Phát triển nông nghiệp gắn với đô thị sinh thái

Đỗ Minh| 20/09/2019 03:18

(HNM) - Với mục tiêu trở thành quận, huyện Đông Anh xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với đô thị sinh thái và bước đầu đã mang lại những tín hiệu khả quan...

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, năm 2016, gia đình ông Ngô Văn Bình, thôn Trung (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) triển khai mô hình trồng nấm rơm. Ông Bình cho hay: Trồng nấm rơm, không những tận dụng phế thải trong sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và cung cấp cho thị trường sản phẩm nấm sạch, bổ dưỡng. Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình trồng nấm rơm của gia đình ông Bình đã mở rộng được hơn 500m2, trung bình cho thu hoạch hơn 7 tạ nấm mỡ/vụ và hơn 10 tạ nấm sò/vụ, sau khi trừ chi phí, lãi được khoảng 100 triệu đồng/vụ.

Nhận thấy mô hình trồng nấm của gia đình ông Ngô Văn Bình cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình ở xã Việt Hùng và các địa phương lân cận như Tiên Dương, Liên Hà… cũng học theo. Ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết: Để giúp các hộ trồng nấm mở rộng quy mô sản xuất, huyện đã ban hành Đề án phát triển nghề trồng nấm rơm giai đoạn 2017-2020 và trích ngân sách địa phương 2 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân. Thông qua đề án này, huyện đã xây dựng được 7 mô hình trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao.

Từng bước tạo ra phương thức sản xuất mới, hiện đại, gắn với đô thị sinh thái, huyện Đông Anh cũng tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, như: Trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, rau hữu cơ tại các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng, Bắc Hồng, Cổ Loa... ứng dụng công nghệ Israel trồng rau trong nhà màng, nhà lưới, có hệ thống tưới tiết kiệm... Các mô hình này hiện nay cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm.

Chưa dừng lại ở đó, huyện Đông Anh còn tập trung phát triển chăn nuôi và thủy sản ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan. Đơn cử, trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả của gia đình chị Đặng Thị Hồng ở xã Đông Hội có quy mô 4,7ha với 6 dãy chuồng trại chăn nuôi lợn siêu nạc, gà ta, 5 ao thả cá cùng diện tích trồng cây ăn quả cho thu nhập khá.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng thông tin, đến nay, huyện đã xây dựng được 11 trang trại chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP. Một số trang trại chăn nuôi tập trung đang áp dụng công nghệ cao mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chẳng hạn như mô hình chăn nuôi của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hòa Phát của ông Nguyễn Văn Hiệu ở xã Tiên Dương nuôi gà đẻ trứng, gà thương phẩm với 30.000 con các loại, doanh thu bình quân đạt 50 tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho hay, chăn nuôi và thủy sản là một trong những thế mạnh của huyện trong phát triển nông nghiệp, lĩnh vực này đang chiếm 58,5% cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương. Bên cạnh những trang trại lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện Đông Anh còn có gần 200 trang trại, phần lớn được đầu tư bài bản, sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

Để tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao gắn với đô thị sinh thái, thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục thí điểm một số mô hình sản xuất nông nghiệp trong Đề án chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới của huyện giai đoạn 2018-2020 để tạo bước chuyển mới trong cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp; đồng thời, huyện hỗ trợ, khuyến khích trồng lúa chất lượng cao, rau và cây ăn quả theo hướng hữu cơ; hỗ trợ ứng dụng các loại máy móc, trang thiết bị trong chăn nuôi..., từ đó tạo thêm nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với đô thị sinh thái.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp gắn với đô thị sinh thái