Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên (1911-1979) là một đại diện thuộc thế hệ đầu tiên của nhiếp ảnh Việt Nam. Ông sinh ra và sống giữa lòng phố cổ Hà Nội, là người thừa kế nghề thuốc gia truyền Đức Phong.
Vừa theo nghề của tổ tiên, ông vừa đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Vào cái thời mà nhiếp ảnh còn là thú chơi xa xỉ nhưng Nguyễn Duy Kiên cùng với những gương mặt kỳ cựu của giới nhiếp ảnh Hà thành như Võ An Ninh, Lê Đình Chữ, Phạm Văn Mùi, Lê Vượng, Đỗ Huân không coi cái thú chơi ấy như một trò tiêu khiển, làm mẽ với bè bạn mà ý thức về nghề nghiệp một cách sâu sắc: Chụp ảnh vừa để lưu giữ những nét tao nhã của người Tràng An thanh lịch, vừa muốn tiếp thu những cái tân tiến mà thời cuộc mang đến.
Hằng ngày, cứ rời hiệu thuốc là ông lại lang thang khắp các ngõ phố của Hà Nội. Ông nhẩn nha, thẩm thấu từng căn nhà, góc phố đến sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nội để ghi lại những vẻ đẹp phong cảnh và con người, những biến chuyển thời cuộc in dấu lên từng con phố mà ông thân quen từ thơ bé.
Nguyễn Duy Kiên chơi ảnh và chụp ảnh chỉ như để ghi lại ký ức của mình về một Hà Nội mà cả đời ông và gia đình gắn bó. Ông lặng lẽ âm thầm với cảm xúc riêng, da diết trải bày suy tư của người cầm máy.
Hà Nội hiện diện trong ảnh của Nguyễn Duy Kiên ăm ắp tình với những khuôn diện thanh lịch, hồn hậu mà thanh tao, những di tích già nua nhuộm màu thời gian nhưng đầy sức sống, những vùng quê ngoại ô lam lũ mà vẫn toát lên cốt cách của một xứ sở văn hiến. Phải yêu Hà Nội vô cùng mới có thể chụp có tình như thế!
“Không chỉ là mỹ cảm về tinh thần Hà Nội xưa, ảnh của Nguyễn Duy Kiên còn là nguồn tư liệu quý giá và đa chiều cho các nhà nghiên cứu xã hội học, sử học, kiến trúc, thời trang. Những bức ảnh của Nguyễn Duy Kiên lý giải thế nào là tinh thần Hà Nội, thế nào là thanh lịch, hồn hậu…” - nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo nhận xét.
Nếu nạn đói năm 1945 ở Việt Nam được lưu giữ bằng những bức ảnh chân thực của Võ An Ninh, thì cảnh phố xá Hà Nội tan hoang sau những ngày "tiêu thổ kháng chiến" cuối năm 1946 đã được lưu giữ nhờ những bức ảnh cũng rất chân thực của Nguyễn Duy Kiên.
Bộ ảnh rất hiếm và đặc biệt quý giá về "Hà Nội mùa Đông năm 1946" của ông đã cho hậu thế hôm nay không chỉ hình dung lại được những hình ảnh kiến trúc, mà còn thấy cả một thời kỳ lịch sử bi tráng của Hà Nội.
Những con phố nay đã thay da đổi thịt, nhưng qua ống kính Nguyễn Duy Kiên ghi lại cách đây hơn 70 năm đã cho thấy những hình ảnh đổ nát hoang tàn của Hà Nội ở khu phố cổ: Phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông), phố Bắc Ninh (nay là Nguyễn Hữu Huân), phố Chợ Gạo, phố Hàng Dầu, phố Bát Sứ, Hàng Da, Hàng Thiếc, Hàng Hòm, Thợ Tiện (nay là phố Tô Tịch), trong đền Ngọc Sơn...
Một không gian Hà Nội tạm bị chiếm xao xác những hình ảnh, những âm thanh như nỗi cảm hoài về một Hà Nội cổ kính xưa đã bị tàn phá nặng nề và toát lên nỗi chờ đợi, niềm mong mỏi một ngày đổi thay khi đoàn quân chiến thắng trở về…
Một bộ ảnh rất quý nữa của Nguyễn Duy Kiên là hình ảnh những ngày tiếp quản thủ đô. Nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo cho biết: "Với bức ảnh ‘Ngày Giải phóng Thủ đô’, Nguyễn Duy Kiên không chỉ là một nghệ sĩ đi tìm cái đẹp, mà ở đây, nhà nhiếp ảnh đã vượt lên ở tầm vóc một nhà tư tưởng, một thư ký nhạy bén và tài hoa của thời đại".
Ngày Giải phóng Thủ đô, chọn góc máy từ trên cao, Nguyễn Duy Kiên đã thu được hình ảnh Đại đoàn quân Tiên phong (F308) trong đó có Trung đoàn Thủ đô (E102) đang tiến vào quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Cả biển người như sóng dậy đón ngày giải phóng với đầy tràn khí thế và hy vọng với đủ các giới nam phụ lão ấu. Bố cục chặt chẽ, nét hoành tráng của bức ảnh gợi mở sự liên tưởng người Hà Nội như ôm ấp đoàn quân tiếp quản Thủ đô.
Rồi hình ảnh bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội trên xe vẫy chào đồng bào Thủ đô. Hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trong lễ chào cờ chiều 10-10-1954. Hình ảnh đêm pháo hoa tại hồ Gươm mừng chiến thắng (1-1-1955).
Theo nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo, nhiều tấm phim, ông Kiên đã làm đi làm lại trong phòng tối tới dăm bức ảnh để tìm cho được điều mình muốn "nói". Có những công đoạn trong nhiếp ảnh hiện nay chỉ cần mấy phút hay một cú nhấn chuột, thì thời của ông, người ta phải "đánh vật" hàng mấy ngày. Những ảnh bị ông coi là "hỏng" khác biệt các bức được ông đóng triện nhiều khi chỉ là một sợi tóc mỏng manh, phải là người trong nghề và rất tinh tế mới có thể nhận ra.
Số phận đã không cho Nguyễn Duy Kiên may mắn được chụp, trưng bày và xuất bản nhiều nhưng di sản mà ông để lại là những sử liệu vô giá bằng hình ảnh về Hà Nội trong suốt 20 năm nhiều biến động 1940-1960. Đây là món quà quý giá mà ông gửi lại cho Hà Nội của chúng ta hôm nay.