó, nhưng màu tím ấy thường cho chúng những mộng mơ nhiều hơn là âu lo. Những người già một đời âu lo cũng có thay đổi được gì đâu. Họ vẫn sống và đi qua năm tháng lầm lũi, cam chịu.

Doanh trại bộ đội ở cách thung lũng không quá xa, tuy nhiên, do địa hình gò đồi nối tiếp nên việc đi lại không mấy thuận tiện. Mấy lần đơn vị đã đến vùng này giúp bà con trồng cây gây rừng và nói chuyện về lợi ích của rừng xanh. Nhưng do nghèo đói, bà con làm mãi không đủ ăn nên được một thời gian rừng lại bị phá dần để làm rẫy. Họ chưa biết tính đến cái mốc năm năm, mười năm khi cái đói còn đeo đẳng họ từng ngày.

Nhìn triền hoa tím rồi nhìn những quả đồi trơ trọi sau mùa thu hoạch sắn, Mai chợt thấy bâng khuâng. Mai nhớ đến người áo xanh năm trước đưa đơn vị đến đây trồng rừng. Người ấy đã nói rất nhiều, nhưng Mai chỉ nhớ được một ý sau cùng: “Đất đai dẫu cằn cỗi nhưng không bao giờ phụ con người. Chúng ta cũng có thể cải tạo đất bằng tình yêu, bằng ý chí của chúng ta. Rừng xanh sẽ giúp chúng ta thổi bùng sự sống cho đất hồi sinh”. Bây giờ, nếu trở lại, người mặc áo xanh ấy có buồn không khi rừng xanh vẫn vắng bóng ở nơi đây... Vì những câu nói ấy mà Mai đã chọn thi vào ngành lâm nghiệp, trong sự bất ngờ của không ít người.

***

Tiếng xe máy phá tan bầu không khí quen thuộc. Vòng vèo qua mấy khúc cua quanh chân đồi rồi Nhất dừng xe ngay cạnh chỗ Mai ngồi. Nhất nhìn quanh, định lại ngồi trên phiến đá cạnh Mai nhưng nghĩ thế nào anh ta lại ngồi trên xe, vắt vẻo và kẻ cả. Cả vùng này chỉ có Nhất là sở hữu chiếc xe đẹp như thế, đường bằng thì phóng êm ru, chỉ mấy chục phút là tới trung tâm huyện, còn ở nơi đồi dốc gồ ghề vẫn leo băng băng như một chú ngựa hay. Nhất hơn Mai ba tuổi, gia đình thuộc diện có điều kiện nhất vùng do bố mẹ Nhất buôn bán, cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho bà con.

Vì xa cách nên người trong thung lũng rất ít khi đi ra ngoài. Có lẽ Mai là người đi xa nhất, hằng ngày cô phải đạp xe gần hai mươi cây số để đi học cấp ba trường huyện. Nhất chỉ học hết cấp hai rồi ở nhà phụ bố mẹ bán hàng. Gần đây, đã vài lần Nhất lân la qua nhà Mai chơi và dò hỏi xem học xong cấp ba Mai định thế nào. Biết nhau từ lâu nên dù không thân thiết nhưng Mai cũng không giấu Nhất ý định theo học ngành lâm nghiệp để sau này về quê trồng rừng.

- Mai cứ suy nghĩ thêm về đề nghị của anh. Ở thung lũng này sẽ không có bất kỳ ai ủng hộ em trồng rừng đâu. Em tốt nghiệp cấp ba thì đến làm cho nhà anh. Bố mẹ anh rất coi trọng em, em là đứa con gái có học thức cao nhất vùng này mà...

Mai trả lời dứt khoát:

- Em phải đi học. Anh thấy đấy, vì chúng ta không trồng rừng nên thung lũng mới như một lòng chảo được đun lên vào mùa hè và xơ xác lạnh lẽo vào mùa đông vậy.

- Thực ra chúng ta có thể đổi đời bằng cách dễ dàng hơn, không cần phải đợi những cái cây đến tận năm, mười năm sau. Bố anh sẽ cùng những người anh em của ông ấy tìm ra được tiền của ở chính nơi này.

Nhất vừa nói vừa đưa tay lên ra dấu bí mật. Nhưng Mai vốn không quá để tâm đến những lời của Nhất. Mai nghĩ đến chặng đường phía trước, nghĩ đến người mặc áo xanh. Hôm trường cấp ba giao lưu kết nghĩa với đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn huyện, Mai đã gặp lại người áo xanh ấy. Dẫu nói chuyện chưa nhiều nhưng người ấy rất vui khi biết Mai chọn học ngành lâm nghiệp.

***

Rồi cũng đến ngày Mai nhận được giấy gọi nhập học. Cô chia tay thung lũng, mang theo những ước mơ riêng. Ở trường, Mai học bằng mấy lần người khác bởi cô biết, trong đám bạn bè hầu như không có ai sinh ra ở một nơi khắc nghiệt như quê cô, nơi mà ngay cả mùa hè cũng khan hiếm mưa. Đã bao nhiêu cái giếng được đào lên mà nguồn nước vẫn trốn biệt. Sau giờ học Mai lại tìm đến thư viện đọc sách. Ước mơ làm sống dậy thung lũng chưa khi nào nguôi trong cô.

Mùa hè năm thứ ba, khi Mai còn ở lại thành phố để đi làm thêm thì nhận được điện thoại của Nhạn và Phong. Hai đứa đã thi đỗ cấp ba trường huyện. Chúng cho Mai biết, bố của Nhất cùng những người lạ mặt đang khai thác vàng trên những gò đồi. Họ đưa cả máy móc và người làm đến rất đông. Mai chợt nhớ lại, hồi Mai còn ở thung lũng, thi thoảng trong những chiều chăn bò Mai gặp những nhóm người lạ, Mai cũng từng tự hỏi sao họ lại ở đó...

Mai xin nghỉ làm ít hôm và bắt xe về quê. Nhìn từ xa, thung lũng như mang trên mình những vết thương lở lói. Màu xanh vốn đã lưa thưa giờ thì biến mất hẳn, chỉ sau vài ngày họ khai thác. Triền đồi phía tây như bị xẻ ra thành nhiều mảnh, những máy móc, lán trại mọc lên ngổn ngang. Nhìn những vạt sim mua đang mùa nở rộ bị đất đá chèn lên dập nát, Mai đau như bị ai đó cấu vào lòng mình. Điều đáng sợ hơn là từ khi thung lũng bị đào xới để khai thác vàng thì nguồn nước hiếm hoi của người dân ở dưới lòng thung lũng cũng đục ngầu lên. Mọi người đều phải múc nước vào chậu, vào thùng, để thật lâu cho lắng lại thì mới dám dùng. Gia đình Nhất bất chấp điều đó, vẫn tiếp tục cùng đám người lạ đào xới, khoét sâu vào lòng thung lũng.

Kiến thức được học cũng đủ cho Mai biết, trong lòng thung lũng có thể có nhiều khoáng sản. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho đất đai nơi này cằn cỗi, không có nhiều mạch nước. Nhưng khai thác khoáng sản là việc làm lợi bất cập hại, nhất là khi bên dưới lại là khu dân cư sinh sống. Bố Mai là trưởng thôn nhưng cũng đành bất lực đứng nhìn. Ông nói với Mai: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền con ạ, người quê mình nghèo quá. Những người đến khai thác vàng nói sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con, rồi đây bà con không còn cần phải trồng trọt nữa...”.

Hôm sau, khi Mai vừa thức dậy đã nghe một tiếng động lớn từ phía đồi Tây. Rất nhanh, bà con trong thung lũng đã nói cho nhau biết gần nửa quả đồi đang khai thác dở đã sụp xuống, một người thợ lái máy múc đã không kịp chạy thoát...

***

Tối đó nhà Mai có khách. Những người khách áo xanh, có cả người mà Mai mong gặp lại lâu nay. Người áo xanh ấy nhờ bố Mai tổ chức một buổi họp thôn. Khi bà con đã có mặt đông đủ, người ấy điềm đạm cất lời:

- Thưa bà con! Nói về việc gắn bó với đất thì không ai hơn bà con ở đây. Tôi tin chắc rằng những ngày này, hơn ai hết bà con là người cảm thấy xót xa khi nhìn những triền đồi, nương rẫy bị xẻ ra. Khoáng sản có thể có trong lòng đất nhưng không là vô tận. Chỉ có chăm chút cho đất thì đất mới nuôi chúng ta từ đời này sang đời khác. Nếu chúng ta khoét sâu vào lòng đất, đất cũng đau, cũng nổi giận...

Mai hiểu tất cả những gì người ấy nói đều là sự thật. Đã năm năm trôi qua kể từ khi bộ đội phát động trồng rừng, nếu bà con kiên nhẫn thì thung lũng mùa hè này đã không như một thân thể mang đầy vết thương. Vết thương ấy như càng rộp đau hơn dưới cái nắng như nung của mùa hè. Năm năm qua, bà con đã lấn rừng làm rẫy nhưng đời sống vẫn đói nghèo. Và giờ thì những kẻ phá hoại đã lợi dụng lòng tin và khao khát đổi đời của người dân để khai thác trái phép trên đất của họ.

Cuối buổi nói chuyện, khi mọi người đã ra về hết, Mai ngập ngừng hỏi người áo xanh:

- Liệu bà con có thay đổi suy nghĩ không chú, và nếu họ đồng ý không cho khai thác vàng nữa thì tiếp theo họ phải sống như thế nào?

Người áo xanh nhìn Mai, ánh mắt lấp lánh những tia hy vọng:

- Mai yên tâm, ngân hàng chính sách trên huyện tới đây sẽ duyệt cho bà con vay vốn làm ăn. Mỗi gia đình sẽ có một khoản tiền nhất định để sinh sống và tiếp tục trồng cây gây rừng.

- Vậy tốt quá rồi! Qua được cái đói nghèo trước mắt họ sẽ nghĩ đến lâu dài.

- Mai cứ yên tâm học nốt đi. Khi Mai về bà con sẽ cần nhờ Mai nhiều lắm đấy. Mà đừng gọi tôi là chú nữa, tôi chưa có gia đình đâu, cũng chỉ lớn hơn Mai chưa đến chục tuổi mà.

Mai ngại ngùng nhìn người áo xanh mà trong lòng trỗi dậy những hy vọng xanh tươi, mạnh mẽ như thể có một cơn mưa đang tắm mát tâm hồn cô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa hè có cơn mưa