Hà Nội 360

Chông chênh nghề làm đàn Đào Xá

NGUYỄN CÔNG 20/07/2023 - 09:51

Nghề làm đàn ở Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ mai một, đặc biệt là sau sự ra đi của nghệ nhân gạo cội Đào Văn Soạn vào giữa năm 2022 ở tuổi 80. Trước khi đi xa, nghệ nhân Đào Văn Soạn mong muốn con cháu hãy giữ lấy nghề truyền thống bởi đó không chỉ là kế sinh nhai mà còn là nét đẹp văn hóa làng nghề.

anh-2.jpg
Trước lúc mất, nghệ nhân Soạn đã tặng 11 cây đàn cho thôn để trưng bày ở nhà văn hóa.

Nơi lưu giữ âm hưởng dân tộc

Làng Đào Xá nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50km, vốn là một làng cổ gần 1.000 năm, trước kia có tên là Viên Kiệu. Tìm đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Đào Văn Soạn, người duy nhất của làng được phong tặng danh hiệu cao quý, được tin ông đã mất, chúng tôi không khỏi tiếc nuối, bởi mấy năm trước ông còn rất khỏe mạnh, tay đục tay đàn.

Anh Đào Anh Tuấn, con trai nghệ nhân Đào Văn Soạn hiện nối nghiệp cha làm đàn, ngoài ra còn có anh Phùng Anh Trung là con rể cụ Soạn cũng làm nghề. Cả hai anh đều đang làm theo mong muốn của cụ Soạn, tiếp nối nghề làm đàn truyền thống của quê hương Đào Xá.

Vừa thẩm âm cây đàn mới chế tác, anh Tuấn cho biết: “Tôi cũng mới về nhà nối nghiệp làm đàn được hơn 10 năm nay, trước kia tôi làm nghề lái xe. Tôi với bố tôi đều không làm đàn từ hồi trẻ cho dù sinh ra trong gia đình có nghề. Khi ông nội tôi già yếu, ông mong muốn con cái nối nghề nên bố tôi nghe lời ông nội. Rồi dần dần bố tôi yêu cái nghề làm đàn, yêu cho đến khi về với tổ tiên. Bản thân tôi cũng từ sự mong mỏi của bố mà về làm đàn, qua năm tháng cái nghề đã thành cái nghiệp, giờ đây tôi cũng mong gắn bó với nghề đến cuối đời”.

Tìm hiểu về lịch sử làng nghề, ông Trần Việt Hào, Trưởng thôn Đào Xá cho biết: “Nghề làm đàn ở Đào Xá có cách đây hơn 200 năm do cụ Đào Xuân Lan (người làng Đào Xá) sang Trung Quốc và học được nghề. Sau đó cụ Lan về truyền dạy cho con cháu trong họ làm vào lúc nông nhàn. Dần dần, nghề lan rộng ra khắp làng và từng có thời điểm nghề làm đàn đem lại thu nhập chính cho người dân.

Ông Hào cho biết thêm, thời bao cấp, Nhà nước lập xưởng nhạc cụ quốc doanh ở Ô Chợ Dừa (Hà Nội), trong xưởng lúc ấy có tới 90% thợ là người làng Đào Xá. Xí nghiệp 1/5 ở phố Hàng Gai cũng chủ yếu là người thợ Đào Xá. Tại miền Trung cũng có rất nhiều người con của Đào Xá làm thợ đàn ở đó. Hiện tại, để tưởng nhớ công lao của tổ nghề, trong làng còn có một con đường mang tên cụ Đào Xuân Lan.

anh-1.jpg
Anh Tuấn vẫn đang nối nghề truyền thống của quê hương. Ảnh: Kim Duyên

Nghề cần có đôi tai chuẩn

Khi còn sống, nghệ nhân Đào Văn Soạn nổi tiếng gần xa bởi tài làm đàn điêu luyện, đặc biệt là các loại đàn dân tộc như đàn tam, đàn tứ, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tam thập lục... Khách trong Nam ngoài Bắc nườm nượp về đặt cụ làm đàn.

Ít người biết rằng cụ Soạn không rành nhạc lý cũng chẳng biết chơi đàn. Ngay đến anh Tuấn bây giờ cũng vậy, anh chỉ biết làm đàn, gảy đàn để thẩm âm chứ không biết chơi đàn cho dù từng làm ra hàng trăm chiếc đàn. Bù lại, nghề làm đàn yêu cầu người thợ có đôi bàn tay khéo léo, đôi tai thẩm âm chuẩn xác thì mới có thể tạo ra những cây đàn khiến khách hàng ưng ý.

Để sản xuất ra một cây đàn phải trải qua rất nhiều công đoạn, trước tiên phải chọn được gỗ trắc và gỗ vông, hai loại gỗ quan trọng để làm đàn. Sau đó thì phơi gỗ cho kiệt nước trong 2 - 3 năm rồi mới đưa vào sản xuất. “Gỗ sau khi phơi khô sẽ giúp đàn có âm thanh đạt yêu cầu, độ bền cao” - anh Tuấn cho hay.

Người làm đàn thường dựa vào câu nói mà các cụ để lại “nhất thanh nhị sắc” để đánh giá chất lượng cây đàn. Âm thanh đầu tiên phải chuẩn theo đúng loại đàn, trường độ, sau đó mới xét đến dáng dấp, thẩm mỹ, độ chắc chắn... Bên cạnh đó, từ khâu chọn gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, đánh bóng, khảm trai... đều được làm bằng phương pháp thủ công theo kỹ thuật xa xưa để lại. Anh Phùng Anh Trung, con rể nghệ nhân Soạn cho biết: “Lúc mới học làm đàn rất bỡ ngỡ và nhanh chán, vì ngồi từ sáng đến trưa có khi chưa làm được gì. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ với từng chi tiết, ngay cả việc bào gỗ mà không bào được thẳng thì có thể phải bỏ tấm gỗ đó đi, vì thế, để làm ra cây đàn có khi mất cả tháng”.

Nỗ lực giữ nghề truyền thống

Khi còn sống, cụ Soạn từng phối hợp với thôn tổ chức một số lớp đào tạo làm đàn với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của quê hương. Học trò của cụ Soạn rất nhiều, cả người trong làng lẫn ngoài làng nhưng đến nay số người còn theo nghề rất ít.

Anh Đào Anh Tuấn cho biết, để học nghề làm đàn thành thạo phải mất ít nhất 2 năm, thậm chí có người học đến 10 năm. Làm đàn đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật khắt khe nên khó hấp dẫn thanh niên. Còn nếu để làm giàu thì chẳng ai ở Đào Xá chọn làm đàn, bởi nhu cầu thị trường không lớn và khách hàng đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao. “Có những cây đàn làm hàng tháng mới xong nhưng không đúng ý khách hàng thì họ không lấy, mình chỉ còn cách để trưng bày làm kỷ niệm” - anh Tuấn cho biết.

Anh Đào Anh Tuấn đến giờ vẫn luôn ghi nhớ lời bố dặn để “bám trụ” với nghề, đó là phải có tình yêu nghề, tính kiên trì và đặc biệt là trong quá trình làm phải tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề. Nếu như thiếu một trong 3 yếu tố trên thì chắc chắn sẽ không thể trụ được với nghề lâu dài, và nghề làm đàn Đào Xá một mai sẽ bị mai một.

Trên thực tế, nghề làm đàn ở Đào Xá từng có thời gian chìm vào quên lãng, ngay đến gia đình nghệ nhân Đào Văn Soạn còn phải chuyển sang làm đồ mộc dân dụng để có thu nhập. “Đó là giai đoạn 1975 - 1990, gần như trong làng chẳng có ai làm đàn cả. Sau đó, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Đảng, Nhà nước nên nghề làm đàn dần dần được khôi phục, tuy nhiên đến nay, nghề truyền thống lại đang có dấu hiệu thoái trào” - anh Tuấn trầm ngâm nói.

Trưởng thôn Đào Xá, ông Trần Việt Hào cho biết: “Đào Xá được công nhận làng nghề truyền thống năm 2009, thời điểm đó có khoảng 50% hộ làm đàn nhưng rồi các khu công nghiệp xuất hiện gần làng, thanh niên chọn đi làm công nhân thay vì phải học nghề làm đàn, mất 2 - 3 năm mà thu nhập cũng chẳng bằng”. Trong làng giờ chỉ còn các con của nghệ nhân Đào Văn Soạn làm đàn. Trước khi mất, cụ Soạn tặng thôn 11 cây đàn truyền thống để trưng bày ở nhà văn hóa. Thôn coi đây là món quà quý giá để trưng bày, lưu giữ phần nào “dấu vết” làng nghề để thế hệ trẻ biết về nghề làm đàn một thời nức tiếng của quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chông chênh nghề làm đàn Đào Xá