Hà Nội 360

Nét đẹp di sản áo dài Trạch Xá

Hoàng Lân 18/03/2024 - 11:52

Hà Nội vừa có 5 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề may Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa). Nét đặc biệt của nghề may Trạch Xá là truyền thống lâu đời cùng kỹ thuật may rất riêng.

ao-dai.jpg
Nhiều gia đình ở làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) duy trì nghề may áo dài truyền thống.

Theo những người cao tuổi ở làng Trạch Xá, thời phong kiến xưa có một quy tắc bất thành văn của làng, đó là chỉ truyền nghề may cho con trai.

Bởi theo quan niệm của người dân nơi đây, phụ nữ lấy chồng sẽ là người nhà chồng, nếu truyền bí kíp gia truyền có thể bị thất lạc. Đó là lý do đàn ông trong làng là những người thợ chính duy trì hoạt động may áo dài của gia đình, trực tiếp thực hành các bước thiết kế, cắt, may. Nhưng ngày nay, cuộc sống đã thay đổi, nghề này đã được truyền dạy cho cả phụ nữ.

Làng Trạch Xá hiện có khoảng 500 hộ dân thì phần lớn sinh sống bằng nghề may áo dài. Trẻ em trong làng từ 6 đến 7 tuổi đã được làm quen với việc may, đo, đến khi 15-16 tuổi là có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống. Nhiều gia đình gắn bó với nghề may áo dài từ đời này sang đời khác, 3-4 thế hệ.

Lãnh đạo UBND xã Hòa Lâm cho biết, Trạch Xá là một trong 10 làng nghề được tỉnh Hà Tây trước đây (nay là thành phố Hà Nội) quy hoạch thí điểm phát triển nghề với hoạt động du lịch. Năm 2004, tỉnh Hà Tây (cũ) đã công nhận “Làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá”.

Trong làng, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm may mặc của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề của Hà Nội. Hiện, Trạch Xá không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Lê Văn Thùy, một người có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong nghề may áo dài tại Trạch Xá cho biết, dù trải qua bao thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Người làng Trạch Xá vẫn trung thành với áo dài cổ ngũ thân hay còn gọi là áo dài 5 tà. Điểm đặc trưng của kỹ thuật may áo dài làng Trạch Xá là khâu tay dọc, trong khi hầu hết nơi khác là khâu tay ngang. Kỹ thuật may tay dọc có điểm tì kim khỏe và tạo nên tốc độ đưa mũi kim may nhanh, đều và đẹp mắt.

“Kỹ thuật khâu kim tay dọc giúp cho người thợ giấu được các đường kim, mũi chỉ ở dưới bên trong đường khâu khác với khâu kim tay ngang thường bị lộ mũi chỉ ở phía bên trong của vạt áo. Với kỹ thuật này, người Trạch Xá đã khâu giấu hoàn toàn đường kim mũi chỉ vào phía bên trong”, anh Lê Văn Thùy chia sẻ.

Áo dài Trạch Xá có tiếng vang cả nước. Trong cuộc sống mưu sinh, người Trạch Xá đã tản cư, sinh sống ở nhiều vùng, miền khác nhau nhưng vẫn giữ truyền thống làng nghề. Bởi vậy, áo dài Trạch Xá hiện nay không chỉ có ở Hà Nội mà đã lan tỏa tới nhiều vùng, miền khác.

Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) có một ngôi làng mang tên Phó Trạch là do người dân Trạch Xá vào truyền dạy nghề may. Tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã có tới trên 30 cửa hàng may áo dài của người Trạch Xá, có thể kể đến: Áo dài Tiến Đạt Trạch Xá, áo dài Tuấn Hằng, áo dài Vinh Trạch, áo dài Thanh Châu... (Hà Nội); áo dài Nghĩa Trạch, Minh Hạnh (tỉnh Lạng Sơn); áo dài Quang Toàn (tỉnh Thái Bình); Nhà may Xuân Hiển (tỉnh Hà Giang); áo dài Quang Thiện (tỉnh Hưng Yên)...

Thời kỳ kinh tế thị trường, người Trạch Xá đã thay đổi tư duy khi truyền dạy nghề cho rất nhiều người nơi khác để nghề may nói chung và nghề may áo dài nói riêng phát triển.

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho rằng, thương hiệu của nghề may Trạch Xá đã được khẳng định qua ngàn năm lịch sử. Với sự kế thừa truyền thống, tình yêu nghề, người dân Trạch Xá đang góp phần trong việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp của làng. Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng nghề Trạch Xá, huyện Ứng Hòa đã có kế hoạch triển khai xây dựng điểm du lịch, trong đó có khu trưng bày, giới thiệu áo dài Trạch Xá.

Trong công cuộc bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa, áo dài Trạch Xá thường xuyên góp mặt trong nhiều sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội như: Lễ hội du lịch áo dài Hà Nội; lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội; trưng bày, giới thiệu áo dài trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...

Người làng Trạch Xá cho biết, đã có rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến Trạch Xá, để đặt mối quan hệ hợp tác, kinh doanh. Sản phẩm may mặc làng Trạch Xá đã xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ... Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, làng nghề Trạch Xá không những may áo dài, áo tế, áo tượng mà còn làm chăn, gối, áo bông, trang phục đặt hàng cho các bộ phim.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp di sản áo dài Trạch Xá