Thực hiện tang văn minh ở nông thôn, ngoại thành Hà Nội: Ðã có sự chuyển biến về nhận thức

Mai Thanh Dung| 17/12/2022 07:23

(HNNN) - Không làm cỗ mời khách; không “lăn đường”, “bắc cầu” đưa thi hài người chết qua đầu con cháu; không khóc mướn, rắc vàng mã khi đưa tang... Rất nhiều đám tang ở ngoại thành Hà Nội hiện nay được tổ chức trang nghiêm - tiết kiệm - nghĩa tình, số gia đình chọn hình thức hỏa táng ngày một nhiều hơn... Điều đó cho thấy sự chuyển biến về nhận thức trong thực hiện việc tang ở nông thôn.

Đài hóa thân Công viên Vĩnh hằng.

Khi tư tưởng đã thông

Ở xã miền núi Yên Bình (huyện Thạch Thất), bà con dân tộc Mường có phong tục riêng trong tổ chức tang lễ. Hòa cùng đà tiến bộ chung, người Mường cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực trong tổ chức việc tang.

Bà Bùi Thị Huyền, Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Yên Bình, chia sẻ: Theo phong tục trước đây, các gia đình có người thân qua đời đều làm cỗ linh đình; trong lễ tang vẫn còn cảnh “lăn đường”, khóc mướn, rắc vàng mã. Đặc biệt, nhắc đến hai từ “hỏa táng” trước mặt người cao tuổi được coi là phạm điều cấm kỵ... Những điều đó đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Do đó, từ năm 2016, thực hiện Đề án số 13/ĐA-UBND của UBND huyện về thực hiện việc tang văn minh, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hội, đoàn thể để người dân nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống mới trong việc tang.

“Nhờ tuyên truyền tốt, việc tang lễ trên địa bàn xã đã có sự chuyển biến rõ rệt, hủ tục dần bị loại bỏ. Tang lễ trang nghiêm nhưng không tổ chức dài ngày, không để thi hài người quá cố trong nhà quá 36 giờ, không mở loa đài to và quá thời gian quy định” - bà Bùi Thị Huyền khẳng định.

Không riêng với đồng bào dân tộc Mường, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho biết, việc tổ chức tang lễ trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khi có người qua đời, các thôn đều thành lập Ban tang lễ; khu dân cư, MTTQ tích cực vận động người dân chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, việc thực hiện tang văn minh tiến bộ, nhất là hình thức hỏa táng trên địa bàn huyện đang lan tỏa nhanh. Một số xã có tỷ lệ hỏa táng cao như Yên Bình (100%), Canh Nậu (94%), Yên Trung (88%), Đại Đồng (86%)...

Tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn), việc tang cũng cho thấy sự đổi mới tích cực. Ông Nguyễn Thế Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: Các gia đình không tổ chức cỗ bàn mời khách như xưa. Hiện nay, trên địa bàn xã, tỷ lệ hỏa táng đã đạt gần 100%. “Khi bố tôi mất, theo nguyện vọng của bố, gia đình tôi thực hiện hỏa táng rồi mới đưa tro cốt về nhà làm tang lễ. Làm vậy, vẫn đầy đủ nghi thức đối với người đã mất nhưng không ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường”.

Theo đánh giá của ông Trần Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Mê Linh, trước đây trên địa bàn các xã Mê Linh, Văn Khê, Tráng Việt... có rất nhiều hủ tục trong tổ chức tang lễ nhưng đến nay đều đổi mới. Tại xã Mê Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Minh cho biết, chỉ cách đây chừng mươi năm, trên địa bàn không gia đình nào đưa thi hài người quá cố đi hỏa táng. Đến khoảng năm 2015, tỷ lệ hỏa táng đã tăng lên 28% và đến nay, tỷ lệ hỏa táng đã đạt 80%. Bên cạnh đó, các hủ tục “bắc cầu”, đội mũ rơm, khóc mướn, cỗ bàn cũng đã bỏ được hoàn toàn. Nhiều gia đình có người thân qua đời đã chọn phương án đưa đi hỏa táng trước, sau đó đưa tro cốt về nhà để tổ chức tang lễ. Làm như vậy, vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường, con cháu trong gia đình cũng giảm được mệt nhọc khi không phải thức đêm trông thi hài.

Hiện xu hướng chọn hình thức hỏa táng trước, sau đó mới đưa tro cốt về phát tang cũng được người dân một số huyện như Ba Vì, Thạch Thất, Mê Linh... thực hiện. Điều này vừa đảm bảo văn minh, sạch sẽ, vừa tạo sự chủ động cho người dân. Hiện có nhiều xã tỷ lệ đưa đi hỏa táng sau đó mới tổ chức tang lễ chiếm tới 50%. Đây là một nét mới, đang được các địa phương nhân rộng.

Tuyên truyền đi kèm với chính sách hỗ trợ

Tỷ lệ hỏa táng ở Hà Nội tăng mạnh qua các năm: Năm 2010 đạt 18,5%, năm 2011 đạt 27,5%, năm 2018 là 60%, năm 2022 đạt khoảng 70% - thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Kết quả đó có được nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay đã được nhân rộng. Ông Nguyễn Bá Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) chia sẻ: Chục năm trước, việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang gặp vô vàn khó khăn. Có đám tang, cán bộ địa phương phải túc trực, vận động không chỉ con cái, vợ hoặc chồng của người quá cố, mà còn phải nắm tình hình xem trong gia đình người quá cố ai là người có tiếng nói quyết định, ai là người “cổ hủ”, hay “bàn ngang” để vận động. Vất vả đấy nhưng xã xác định rằng, nếu vượt được ngưỡng khó ban đầu, khi người dân đã “thông tư tưởng” thì công việc dễ dàng hơn. Đến nay, việc hỏa táng của địa phương đã đạt tỷ lệ 90%.

Để có được những thành công bước đầu, ngoài tuyên truyền vận động người dân, các địa phương đã có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các gia đình chọn hình thức hỏa táng. Ông Nguyễn Giáp Dần, Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) cho biết, Thành phố và huyện có chính sách hỗ trợ mỗi ca hỏa táng 7 triệu đồng, xã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng, góp phần giảm chi phí cho các gia đình có tang ma, khuyến khích người dân lựa chọn hỏa táng. “Từ đầu năm 2020 đến nay, tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn xã đã đạt 100%, đưa Yên Bình trở thành điểm sáng trong việc tang văn minh của huyện cũng như thành phố” - ông Dần nói.

Hiện tại, số ca thực hiện hỏa táng ở huyện Đông Anh cũng đạt tỷ lệ trên 90%, trong đó, thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà) đạt 100%. Theo Bí thư Chi bộ thôn Hà Lỗ Trịnh Thị Yến, để có được kết quả đó, thôn đã thành lập Ban tuyên truyền vận động gồm đầy đủ các thành phần trong ban lãnh đạo quân - dân - chính kết hợp với các đoàn thể tổ chức các đoàn vận động đến từng gia đình.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh cho biết, thời gian qua, nhiều xã trên địa bàn huyện đã có cách làm thiết thực trong tổ chức tang lễ văn minh. Điển hình như tổ dân phố số 10 ở thị trấn Đông Anh đã duy trì việc sử dụng nhạc tang và vòng hoa luân chuyển tại 100% đám tang trong tổ; xã Cổ Loa gửi thư chia buồn đến tất cả các gia đình chọn cách hỏa táng cho người thân qua đời; xã Tiên Dương khuyến khích hội viên Hội Người cao tuổi của xã viết di thư thực hiện hỏa táng...

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh: Việc tang gắn với phong tục tập quán và quy định của luật pháp. Nhằm bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa. Đó vừa là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần điều chỉnh hành vi, lối sống của mỗi thành viên trong cộng đồng, góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Cũng theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, với tinh thần Trang nghiêm - Tiết kiệm - Nghĩa tình, các thôn, làng, tổ dân phố đã thành lập Ban tổ chức tang lễ, thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với tinh thần quy ước, hương ước của địa phương nhằm thể hiện mối quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình... được khắc phục. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc việc tổ chức tang lễ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tang văn minh ở nông thôn, ngoại thành Hà Nội: Ðã có sự chuyển biến về nhận thức