Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, năm 2021, trung tâm đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai triển khai mô hình sử dụng thảo dược chăn nuôi gà thả vườn tại 2 xã Đông Yên, Phú Cát, với 11 hộ tham gia, chăn nuôi 10.000 con gà. Mô hình có tổng mức đầu tư 1,139 tỷ đồng, gồm con giống, thức ăn, thuốc phòng dịch… Các hộ được tập huấn và áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật; định kỳ vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng, phòng bệnh bằng vắc xin theo lịch; bổ sung thường xuyên thảo dược cho gà uống…
Nhờ vậy, đàn gà khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, không phải dùng kháng sinh điều trị bệnh, từ đó tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao. Kết quả, sau gần 5 tháng triển khai mô hình, gà đạt trọng lượng từ 2kg đến 2,2kg/con, tổng doanh thu đạt 1,707 tỷ đồng, trừ mọi chi phí, lãi hơn 500 triệu đồng.
Còn theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa (xã Đông Yên) Lê Đình Quý, đầu năm 2022, hợp tác xã có 3 hộ xã viên được tham gia mô hình chăn nuôi gà đen H’Mông thả đồi theo hướng hữu cơ, sinh học. Các hộ đầu tư gà giống và được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% thức ăn, vắc xin phòng dịch, chế phẩm sinh học để trộn với thức ăn và đệm lót.
Ông Lê Đình Thành, ở thôn Việt Yên (xã Đông Yên) chia sẻ, gia đình ông chăn nuôi 2.000 con gà. Sau hơn 4 tháng, gà đạt trọng lượng từ 1,6kg đến 2,2kg/con, bán với giá 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, đàn gà cho thu lợi nhuận 90 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, xã Đông Yên có 15 hộ đầu tư chăn nuôi gà đen H’Mông theo hướng sinh học và nâng tổng đàn lên 15.000 con/lứa.
Tương tự, trên địa bàn xã Cấn Hữu hiện có gần 50 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điển hình là mô hình chăn nuôi thường xuyên 500-700 con lợn nái, lợn thương phẩm và 40.000 con gà đẻ trứng của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm ở thôn Cấn Thượng, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Hay như mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm với 10 thành viên. Các thành viên hợp tác xã thực hiện quy trình khép kín từ chọn con giống, trộn thức ăn, giết mổ, chế biến thành những sản phẩm an toàn như giò, chả, xúc xích, thịt lợn…, cung cấp cho một số siêu thị và chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải cho hay, các trang trại trên địa bàn xã đã liên kết thành hội chăn nuôi, nhóm chăn nuôi an toàn, đăng ký mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Mỗi trang trại cho thu lãi từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Theo Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, tính đến cuối tháng 3-2023, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện là hơn 3,2 triệu con, trong đó đàn trâu, bò gần 5.800 con; đàn lợn 35.000 con; đàn gia cầm, thủy cầm 3,2 triệu con và tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp luôn duy trì từ 63% đến 67%/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện đã quy hoạch 3 khu chăn nuôi tập trung ở 3 xã với tổng diện tích 104,8ha, trong đó xã Cấn Hữu có 55,3ha, xã Cộng Hòa 32,5ha, xã Tân Hòa 17ha. Hiện nay, nhiều xã trên địa bàn huyện có các trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm sinh sản, thương phẩm quy mô lớn, ngoài khu dân cư, nuôi từ 1.000 đến 5.000 con trở lên…
“Thời gian tới, huyện tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, như: Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); cấp Giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn rau VietGAP, chăn nuôi theo quy trình VietGAP; xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Thịt lợn sinh học Quốc Oai” cho sản phẩm thịt lợn sinh học, nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Đông Yên” cho sản phẩm gà đồi Đông Yên... Qua đó, từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin thêm.