Phiên bản
Mười năm trước ông là thần tượng của nó. Mỗi ngày đi học, dù sớm hay muộn nó đều liếc mắt nhìn về phía ông. Khi thì ông nhoẻn miệng cười với nó, có lúc chỉ gật đầu rồi lại cắm cúi vào chiếc đồng hồ với những con ốc li ti qua tụ kính tròn bọc nhựa màu đen gắn vào mắt bên trái.
Ông là thợ sửa đồng hồ ở đầu xóm. Thế giới riêng của ông là chiếc tủ gỗ bốn phía lắp kính lọt thỏm vào giữa cái dù căng bạt màu rêu như cái mũ trái khế rộng vành trên đầu.
Có những buổi chiều đi học về, nó tạt vào say sưa nghe ông đàn hát. Khi ấy ông hóa thân thành một nghệ sĩ. Những ngón tay luyến láy trên phím đàn, chuyển những hợp âm trữ tình mê đắm bằng cây guitar đã bạc phếch nhưng âm thanh vẫn du dương. Đám học trò và cả những người lớn tuổi vây quanh ông, cùng thả hồn vào điệu bolero sướt mướt. Nó chả quan tâm lời ca kể lể chuyện yêu đương, chỉ thích thú nghe giọng hát ngọt ngào như rót mật vào tai. Nói như bây giờ, nó là fan trung thành của ông.
Bốn năm học cấp hai, nó không còn phải đi bộ mà cọc cạch đạp chiếc xe “đầu Ngô mình Sở” đến trường. Riết rồi nó bắt đầu phổng phao. Có hôm soi gương, nó thảng thốt với sự hiện hữu khác lạ trên khuôn ngực. Má đã hây hây, môi đã thắm, mắt chợt huyền. Không hiểu sao bỗng dưng nó nghĩ đến người thợ sửa đồng hồ có giọng hát ma mị và ngón đàn đốn tim thiên hạ. Nó ước phải chi ba nó giống hệt ông ấy hoặc ít ra nó có được người anh trai có tâm hồn nghệ sĩ. Mỗi ngày hai lượt đi về, nó vẫn ném về phía người đàn ông với ánh nhìn ngưỡng mộ.
Thời gian phủ lớp bụi dày lên kỷ niệm. Mái tóc bồng bềnh của ông thợ sửa đồng hồ đã có những sợi trắng so le nhưng tiếng đàn vẫn lay động lòng người. "Fan trung thành” của ông trên đường đi học về thi thoảng lại phanh gấp, chọn chiếc ghế nhựa đỏ thấp lè tè, nứt toác khiêm tốn ngồi nghe thần tượng đàn ca say đắm. Một hôm mọi người về hết. Tiếng đàn chợt ngưng dở dang, ông quay sang nhìn nó: “Hôm nay cô bé có tâm tư gì chăng?”. Nó như vừa tỉnh mộng, bẽn lẽn: “Dạ không! Cháu đang nghĩ giá như ba cháu hoặc anh cháu cũng đàn hát siêu như chú”. Nó nói dối chứ nó làm gì có anh trai. Nó ước sau này có bạn trai cũng tài hoa, phong trần nghệ sĩ y chang người thợ sửa đồng hồ.
Nó nghiện Facebook đến mức hễ rảnh là "lướt phây" tức thì. Nó nghiệm ra mỗi trang “phây” là một cái tôi bản ngã, tự tụng ca mình, dạy đời bằng những lời có cánh và sẵn sàng “đánh hôi” người khác chả thương tiếc, “không cần biết em là ai!”. Nghĩ đến đó nó chợt nhớ tới “bài tủ” của ông thợ sửa đồng hồ “Vì đó là em” với chất giọng trầm buồn, đỉnh nhất là phần điệp khúc tiếng ca như cơn đau xé lòng.
***
Trượt đại học, nó lên thành phố kiếm việc làm. Suốt ngày lại nghe bolero sướt mướt từ loa thùng di động của những người khuyết tật bán vé số, và cả những cô nàng xinh đẹp (mà sau này nó mới biết đa phần là người chuyển giới) có giọng hát không hề thua ca sĩ chuyên nghiệp. Dường như họ hát để thỏa cơn khát hát chứ không vì mưu sinh.
Có lúc đang nghe người ta hát bolero, nó sực nhớ hồi ở quê, khi một ca sĩ trẻ trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng nếu cả nước mê đắm bolero sến thì nền âm nhạc sẽ tụt lùi, ông thợ sửa đồng hồ đã lập luận rằng nhạc chỉ có hay và không hay chứ làm gì có khái niệm sến hay không sến. Cũng như nhà hàng buffet, ai muốn ăn món gì thì tự chọn. Một dòng nhạc lâu đời mà được đa số công chúng yêu thích thì đó là sự thành công mỹ mãn rồi còn gì. Lại có một văn sĩ bất bình lên tiếng rằng ca sĩ thì có quyền mặc quần sát háng, áo sát nách, tóc đỏ tóc xanh, đứng trên sân khấu nhảy nhót như bị điện giật, ca từ rap rock ngây ngô, phá cách mà vẫn được thiên hạ tán thưởng, còn thơ văn phá cách một chút thì lập tức bị “ném đá hội đồng” yêu cầu phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt… Lúc đó nó nghe mà chả hiểu mô tê gì.
Tốt nghiệp cấp ba mà phải đi rửa bát, nhặt rau, bưng bê thức ăn cho khách, nó cóc thèm nghĩ ngợi, miễn sao kiếm được tiền một cách chân chính. Thời buổi này làm người lương thiện là sự lựa chọn thanh bạch. Nhưng làm người lương thiện đâu có dễ. Vẻ phổng phao tuổi mười tám của nó như miếng mồi ngon trong mắt lão chủ quán. Một hôm, nhân lúc bà chủ đi vắng, lão già mắc dịch giở trò đồi bại, nó chống cự quyết liệt, xô lão ngã chổng vó rồi phóng ra đường. Thế là trở thành kẻ lang thang trong cái thành phố xô bồ, xa lạ.
Đang bơ vơ, buồn bã, lo lắng cho những ngày sắp tới không biết sẽ đi đâu về đâu, thế rồi có tiếng hát khàn khàn, độc lạ vẳng tới. Tiếng hát như khơi gợi nỗi buồn chôn vùi từ thuở hồng hoang. Mối tình đầu của nó đẹp như ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm hè, bỗng dưng bão tố, cuồng phong kéo đến… Lời hát như tiếng lòng nức nở cuốn lấy nó, giằng xé, cào cấu vết thương lòng tưởng đã lành miệng từ lâu. Mối tình đầu được tái hiện làm nó tổn thương. Hồi đó, nó bị đánh gục bởi tiếng đàn bolero huyền diệu và giọng hát liêu trai của một anh chàng cùng học lớp 12. Khi ấy nó đã chợt tưởng tượng chàng trai là hiện thân của ông thợ sửa đồng hồ thời trai trẻ.
Còn thực tại, người đàn ông ôm cây guitar với chiếc loa thùng gắn bánh xe chậm rãi hiện ra. Tóc bạc trắng, da ngăm đen, gương mặt khắc khổ, chỉ có ánh mắt là hiền từ, giọng nói trầm ấm: “Cháu có hát được không?”. Nó lấy làm lạ, các ca sĩ trẻ giả giọng khàn để đốn tim thiên hạ đã đành, còn người đàn ông này đã khoảng trên sáu mươi cũng giả giọng khàn là sao? Nó thành thật: “Dạ! Hồi còn đi học cháu được bạn bè trêu là có giọng ca thất tình đấy ạ!”. Người đàn ông bật cười sảng khoái: “Hay đấy cô bé! Không ngờ chú và cháu cùng được người đời tặng cho cái biệt danh giống nhau! Ha ha! Thế cháu hát tặng chú một bản có được không?”. Nó hứng khởi: “Chú đệm cho cháu bài “Niên học sau cùng” của Hàn Sinh”.
Nó không ngờ quãng đời của mình có một khúc quẹo bất đắc dĩ không biết nên mừng hay lo. Sau khi được người đàn ông hát dạo bán vé số nhận làm đệ tử và truyền dạy đàn nhạc, nó và ông trở thành cặp song ca gây bão mạng. Trên Facebook, YouTube, Bigo Live… đăng tải hàng loạt clip về “cặp song ca thất tình” có ngón đàn, giọng ca mùi mẫn níu chân khách qua đường. Tiền bán vé số cũng tăng theo cấp số nhân. “Fan cuồng” xin được chụp ảnh, được hát cùng nó, xin được livestream “cặp song ca thất tình”. Facebook của nó luôn có hàng ngàn like với những lời ca tụng tận mây xanh. Nó hiểu mạng là ảo nhưng nguồn thu nhập hằng ngày là thật. Người đàn ông hát rong thì xem nó như thần tài. Bản thân nó cũng không rõ vì sao có gia đình vợ con đuề huề, cuộc sống êm đềm, viên mãn dưới quê mà ông lại chọn nghề đàn hát bán vé số dạo trên thành phố ồn ào khói bụi, vì sao ngón đàn giọng ca của ông lại não nề, thương vay khóc mướn như kẻ thất tình tội nghiệp vậy.
***
Mẹ thấy nó đẹp ra, tiền bạc rủng rỉnh thì lấy làm mừng, nhưng vẫn không quên dặn dò: “Các cụ bảo khôn ba năm dại một giờ. Con gái say mê đàn ca sáo nhị thường mềm lòng, dễ bị trai dụ. Mẹ lo cho con đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên”. Nó cười khành khạch: “Thế con gái của mẹ có bị con trai dụ chưa? Con không dụ cho chúng nó thất tình sống dở chết dở thì thôi, chứ ai dụ nổi con?”.
Ngày đầu về nhà sau bao năm xa quê, nó bị tra tấn nhức óc bởi âm thanh từ các phòng karaoke và loa kẹo kéo khắp đầu làng cuối xóm. Nó thấy bất lực nhưng không dám trách ai. Nó cũng nhờ tiếng hát, tiếng đàn ồn ã phố phường mà ăn nên làm ra cơ mà. Kể ra người đàn ông “kết nghĩa đàn hát” với nó nhận xét chủ quan nhưng cũng đáng suy nghĩ: “Một đất nước mà người người, nhà nhà yêu ca hát thì đó là sự lạc quan, hạnh phúc đáng mừng!”.
Một hôm, đang chạy xe qua đầu xóm nơi ông thợ sửa đồng hồ ngày xưa ngồi, chợt nó sững người, phanh gấp gáp. Chao ôi! Hiện thân thời trai trẻ của ông thợ sửa đồng hồ! Cũng chiếc dù màu rêu, cái tủ bốn phía lồng kính trong suốt, cây đàn guitar đặt bên cạnh…, nhưng trên ghế ngồi là một thanh niên giống hệt ông thợ sửa đồng hồ năm nào. Giống từ mái tóc, gương mặt, dáng ngồi và cả giọng nói. “Em đưa con về trước đi! Anh sửa xong cái đồng hồ này để khách đến lấy đúng hẹn!”. Có tiếng “Dạ!” ngọt lịm, liền đó là sự xuất hiện của một phụ nữ trẻ đẹp bồng con trên tay.
Nó chết lặng và chợt nhớ đến ước mơ về người bạn trai giống y chang ông thợ sửa đồng hồ thời trai trẻ.