Tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu

Đỗ Minh| 22/07/2022 07:38

(HNM) - Những năm qua, cùng với việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, huyện Thường Tín còn đặc biệt chú trọng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề. Đặc biệt, Thường Tín đã rà soát, chủ động xây dựng kế hoạch đưa các sản phẩm vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó tăng cường liên kết, quảng bá sản phẩm trên thị trường.

Năm 2019, Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) có 2 sản phẩm là hộp sơn mài gắn trai và hộp sơn mài gắn sừng được thành phố xếp hạng OCOP 4 sao. Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy Đỗ Hùng Chiêu cho biết, công ty đang nâng cấp các sản phẩm để nâng hạng sao, đồng thời sản xuất đa dạng sản phẩm sơn mài trên nhiều chất liệu như tre, giấy ép, gốm sứ, vỏ trứng, vỏ trai, sừng trâu, bạc, vàng... Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. "Việc được xếp hạng OCOP giúp công ty mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước", ông Đỗ Hùng Chiêu chia sẻ.

Không chỉ đẩy mạnh cho sản phẩm làng nghề truyền thống, Thường Tín còn tăng cường hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng để đánh giá và xếp hạng OCOP. Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi (xã Hà Hồi) Từ Đức Toàn thông tin, đến nay sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã tiêu thụ mạnh tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng cung cấp nông sản sạch. Sản phẩm đều được chứng nhận đạt 3-4 sao OCOP.

"Được xếp hạng OCOP, sản phẩm rau thêm cơ hội tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm và đa dạng kênh tiêu thụ. Nhờ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển sản xuất trong khi người nông dân trồng rau lại rất phấn khởi", ông Từ Đức Toàn cho hay.

Thực tế, những năm qua, các sản phẩm OCOP của Thường Tín đã mở rộng được thị trường tại thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm đều được Hội đồng thẩm định của thành phố xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, chỉ khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn cũng như kiểm nghiệm chặt chẽ về chất lượng mới được cấp sao. Đây chính là chìa khóa giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP khai thác thị trường trong và ngoài nước.

Trao đổi với Báo Hànộimới về Chương trình OCOP của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, đến nay, toàn huyện có 103 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 đến 4 sao, nhiều sản phẩm đang tập trung nâng cao chất lượng, nâng hạng sao. Thường Tín phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 150 sản phẩm được xếp hạng sao OCOP. Năm nay, huyện dự kiến rà soát khoảng 30 sản phẩm để đánh giá, chọn lọc đưa vào chương trình. Sản phẩm được xếp hạng OCOP như có "giấy thông hành" vào thị trường.

Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện, Thường Tín tập trung xây dựng, khai trương 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ Vồi (xã Hà Hồi) và xã Duyên Thái; đồng thời, huyện tiếp tục rà soát các điểm tại làng nghề truyền thống và vùng chuyên canh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu