Hà Nội đêm

“Trục sáng tạo” hồ Tây

Dã Liên 05/10/2023 - 06:10

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã có nhiều khởi sắc sau giai đoạn khởi đầu có ít nhiều vướng mắc. Tại đây thường xuyên có những đêm văn nghệ thu hút hàng nghìn khán giả.

Đây là nền tảng để quận Tây Hồ (Hà Nội) phát triển thêm những không gian văn hóa - sáng tạo mới dựa trên lợi thế từ những làng nghề, làng hoa hay di tích độc đáo. “Trục” văn hóa - sáng tạo hồ Tây sẽ là động lực phát triển công nghiệp văn hóa quận Tây Hồ.

638319386036078228-tay-h-.jpg
Chương trình nghệ thuật tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

“Tái sinh” phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Kể từ khi ra đời vào năm 2018 đến nay, chưa bao giờ hoạt động của phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân) lại được người dân trên địa bàn cũng như khách tham quan nóng lòng chờ đến ngày mở cửa đến thế.

Bởi từ giữa năm 2023, sau một thời gian tạm dừng hoạt động để tu sửa, cải tạo, Không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn) đã trở lại hoạt động với một “giao diện” mới mẻ, điểm nhấn quan trọng nhất là các hoạt động biểu diễn văn nghệ.

Các đêm diễn sẽ do nhân dân các phường hay các đoàn thể xã hội thay nhau phụ trách. Điều đó khiến phố đi bộ Trịnh Công Sơn thực sự trở thành nơi người dân có cơ hội biểu diễn, được hưởng thụ thành quả của chính mình.

Với không gian đáng sống, cảnh quan đẹp, Tây Hồ được rất nhiều văn nghệ sĩ lựa chọn là nơi an cư. Bởi thế, rất nhiều tiết mục do “công dân phường” thể hiện lại chính là tiết mục của các ca sĩ chuyên nghiệp. Đó là chưa kể một số tiết mục của khách mời là ca sĩ, vũ đoàn có tiếng.

Chương trình nghệ thuật “Xuân La - Sức sống và niềm tin” do UBND phường Xuân La phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ thực hiện là một thí dụ.

Chương trình có sự tham gia của gần 100 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, được thực hiện dưới sự đạo diễn của Đại tá, NSƯT Dương Thị Kim Ngân. Xen giữa những tiết mục của tổ dân phố, các đoàn thể, khán giả được thưởng thức những màn diễn đỉnh cao của ca sĩ Quách Mai Thy (Quán quân Sao Mai 2019), Thu An (Á quân Sao Mai 2022), Dương Đức (giải Nhì cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội)...

Hay như chương trình của người dân phường Nhật Tân với chủ đề “Lung linh sắc hoa”, bên cạnh những tiết mục như “Hãy đến với những con người Việt Nam tôi”, “Đất nước trọn niềm vui”... do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh phường thực hiện còn có tiết mục của các ca sĩ chuyên nghiệp như Bảo Trâm, Phương Thủy, Vũ Thắng Lợi và màn trình diễn bộ sưu tập áo dài “Sắc hoa” của nhà thiết kế Lan Hương... Phần kết của chương trình còn có màn biểu diễn sôi động của vũ đoàn Carmen, ca sĩ Nee, ca sĩ Hiếu Bae...

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết: “Quận Tây Hồ đã có những đổi mới, sáng tạo, tập trung xây dựng một không gian văn hóa, không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của cộng đồng mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ. Thông qua sân chơi này, chúng tôi mong muốn phát hiện những tài năng văn nghệ cơ sở để bồi dưỡng, hướng tới xây dựng phố đi bộ thành không gian mà người dân sẽ được thực hành và hưởng thụ những giá trị văn hóa do chính cộng đồng đem lại”.

Ngoài sân khấu chính là nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật đặc sắc, sau khi cải tạo, mở rộng, nâng cấp, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Tại khu vực Cầu nghệ thuật, du khách có thể nghe các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những giai điệu dân tộc gắn liền với văn hóa người Việt; tại khu ngã ba Hồ Sen, du khách được hòa mình vào không gian Kpop, các ca khúc nhạc trẻ, những bước nhảy sôi động của thanh, thiếu niên. Du khách cũng có thể trở về năm tháng tuổi thơ êm đềm qua những trò chơi dân gian như nhảy dây, kéo co, ô ăn quan... trong “Sân chơi cuối tuần” - hoạt động do Đoàn Thanh niên các phường thực hiện.

Cùng với các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, dọc tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn quy tụ hơn 25 gian hàng ẩm thực - văn hóa - thủ công mỹ nghệ từ các vùng miền với nhiều món ngon như bánh tôm Hồ Tây, chè sen, bún ốc, bánh đa kê, chè đậu xanh, xôi nếp cẩm hay xôi Phú Thượng...

Bạn Đinh Việt Hà, sinh viên Trường Đại học Tài chính Hà Nội chia sẻ: “Đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn được thưởng thức nghệ thuật miễn phí, được nghe nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn giờ đã trở thành “trend” của nhiều bạn trẻ”.

638319386032489883-tay-ho-1.jpg

Phát triển “trục sáng tạo” hồ Tây

Hồ Tây là “lẵng hoa” mà tạo hóa ban tặng cho Thủ đô. Thành phố Hà Nội cũng như quận Tây Hồ đã dành nhiều nguồn lực để cải tạo cảnh quan, môi trường, trồng cây xanh..., khiến hồ Tây trở thành một trong những điểm đến được khách du lịch ưa chuộng. Nhưng hồ Tây sẽ không có sức hút lớn đến thế nếu thiếu đi những giá trị văn hóa, lịch sử trải dài suốt nghìn năm. Đó là huyền tích về Lạc Long Quân diệt cáo chín đuôi; là đàn thề Đồng Cổ, nơi bách quan tề tựu với lời thề Trung hiếu; là giai thoại về Mẫu Liễu Hạnh giáng thế trong cuộc tao ngộ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, để rồi hình thành nên phủ Tây Hồ lung linh huyền thoại...

Quanh hồ Tây xưa còn có nhịp chày Yên Thái, nơi làm ra những tờ giấy dó để viết sách, đề thơ; có làng đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng... Gần đây, Tây Hồ còn thu hút khách du lịch với vườn hoa bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa hồ Tây...

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận Tây Hồ đang tập trung xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà còn để “đánh thức” nguồn lực và lợi thế của hồ Tây. Các không gian khi được hình thành sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, đặc biệt là những giá trị văn hóa lịch sử, phù hợp điều kiện thực tiễn và xu hướng phát triển hiện nay, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, du khách. Quận sẽ tổ chức gắn kết các địa danh, di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch xung quanh hồ Tây như bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa, không gian văn hóa - phố đi bộ Trịnh Công Sơn để hình thành những tuyến du lịch hoàn chỉnh, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch đêm...

Xác định phát triển không gian văn hóa - sáng tạo dựa trên “trục” lịch sử, văn hóa, cảnh quan của hồ Tây, thời gian tới, quận Tây Hồ tiếp tục đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (phủ Tây Hồ), không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...

Trong số này, việc tái hiện quy trình làm giấy dó đang được quận Tây Hồ tích cực triển khai. Dù nghề làm giấy dó Kẻ Bưởi không còn nhưng khi đến đây, khách du lịch vẫn có thể hình dung về nét đẹp nghề thủ công này khi xưa, có thể tự mình trải nghiệm một số công đoạn làm giấy dó.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Thực hiện Nghị quyết của Thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, chúng tôi phải tính làm sao để có sản phẩm công nghiệp văn hóa mang bản sắc, giá trị của khu vực hồ Tây, của quận Tây Hồ. Ví dụ như chúng tôi có Làng nghề truyền thống trồng đào Nhật Tân. Để phát triển nơi này thành điểm đến thì sẽ phải phát triển hạ tầng điện, đường, nước...; các nhà vườn phải có cảnh quan xứng tầm để khách đến thưởng ngoạn. Khách đến sẽ được giới thiệu các loại đào, quy trình trồng, chăm sóc đào. Khi đó tiềm năng, lợi thế mới trở thành sản phẩm. Với quận Tây Hồ, chúng tôi cũng xác định rõ, khai thác, nhưng phải bảo vệ được hồ Tây; không đánh đổi cảnh quan, môi trường lấy lợi ích phát triển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trục sáng tạo” hồ Tây