Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết: “Trước tiên, huyện tập trung rà soát để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, có giải pháp cụ thể bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân để khi phát triển lên quận dân phải giàu, kinh tế phải mạnh”.
Thông qua dự thảo Đề án thành lập quận để thống nhất ý chí, hành động
Được sự quan tâm tập trung đầu tư của thành phố Hà Nội, cùng với tập trung tối đa các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí cuối cùng thành lập quận. Theo đánh giá của huyện đã đạt 31/31 tiêu chí, hiện các sở, ngành đã đánh giá, đang hoàn thiện các thủ tục báo cáo UBND thành phố quyết định và thực hiện các quy trình báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để huyện Gia Lâm chính thức trở thành quận.
Để các xã đạt tiêu chí phát triển lên phường, huyện đã xây dựng Dự thảo phương án điều chỉnh địa giới hành chính; rà soát, tính toán lại các tiêu chí theo phương án điều chỉnh (16 đơn vị hành chính). Cụ thể: Đối với 3/3 tiêu chí bắt buộc thuộc nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, các phường dự kiến thành lập đã đạt 2/3 tiêu chí. Còn 1 tiêu chí cân đối thu chi ngân sách chưa đạt, huyện đang đề nghị xin ý kiến của Bộ Tài chính. Đối với nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cần đạt tối thiểu 10/13 tiêu chí, tất cả 16 phường dự kiến thành lập đã đáp ứng (2 phường đạt 13/13 tiêu chí, 9 phường đạt 12/13 tiêu chí, 5 phường đạt 11/13 tiêu chí)…
Để thống nhất ý chí của tập thể, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng tổ chức hội nghị thông qua Dự thảo báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập quận, phường. Với tinh thần trách nhiệm cao, có 11 đại biểu nêu ý kiến tham luận liên quan đến quy hoạch đô thị. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố các tiêu chí đã đánh giá đạt, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, cân đối thu - chi ngân sách. Việc đặt tên phường, sử dụng trụ sở làm việc, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ khi phải thực hiện hợp nhất 2 đơn vị xã để đáp ứng tiêu chí quận cũng được các đại biểu quan tâm.
Nêu cao tinh thần tự chủ để đô thị hóa phát triển bền vững, lâu dài
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy họp bàn đổi mới tư duy, nhận thức, nêu cao tinh thần tự chủ, ý thức trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Từ xác định rõ, đô thị hóa phải bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài huyện tập trung chỉ đạo rà soát lại các kiến nghị, đề xuất, xem xét lại từng vấn đề để chủ động giải quyết; quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở.
Nhận thức rõ chủ đề hoạt động của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, lãnh đạo Huyện ủy chủ động định hướng công việc cho chính quyền. Sau khi giao việc, Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ công việc đã giao cho đến khi có kết quả. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn xác định rõ trách nhiệm khi phát triển lên quận phải duy trì sự phát triển bền vững, lâu dài và theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng phát triển hệ thống logistics, cảng cạn, chợ, siêu thị, công viên chuyên đề cây cảnh; khơi dậy nguồn lực văn hóa, bảo tồn, phát huy các di tích, lễ hội.
Với quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Huyện ủy để phát huy cao độ trí tuệ của tập thể, thống nhất giữa ý chí và hành động, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân, Đề án thành lập quận được triển khai hiệu quả. Truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng và truyền thống Anh hùng của Gia Lâm sẽ mãi sáng tỏa cùng quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển lên quận và tiếp tục phát triển bền vững, lâu dài và là quận văn hiến, văn minh, hiện đại ở cửa ngõ phía đông của Thủ đô Hà Nội.