Xu hướng

Mua sắm, trao đổi đồ đã qua sử dụng: Xu hướng mới trong cuộc sống hiện đại

Bảo Minh 16/11/2023 - 08:15

Xu thế mua sắm hàng cũ đang trở nên phổ biến với sự hỗ trợ tích cực của mạng xã hội, được người tiêu dùng nói chung, giới trẻ nói riêng hưởng ứng nhiệt tình với quan niệm "cũ người mới ta".

do-cu-1.jpg
Mua sắm quần áo, phụ kiện đã qua sử dụng đang dần trở thành thói quen của nhiều người.

Trao đổi, mua bán đồ thời trang cũ đang là đề tài "nóng" trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhất là sau thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Dạo quanh các trang chuyên về mua bán, trao đổi quần áo, phụ kiện, giày dép như FreeMar.vn, Chotot.com, các trang Facebook như "Hội thanh lý Zara (Authentic Việt Nam)", "Cũ người mới ta cùng Adore Dress", "Hội thanh lý Charles&Keith, Pedro, Aldo, Nine west... hàng chính hãng", "Hội thanh lý, buôn bán quần áo cũ vẫn dùng tốt"..., có thể bắt gặp rất nhiều lời rao bán như: "Mình cần thanh lý cái váy này, mới 80%, giá 300K", "Đôi giầy Charles&Keith này mình mới dùng được một lần, muốn để lại cho bạn nào cần giá 800K nhé!"..., kèm theo đó là địa chỉ và số điện thoại của chủ nhân.

Không chỉ tồn tại trên các trang web, nhiều bạn trẻ có cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo, phụ kiện đã qua sử dụng. Ra đời với mục tiêu "vì một thế giới ít khí thải carbon hơn", Urban Circular Space (phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa) là một cửa hàng kinh doanh quần áo đã qua sử dụng, theo mô hình thời trang tuần hoàn. Khách hàng đến đây thường có hai nhu cầu: Hoặc là mang những bộ đồ không còn dùng nữa tới để ký gửi, hoặc đến ngắm nghía và mua những bộ quần áo cũ, những đôi giày, đồng hồ, túi xách... đã qua sử dụng mà mình cảm thấy thích. Cửa hàng còn nhận đồ cũ để tái chế hay may thành những vật dụng mới như túi xách, ba lô, miếng lót ly, cốc.

Chị Hoàng Thu Thủy (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho biết, ngày trước, nói đến đồ cũ chị thường liên tưởng đến những món đồ bị ố bẩn, sờn rách, nhưng khi vô tình nhìn thấy một album bán lại đồ đã từng mặc của một người bạn trên Facebook, chị cảm thấy thích thú vì đồ vẫn còn mới đến 80 - 90%, và quan trọng là giá rẻ. "Ở cơ quan tôi, vào giờ nghỉ trưa, mọi người thường vào các trang web để trao đổi quần áo cũ, giày dép, túi xách... Nhiều chị em có con nhỏ, quần áo phải thay liên tục nên các "mẹ bỉm sữa" cũng lập ra một nhóm riêng để trao đổi quần áo, giày dép với mức giá rẻ hơn nhiều so với khi mua đồ mới" - chị Thủy chia sẻ.

Còn Phan Thanh Lan, 28 tuổi, nhân viên viết quảng cáo tại một công ty truyền thông tại quận Cầu Giấy, cho biết: "Mình tham gia bán, trao đổi quần áo trên Facebook vì muốn tiết kiệm. Một bộ quần áo mình từng mặc, nhưng giờ đây không còn thích nữa thì tốt nhất là nên đem bán cho người đang cần với giá rẻ, vừa đỡ lãng phí vừa thu hồi lại phần nào số tiền để dùng vào mục đích khác".

Đặc biệt, một số diễn viên, người mẫu, ca sĩ trẻ cũng bắt đầu kinh doanh mặt hàng thời trang đã qua sử dụng trên trang cá nhân. Do đặc điểm nghề nghiệp cần nhiều quần áo để đi đóng phim, biểu diễn, dự sự kiện... nên có những bộ váy áo, giày dép, túi xách... họ chỉ dùng một lần. Bỏ không trong tủ thì rất phí, lâu dần thành lỗi mốt, ố mốc nên họ tự phối đồ và phụ kiện, tự làm người mẫu rồi đưa ảnh lên mạng. Nhờ sự nổi tiếng cùng "gu" thời trang khá ổn, các món hàng của họ thường được bán nhanh chóng...

do-cu-3.jpg
do-cu-2.jpg

Được công bố năm 2022, báo cáo hằng năm của eBay về thương mại nhấn mạnh rằng, người tiêu dùng trẻ tuổi là lực lượng chính mới nổi trên thị trường đồ cũ với 80% số lượng hàng đã qua sử dụng được mua bởi nhóm người này. Nguyễn Quỳnh Anh - nhân viên tại Inhere một trang web chuyên nhận thanh lý - ký gửi đồ thời trang toàn quốc - chia sẻ: "Khi mua một món đồ đã qua sử dụng thay vì một món đồ mới nghĩa là bạn đã góp phần bảo vệ môi trường bởi vì sản xuất quần áo đòi hỏi rất nhiều nhiên liệu và quần áo chất liệu nhân tạo khi thải ra môi trường cũng giống như nilon hay vật liệu nhựa khác, rất khó phân hủy. Hành động mua bán, trao đổi đồ cũ, nhìn trên góc độ rộng hơn, là cách để hạn chế những sản phẩm thời trang dùng 1 - 2 lần rồi bỏ, làm gia tăng vòng đời của sản phẩm và góp phần giảm lượng rác thời trang thải ra môi trường".

Còn Trần Thúy Nga, quản lý cửa hàng Urban Circular Space khẳng định: "Các bạn trẻ chính là những người tiên phong quan tâm đến thời trang tuần hoàn, thời trang đã qua sử dụng. Khi tính tuần hoàn được đặt lên hàng đầu, các món đồ thời trang được sử dụng lại thì đó là cách gián tiếp để giảm thiểu nhu cầu sử dụng sản phẩm mới, từ đó hạn chế rác thải ra môi trường".

Tuy nhiên, không phải đồ thanh lý nào cũng khiến người mua ưng ý. Chị Hoàng Thu Lan (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Lần đó, mình mua được một chiếc quần khá ưng ý của một bạn trên Facebook. Nhìn ảnh chụp thì thấy chiếc quần còn khá mới, giá lại rẻ hơn những chỗ khác nên mình đã mua mà không hỏi kỹ. Đến khi nhận được hàng thì mới phát hiện ra là phía sau quần bị ố vàng, ngâm giặt vẫn không hết. Thế là mình đành ngậm ngùi bỏ luôn". Còn Tuấn Khang, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngân hàng, cho biết: "Em đã từng mua nhầm một đôi giày của hãng Nike với giá đắt hơn thị trường do tin người bán hàng, không tìm hiểu kỹ trước về giá bán".

Nguyễn Quỳnh Anh, nhân viên của Inhere, khuyến cáo: "Nếu quyết định mua những món đồ đã qua sử dụng thì cần tìm đến những địa chỉ bán đồ có uy tín, người bán có cam kết đảm bảo chất lượng. Tùy theo từng sản phẩm sẽ có những tiêu chí lựa chọn riêng. Cụ thể, với giày da, túi xách thì nên mua những sản phẩm không bị sờn, bong tróc, quan sát cẩn thận đường kim mũi chỉ cũng như lớp lót, lớp đế, quai đeo. Với quần áo thì không nên chọn những sản phẩm đã sờn hoặc bạc màu. Nếu đồ có vết ố, bẩn, nên kiểm tra xem vết đó có giặt sạch được hay không... Với hình thức mua hàng online, người mua cần vào trang cá nhân kiểm tra tài khoản có thật không và với những món hàng có giá trị, hãy dứt khoát nhờ người bán chụp thêm nhiều ảnh, quay video để xem kỹ hơn".

Là một người theo xu hướng thời trang tuần hoàn, Trần Thúy Nga, quản lý cửa hàng Urban Circular Space cho rằng, ngoài xem kỹ mặt hàng định mua, người mua cũng cần tạo thói quen bảo quản, sử dụng tốt đồ của mình; luôn đặt ra câu hỏi rằng nên mua hay không, mua với mục đích gì, sử dụng được bao nhiêu lần...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua sắm, trao đổi đồ đã qua sử dụng: Xu hướng mới trong cuộc sống hiện đại