Quận Hoàn Kiếm kiên quyết xử lý, công khai cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

02/06/2023 07:06

(HNM) - Thời gian qua, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại quận Hoàn Kiếm đã được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn quận chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Vậy, giải pháp nào giúp quận nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra bếp ăn tại một trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Xuân Lộc

- Xin bà cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng của quận đã tập trung vào những nội dung gì để tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn?

- Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của thành phố Hà Nội. Nơi đây cũng thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước. Chính vì vậy, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được Đảng ủy, HĐND, UBND quận đặc biệt quan tâm. Theo điều tra cơ bản, trên địa bàn quận hiện có 2.702 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Từ đầu năm đến nay, quận đã triển khai nhiều hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn như: Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; hậu kiểm về an toàn thực phẩm; duy trì các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; tăng cường phòng, chống ngộ độc do Clostridium Botulinum…

Ngoài ra, UBND quận luôn duy trì hệ thống cảnh báo nhanh theo 2 cấp: Cấp quận và cấp phường. Qua đó, kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm để có biện pháp xử lý đúng quy định. Từ đầu năm 2023 cho đến nay không có vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn quận.

- Vậy, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả, thưa bà?

- Trong quý I-2023, toàn quận đã tổ chức kiểm tra 877 cơ sở, xử phạt 63 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 291 triệu đồng. Ngoài ra, thu giữ, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng thực phẩm trị giá hơn 200 triệu đồng. Để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, quận công khai danh sách các cơ sở vi phạm tại trạm tin và trang thông tin điện tử của các phường để người dân được biết.

Riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, quận Hoàn Kiếm tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kịp thời xử lý các thông tin phản ánh mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, UBND 18 phường cũng tổ chức rà soát, thống kê số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo 3 lĩnh vực: Y tế, công thương, nông nghiệp. Qua đó, đôn đốc các cơ sở chưa có đăng ký kinh doanh hoặc chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm làm thủ tục; đồng thời yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, không có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định.

- Theo bà, trong quá trình triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quận phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại gì?

- Công tác an toàn thực phẩm tại quận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo Quận ủy, UBND quận, các ban, ngành, đoàn thể. Cùng với đó, UBND các phường cũng phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả công tác an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn đã có ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, qua công tác triển khai, quận cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.

- Theo bà, để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hướng đến bảo đảm an toàn thực phẩm thì chúng ta cần tập trung vào những hoạt động cụ thể nào?

- Để thay đổi, giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là một việc rất khó, đòi hỏi lâu dài. Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm luôn được quận xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do đó, chúng tôi đã triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cụ thể là tổ chức các buổi truyền thông hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm trong cộng đồng; tổ chức nói chuyện lồng ghép, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe cho chủ cơ sở và nhân viên cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Đồng thời, cấp phát các tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Bên cạnh đó, tuyên truyền các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm qua mạng xã hội như: Zalo, fanpage… Đặc biệt, quận cũng thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở và người chế biến thực phẩm; tập huấn cho thành viên ban giám hiệu nhà trường, cô nuôi, nhân viên bếp ăn tại 14 trường tiểu học trên địa bàn.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quận Hoàn Kiếm kiên quyết xử lý, công khai cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm