Sản xuất ''xanh'' để bảo vệ môi trường

Quang Hùng| 31/01/2021 06:35

(HNMCT) - Trước thực trạng trồng rau theo phương pháp truyền thống đem lại hiệu quả kinh tế không cao, khiến người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, UBND phường Đồng Mai (quận Hà Đông) đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng. Trên diện tích 1,7 héc ta với sự tham gia của 37 hộ gia đình tại các tổ dân phố 15, 16 và 17, mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP đã gặt hái thành quả bước đầu, tạo sự đổi thay về cách ứng xử với môi trường, phương pháp canh tác, hứa hẹn đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân.

Những luống rau được trồng theo quy trình thân thiện với môi trường tại Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng.

Thay đổi thói quen 

Tôi đến khu vực sản xuất rau an toàn của phường Đồng Mai đúng thời điểm rau cải, su hào, súp lơ, su su, cà chua, bắp cải, hành lá... đến ngày thu hoạch. Nhìn những cây hoa màu cho năng suất cao được trồng theo quy trình thân thiện với môi trường mà thầm nghĩ về "ngày đổi đời" không xa của người nông dân nơi đây.

Ông Trần Văn Thạch, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng không giấu nổi niềm vui: “Từ khi tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con đã được tập huấn kỹ thuật chăm sóc phù hợp với đặc tính của từng loại rau, do vậy, rau ít sâu bệnh, việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng được hạn chế, thay vào đó là phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Tuy việc sản xuất rau theo quy trình an toàn vất vả hơn, thời gian sinh trưởng của rau dài hơn và sản phẩm rau trông có vẻ cứng hơn, không đẹp mắt lắm nhưng chi phí sản xuất thấp, ít gây ô nhiễm môi trường... Từ đó, bà con đã đồng thuận và làm theo”.

Cũng theo ông Trần Văn Thạch, Tổ hợp tác được chia làm 5 nhóm sản xuất, mỗi nhóm có một tổ trưởng để kiểm tra chéo các tổ khác trong việc áp dụng quy trình sản xuất. “Gia đình tôi có gần 2 sào đất trồng rau màu, qua quá trình thực hiện mô hình mới này, tôi thấy việc thay đổi phương pháp canh tác giúp cho môi trường sạch hơn, bảo đảm sức khỏe cho người trồng cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”, ông Thạch chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đại, một trong những hộ dân có diện tích trồng rau lớn cho biết, sau khi được cán bộ Phòng Kinh tế và Trạm Bảo vệ thực vật quận Hà Đông hướng dẫn tận tình, người dân đã hiểu về ý nghĩa, giá trị của việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông nhấn mạnh: “Biết môi trường của thành phố đang bị ô nhiễm một phần là do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, nên chúng tôi mong muốn góp sức cùng chính quyền thành phố hướng đến một môi trường sống an toàn”.

Nỗ lực tìm "đầu ra" cho sản phẩm

Theo ông Trần Văn Thạch, hiện nay, mô hình sản xuất rau an toàn của phường mới giải quyết tốt khâu sản xuất, còn khâu tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. “Hiện có một đơn vị tiêu thụ sản phẩm rau cho chúng tôi nhưng là với thương hiệu của họ, bởi chúng tôi chưa đủ điều kiện để đưa rau vào tiêu thụ trong siêu thị. Một số người dân tự đem rau ra chợ đầu mối, chợ cóc trong nội thành bán và thường chịu thiệt thòi do không thể cạnh tranh về giá so với những loại rau không rõ nguồn gốc”, ông Thạch trăn trở.

Để hỗ trợ Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng trong khâu buôn bán và vận chuyển sản phẩm, UBND phường Đồng Mai đã giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ phường phụ trách bán hàng, giao cho Đoàn Thanh niên phường phụ trách giao hàng. Theo bà Đoàn Phương Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Mai, do các hội viên đều là người nội trợ của gia đình nên việc vận động chị em mua sản phẩm rau an toàn có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, Hội đã lập trang facebook để quảng bá sản phẩm.

Là người rất tâm huyết với mô hình trồng rau an toàn, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Mai cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực để hình thành quy trình khép kín về sản xuất - bán hàng - giao hàng đến người tiêu dùng". Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của phường còn rất nhiều, nên trong thời gian tới phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn.

“Chúng tôi hy vọng, trong tương lai, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng sẽ là nguồn cung cấp rau an toàn cho khu vực Hà Đông và phấn đấu là nguồn cung cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng rau sạch, rau an toàn trên địa bàn thành phố. Về lâu dài, chúng tôi sẽ vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, lan tỏa rộng hơn nữa một nền sản xuất “xanh”, gây dựng lối sống ngày càng thân thiện với môi trường", ông Hoàn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất ''xanh'' để bảo vệ môi trường