Di sản

Mong manh nghề làm đàn Đào Xá

Thiện Mỹ 22/12/2023 - 15:12

Nhắc đến tinh hoa nghề làm đàn dân tộc, hẳn không thể không nói về làng Đào Xá, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Từng vang danh nhưng nghề cứ dần mai một, nay cả làng chỉ còn duy nhất gia đình ông Đào Anh Tuấn theo nghề trọn vẹn.

“Giữ lửa” nghề

Trong gian nhà đơn sơ của ông Tuấn, 4 bức tường chỉ vừa chỗ treo đàn và những “bảng vàng” thành tích làm nghề của gia đình. Cố Nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn - cha ông Đào Anh Tuấn vẫn như đâu đây, qua bức ảnh ông đang nâng cây đàn và những danh hiệu nghệ nhân được phong tặng.

7(1).jpg
Bốn bức tường nhà ông Đào Anh Tuấn vừa đủ chỗ treo đàn.

Xưởng làm đàn của ông Tuấn không quá lớn. Từng loại nguyên liệu và đàn đã xong phần thô được xếp gọn ghẽ. Trong gió lạnh, xưởng đàn im lìm, thỉnh thoảng khọt khẹt, lách cách tiếng cưa, đục.

Người đàn ông gầy guộc với đôi tay khéo léo trên từng phím đàn, đôi tai nghiêng nghiêng thẩm từng thanh âm kỹ càng. Cái lạ là, ông Tuấn không theo trường lớp nhạc lý nào, không biết chơi đàn, nhưng những cây đàn ông làm ra thì người khó tính cũng phải đắm say, mê mẩn bởi thanh âm.

“Từ thời các cụ, cả làng không ai biết chơi đàn bài bản, nhưng sản phẩm làm ra vẫn đáp ứng được mọi nhu cầu của người ham mê dòng nhạc cụ dân tộc. Đó cũng chính là nét độc đáo của nghề gia truyền làm đàn Đào Xá”, ông Tuấn chia sẻ.

1(6).jpg
Ông Đào Anh Tuấn say sưa với nghề.
6(1).jpg
Xưởng làm đàn khọt khẹt, lách cách tiếng cưa, đục...

Vừa trò chuyện, ông Tuấn vừa lên dây cho cây đàn tứ. Thẩm âm xong, nhấp chén trà đặc sánh, ông Tuấn kể về cái duyên với nghề làm nhạc cụ cổ truyền. Dù có cha là nghệ nhân làm đàn dân tộc nức tiếng khắp trong làng, ngoài xã, nhưng như bao người trong làng, dù biết nghề, ông vẫn thờ ơ, không mặn mà.

Phải đến đầu những năm 2010, khi cha ốm, nghề làm đàn trở thành bước ngoặt trong cuộc đời ông.

“Cha tôi bệnh nằm trong viện điều trị, nhưng người ở gần, ở xa vẫn mang đàn đến nhà nhờ sửa. Việc ùn ra, người làm không có, thế là tôi tự mày mò. Tôi nhớ lại tất cả những công đoạn trong nghề, tìm tòi, khám phá... Thế rồi tôi cũng sửa được đàn. Đó là những tháng ngày đầu tiên nghề làm đàn làm tôi say sưa” - ông Tuấn kể.

3(6).jpg
Ông Đào Anh Tuấn đang lên dây cho cây đàn tứ.

Bền bỉ giữ gìn

Từ bước ngoặt ấy, ông "tan chảy" với nghề lúc nào không hay. Cha mất, ông chính thức nối nghiệp Nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn. Nhà có 4 anh chị em, nhưng cũng chỉ mình ông Tuấn theo nghề.

Ông tâm sự: “Lúc này mới hiểu hơn về nỗi lòng canh cánh của cha trước kia khi chưa có người nối nghiệp. Giờ tôi cũng canh cánh, sốt ruột, bởi có dạy miễn phí, cũng khó có ai theo nghề. Số người trong làng đi các nơi làm đàn, giờ hầu như cũng bỏ hết nghề... Vẫn biết, đàn dân tộc khó lựa người chơi nên thị trường nhạc cụ dân tộc cũng không sống động bằng các nhạc cụ hiện đại khác. Nhưng những sản phẩm này là một phần hồn cốt của dân tộc, không thể bỏ, phải nuôi dưỡng, giữ gìn và phát triển”.

Cũng như cha mình - cố nghệ nhân Đào Văn Soạn đã tham gia rất nhiều hoạt động bảo tồn, liên hoan văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, ông Tuấn tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP và được UBND huyện Ứng Hòa bình chọn sản phẩm đạt 3 sao với: Đàn tranh gỗ trắc, đàn bầu gỗ hương, đàn nguyệt gỗ mun, đàn tỳ bà gỗ hương…

4(3).jpg
Ông Đào Anh Tuấn đang hoàn thiện một cây đàn nguyệt.

Trước kia, sản phẩm đàn đáy, đàn thập lục do cố nghệ nhân Đào Văn Soạn làm từng được chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố Hà Nội năm 2013... Ông Tuấn lập trang web riêng, giới thiệu sản phẩm gia đình đang sản xuất, đồng thời thâm nhập thị trường số, giới thiệu sản phẩm trên trang Facebook… Ngoài những địa chỉ đặt hàng quen thuộc ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đã có không ít người tìm đến tận nhà xem ông làm đàn và mua đàn.

Quan niệm để giữ gìn được các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống thì điều tiên quyết là dòng nhạc này phải được nuôi dưỡng, phổ biến đến số đông cộng đồng. Cha trước kia đã hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội, nhằm đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nay ông Tuấn cũng ấp ủ nỗi riêng.

Ngoài việc gia đình đã tặng UBND xã Đông Lỗ, nhà văn hóa các thôn đàn dân tộc, ông đang có ý định sẽ tiếp tục tặng Trường Mầm non Đông Lỗ một bộ đàn dân tộc, với mong mỏi các cháu học sinh sẽ là những người được tiếp cận, trao truyền, dạy cách chơi dòng nhạc cụ này. Đó là bước chạm đầu tiên, để từ đó, có thể khơi được những mạch nguồn mới, mang đàn dân tộc đến với công chúng sau này…

Nhưng còn người truyền dạy? Nỗi trăn trở cứ dằn vặt ông Tuấn. Nghe ông kể, nỗi khấp khởi xen lẫn chút ngậm ngùi, bất giác chợt thấy, nghề làm nhạc cụ dân tộc đất Đào Xá cũng mong manh như những dây đàn...

Chia tay chúng tôi, ông Đào Anh Tuấn không giấu được nỗi niềm đau đáu: Phải làm gì để nghề làm đàn Đào Xá không mai một, mình ông khó có thể vực dậy một làng nghề... Chỉ mong, nỗi trăn trở của ông sẽ có câu trả lời...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mong manh nghề làm đàn Đào Xá