Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt: Điểm nhấn mới của làng gốm Bát Tràng

Bài và ảnh: Linh Tâm| 18/06/2021 06:00

(HNMCT) - Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) dù đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng đã trở thành điểm đến thú vị của nhiều du khách bởi lối kiến trúc độc đáo cùng những giá trị văn hóa đặc sắc. Còn người Bát Tràng thì ấp ủ dự định đưa nơi đây trở thành điểm đến thú vị của du lịch làng nghề Việt Nam trong tương lai.

Du khách tham quan gian trưng bày sản phẩm gốm Bát Tràng tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt.

Kiến trúc độc đáo 

Từ trục đường chính vào làng Bát Tràng chạy song song theo kênh Bắc Hưng Hải, du khách có thể dễ dàng tìm thấy Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt nằm bên tay phải. Hướng ra sông Hồng - con sông gắn bó với tâm thức, cuộc sống của người dân Bát Tràng từ hàng nghìn đời nay, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt như một “nốt thăng” trên bản nhạc bởi lối kiến trúc phá cách đầy ấn tượng. Nằm trong khuôn viên rộng 3.300m2, công trình gồm 7 khối kiến trúc được xây kiểu xoáy trôn ốc với những đường cong mềm mại như những bình gốm được hình thành dưới bàn tay vuốt nặn tài tình của người thợ trên bàn xoay thủ công. Thấp thoáng đâu đó còn là hình ảnh của những lò bầu cổ vốn gắn bó với nghề gốm Bát Tràng qua nhiều thế kỷ. Kiến trúc công trình với những đường nét lặp đi lặp lại một cách tinh tế và có chủ ý, như nhắc tới sự gắn bó và dòng chảy bất tận của thời gian - sông Hồng - gốm Bát Tràng hàng nghìn năm qua. Những lớp lang văn hóa trong lịch sử làng nghề gốm Bát Tràng đã được kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thể hiện tài tình như thế.

Theo bà Phạm Thùy Dương, Giám đốc điều hành Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt: Công trình được thiết kế với hai chức năng chính là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng, và nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của Làng gốm Bát Tràng cùng các làng nghề thủ công mỹ nghệ khác của cả nước. Bên cạnh các gian trưng bày, trung tâm còn có các khu chức năng dành cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch như phòng lưu trú, nhà hàng; nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; khu trải nghiệm, kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng thông qua các lớp học chuyên biệt về nghề gốm như vuốt nặn, đổ rót, vẽ...

Bạn Hoàng Thùy Mai, sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh - Du lịch (Trường Đại học Hà Nội) bày tỏ cảm xúc sau khi tham quan Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt: “Qua thông tin trên mạng xã hội, chúng em biết đến công trình độc đáo này và tới đây để tìm hiểu thêm, song song với việc thu thập kiến thức thực tế về Làng gốm Bát Tràng. Em nghĩ, thời gian tới, đây sẽ là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách”.

Kiến trúc độc đáo của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt.

Hướng tới cộng đồng

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được “thai nghén” và xây dựng suốt 5 năm qua, xuất phát từ ý tưởng của nghệ nhân Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm). Bà Vinh chia sẻ: “Với khát khao tôn vinh tổ nghiệp, vinh danh quê hương và quảng bá các giá trị văn hóa của Làng gốm Bát Tràng và các làng nghề khác trên cả nước, Trung tâm sẽ là “cầu nối” đưa những tinh hoa văn hóa của các làng nghề tới du khách trong và ngoài nước; đồng thời, là nơi đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng Bát Tràng giúp họ duy trì và phát triển bền vững nghề gốm”. 

Không dừng ở đó, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt còn hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm hoạt động vì cộng đồng với tiêu chí bền vững. Bà Phạm Thùy Dương cho biết: “Trung tâm sẽ là nơi người dân Bát Tràng tham gia các khóa đào tạo về chuyển đổi phương thức kinh doanh nhằm bắt kịp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Người Bát Tràng từ xưa đến nay giỏi nghề, tâm huyết, năng động, tháo vát, nhưng với mục tiêu hướng tới cộng đồng, trung tâm sẽ giúp họ tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề; gia tăng cơ hội gặp gỡ khách hàng và cập nhật công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh...”.

Bên cạnh đó, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt còn hướng tới kết nối với các điểm tham quan di tích lịch sử, các điểm đến vệ tinh, homestay, nhà hàng, các cơ sở sản xuất gốm trong làng và khu vực lân cận nhằm mang tới cho du khách những tour, tuyến thú vị. Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho biết: “Chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện nhằm hỗ trợ, phối hợp để đưa Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch tổng thể của xã Bát Tràng. Đây sẽ là điểm nhấn góp phần gia tăng trải nghiệm, đồng thời giúp du khách hiểu sâu hơn về Bát Tràng - Làng gốm, làng văn và một ngôi làng di sản độc đáo của Thủ đô Hà Nội”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt: Điểm nhấn mới của làng gốm Bát Tràng