Những chiếc giếng cổ nơi đô thị
Trong nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại, những chiếc giếng cổ xưa vẫn được người dân phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) gìn giữ từng ngày, từng giờ.
Sự hiện diện của những giếng cổ giữa lòng thành phố không chỉ là một nét chấm phá độc đáo trong bức tranh đô thị hiện đại, mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa truyền thống.
Những chiếc giếng cổ tồn tại đến bây giờ mang trong mình ký ức về ngày xưa, khi người dân tập trung xung quanh giếng để lấy nước, tán gẫu và chia sẻ những câu chuyện đời thường. Chúng như những “nhân chứng” lặng lẽ, chứng kiến sự thay đổi của thời gian và không gian, từ những ngôi làng yên bình trở thành những con phố sầm uất, náo nhiệt và bận rộn. Mỗi chiếc giếng đều có câu chuyện riêng, về lịch sử hình thành, về những con người đã từng gắn bó và về những giá trị văn hóa mà nó đại diện.
Tại phường Bưởi, nơi nổi tiếng với những cổng làng cổ dọc phố Thụy Khuê, những chiếc giếng cổ cũng là điểm nhấn quan trọng của vùng đất này. Hầu hết các làng vẫn còn giếng cổ, nơi không chỉ là điểm cung cấp nước, mà còn là nơi lưu giữ những ký ức về một thời đã qua.
Trên địa bàn phường hiện còn 4 giếng cổ tại các làng Đông Xã (hiện nằm trong khu vực xây dựng chùa Mật Dụng), Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài và được người dân gìn giữ theo nhiều cách khác nhau. Sự tồn tại của chúng là minh chứng cho sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một không gian sống động và phong phú, nơi mà quá khứ và hiện tại cùng tồn tại, tỏa sáng…