Từ “cái nôi” cách mạng...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mầu Bùi Đắc Tòng, trước năm 1945, Trung Mầu đã được coi là "cái nôi" cách mạng và phong trào yêu nước. Từ năm 1936 đến 1944, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Lê Quang Đạo... về hoạt động cách mạng tại xã và được nhân dân tận tình chở che, đùm bọc… Trong giai đoạn đó, nhiều hộ ở thôn 4 như gia đình cụ Nguyễn Xuân Ca, cụ Nguyễn Văn Khai... là nơi in ấn tài liệu tuyên truyền của Đảng và in báo Cứu quốc…
Là quê hương cách mạng, phong trào đấu tranh giành chính quyền ở Trung Mầu sục sôi từ rất sớm. Đỉnh cao của cuộc đấu tranh quyết liệt đó là rạng sáng 10-3-1945, tận dụng thời cơ cuộc đảo chính Nhật - Pháp, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng địa phương và tổ chức Đảng cấp trên, toàn dân Trung Mầu nhất tề đứng lên giành chính quyền. Cuộc nổi dậy đã đưa Trung Mầu trở thành địa phương giành được chính quyền sớm nhất ở Hà
Nội. Mờ sáng 11-3-1945, chính quyền của nhân dân xã Trung Mầu tuyên bố xóa bỏ bộ máy tề ngụy, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng. Thành công này làm chấn động và thúc giục khí thế cách mạng của quần chúng ở những địa phương khác, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước (19-8-1945) và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).
Với dấu son đó, năm 2000 xã Trung Mầu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ chống Pháp; tặng Bằng công nhận “Làng có công với nước”, 18 gia đình ở Trung Mầu được tặng danh hiệu "Gia đình có công với nước". Bà Hồ Thị Mậu (cán bộ Thường trực Đảng ủy xã Trung Mầu) tự hào nói: "Ngày 10-3-1945 - ngày Trung Mầu vùng lên cướp chính quyền đã trở thành chứng tích lịch sử đầy tự hào của các thế hệ nhân dân trong xã.
Hằng năm, cứ đến ngày 10-3, xã Trung Mầu lại tổ chức ngày hội của địa phương…".
... đến xây dựng xã nông thôn mới
Đã nhiều thập kỷ trôi qua nhưng niềm tự hào về một thời cách mạng hào hùng của quê hương vẫn vẹn nguyên trong ký ức nhiều thế hệ người dân Trung Mầu. Chùa Đô, nơi các đồng chí ở Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ về làm việc khi xưa, nay đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Gia đình cụ Nguyễn Xuân Ca - nơi đặt cơ sở in tài liệu tuyên truyền của Đảng và Báo Cứu quốc dường như không thay đổi. Bà Đới Thị Hương - con dâu cả của cụ Nguyễn Xuân Ca bày tỏ: “Nếp nhà của gia đình tôi đã qua 70 năm và gia đình vẫn muốn lưu giữ bởi nơi này chứa đựng những kỷ niệm thiêng liêng…”.
Tiếp nối truyền thống hào hùng, Trung Mầu đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cơ sở hạ tầng khang trang, môi trường ngày càng sạch đẹp, đời sống người dân đổi thay nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả. Anh Đới Đăng Hiển ở thôn 2 (xã Trung Mầu) là một trong những hộ điển hình làm kinh tế giỏi của xã chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 6ha cây công trình, như: Vú sữa, thị, chay, mít, xoài... cung cấp cho các khu đô thị, hộ dân. Mỗi năm, doanh thu từ vườn cây đạt 6-7 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động. Gia đình tôi còn hỗ trợ địa phương trồng “Hàng cây nông dân” với 70 cây sao đen, góp phần làm đẹp đường làng”.
Không riêng gia đình anh Hiển, ở xã Trung Mầu, gia đình anh Tạ Đình Phương ở thôn 1 cũng làm kinh tế giỏi nhờ chăn nuôi bò sữa. Anh Phương cho biết: "Trước kia gia đình tôi chăn nuôi trong khu dân cư nhưng chật chội, ô nhiễm môi trường, nay đã chuyển sang bãi, vừa có mặt bằng rộng, gần vùng thức ăn nên đàn bò 20 con khỏe mạnh, nhiều sữa. Gia đình tôi cũng liên kết với các doanh nghiệp thu mua sữa nên "đầu ra" khá ổn định".
Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mầu Nguyễn Xuân Trường khẳng định: Vùng đất bãi của xã rộng 80ha cách đây ít năm vẫn chỉ trồng ngô, khoai, đậu... nay chuyển sang trồng cây ăn quả, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Với vùng đồng, bà con bắt đầu chuyển từ cây lúa sang hoa, quy mô khoảng 10ha. Ngoài ra, bà con còn phát triển đàn bò sữa, nuôi lợn theo hướng tập trung, quy mô lớn; nhiều lao động địa phương tham gia làm việc tại nhà máy, xí nghiệp trong vùng nên thu nhập bình quân trên địa bàn khá ổn định, đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,16%. Hiện, Trung Mầu đang xây dựng nông thôn mới nâng cao với mục tiêu dân giàu, xã mạnh, xứng danh miền quê Anh hùng.