Hà Nội văn

Từ đỉnh Kan Hồ

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên 12/11/2023 - 08:12

Con gà rừng gáy sang tiếng thứ hai thì Dình lờ mờ mở mắt. Cơn phê ma túy đêm qua tí nữa thì đưa Dình đi tìm tổ tiên sớm. Đã hơn một lần chết hụt nên Dình đã chắc chắn rằng Giàng chê Dình, chê cái tâm hồn hôi thối của thằng Dình này nên không thèm gọi Dình về bên mình.

tri-dung-1.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Đi bộ đội về, chỉ được tầm hai năm đầu là Dình chí thú làm ăn. Còn sau đó thì... Dình chả còn nhớ nổi tháng ngày nữa. Thời gian lúc này với Dình không quan trọng bằng cơn đói thuốc vật vã trong người. Cơn nghiện nó làm chân tay Dình bồn chồn bải hoải như không phải chân tay của Dình nữa, nó thoải mái hành hạ thân thể, xui khiến trí óc Dình thỏa mãn cho nó. Có đôi lúc tỉnh táo, ngồi trên nương ngô làm bạn với trời mây, Dình lại nhớ thuở còn trẻ, chân tay còn khỏe mạnh, nhớ da diết những ngày còn ở trong quân ngũ với anh Trường, anh Sơn.

***

Kết thúc đợt huấn luyện tân binh, Dình được đưa lên đồn biên phòng ngay sát biên giới. Công việc chính của Dình là trồng rau, nuôi lợn, gà và nấu ăn. Anh Sơn bảo với Dình rằng thủ trưởng đơn vị ưu ái Dình vì thấy Dình thật thà, hiền lành. Những lời anh nói đã tạo ra một động lực lớn lao cho Dình phấn đấu chu toàn trong công việc.

Dình vốn ít nói, ít tâm sự với ai, ai nói gì Dình cũng chỉ cười, một nụ cười hiền lành. Có lẽ vì thế mà mọi người trong đơn vị đều mến Dình. Trong suốt gần hai năm quân ngũ, Dình không hề thấy buồn hay cô đơn một chút nào, dù đơn vị ở một nơi xa xôi, nhiều khó khăn gian khổ. Chính tại nơi này, Dình đã chứng kiến tình quân dân đằm thắm như người ta vẫn thường nói.

Dình đã nhiều lần theo anh Trường, anh Sơn vào bản để vận động trẻ em đi học. Vì dân cư thưa thớt, trường học lại ở xa, đi lại khó khăn nên trẻ em vùng này rất hay bỏ học. Anh Sơn tình nguyện đứng lớp dạy học xóa mù chữ cho cả người lớn và trẻ em, còn anh Trường là bác sĩ quân y nên tranh thủ thăm khám miễn phí cho bà con. Lần nào xuống địa bàn các anh cũng mang theo một túi bánh kẹo để chia cho bọn trẻ. Tới đầu bản, lũ trẻ đã ào ra chào thầy rối rít khiến cho Dình cũng xúc động như chính mình đang mang tới niềm vui cho chúng vậy. Không chỉ dạy chữ, khám chữa bệnh cho người dân ở cái xã vùng sâu vốn còn nhiều thiếu thốn, đơn vị còn cử cán bộ, chiến sĩ tới tận nhà giúp bà con gặt lúa, lợp mái làm nhà... Người dân nơi đây từ lâu đã coi bộ đội biên phòng như người thân ruột thịt, có hạt thóc mới gặt, con gà ngon đều đem biếu để tỏ lòng yêu mến những người lính mang quân hàm xanh.

Tâm hồn của Dình đã lớn thêm thật nhiều từ khi vào quân ngũ. Những lúc rảnh rỗi Dình đọc sách báo để biết thêm nhiều thông tin, kiến thức mới. Có lúc Dình đã ước mình sẽ làm được điều gì đó lớn lao để cống hiến cho sự phát triển của quê hương.

***

Quê Dình nghèo lắm. Cuộc sống ở cái bản cao nhất huyện ấy gieo neo chẳng kém gì nơi Dình đang đóng quân. Từ khi còn bé Dình đã ước muốn thay đổi cái tiếng xấu về ngôi nhà ba đời nghiện thuốc phiện, từ đời cụ, đời ông đến đời bố Dình đều nghiện cả. Nhà người nghiện trống huếch trống hoác chẳng có gì giá trị. Nhà Dình lúc nào cũng được xếp vào diện nghèo nhất bản. Từ ngày bé Dình đã quen với việc bị đói, mấy mẹ con làm việc quần quật mà vẫn không đủ ăn, bất lực nhìn công sức của mình chui cả vào cái bàn đèn của bố. Dình gắng học hành, cố sức làm việc nhưng cái sự học của Dình cũng chỉ dừng lại ở lớp chín. Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó Dình không than thân trách phận, nhưng ở mãi trong cái nỗi hèn không bỏ được thuốc phiện của bố Dình là điều khiến Dình uất ức nhất. Nhiều lúc Dình muốn bỏ đi đâu đó thật xa, để không phải nhìn thấy bố lên cơn vật thuốc mỗi ngày.

Thủ trưởng đơn vị nói muốn đề cử Dình đi học chuyên sâu, sau này ra quân, về địa phương sẽ làm cán bộ cơ sở. Một tương lai xán lạn đang chờ đón Dình, còn điều gì sung sướng hơn nữa. Dình cứ nghĩ về ước mơ của mình ngày trước đã sắp thực hiện được thì vui tới không ngủ nổi.

Thế nhưng, nếu Dình đi học, vợ Dình ở nhà sẽ càng vất vả hơn. Mỗi lần vợ lên thăm Dình lại thấy vợ gầy hơn, quần áo bạc thếch vì không có tiền để mua mới. Như có cái gì đó cứ ấn vào ngực Dình đau nhói. Dình thấy nghẹn cả cổ họng. Dình đành từ chối lòng tốt của người đứng đầu đơn vị.

Từ ngày xuất ngũ trở về, Dình đã làm việc chăm chỉ bất kể nắng mưa. Dình mong muốn tìm kiếm sự tốt đẹp cho tương lai của những đứa con để chúng sẽ phải khác mình. Ước muốn trong lòng của Dình vững chãi như ngọn núi. Đáng lẽ ước muốn đó đã có một cái kết thật đẹp nếu không phải nhà Dình cứ mỗi hai năm lại tăng thêm một miệng ăn. Đông con lại thêm công cuộc kiếm ăn chỉ trông vào ruộng nương mỗi ngày thêm khó, Dình đâm ra chán nản, sa đà vào rượu chè.

Lúc không tỉnh táo, người ta dễ làm những việc sai lầm. Ba người anh trai của Dình đều nghiện cả, rủ Dình thử ma túy một lần cho biết, cho quên sự đời khốn khó. Dình đã yếu đuối, đã đổ gục trước những lời mời chào của họ. Dình nghiện, mọi sự vất vả đổ sập cả vào người vợ của Dình.

Dình chợt nhớ hồi ở đơn vị, có lần anh Trường đã nói với Dình rằng nếu vợ Dình được trang điểm, ăn mặc đẹp sẽ ăn đứt mấy cô hoa hậu, người mẫu dưới xuôi, bởi ở vợ Dình toát ra một vẻ đẹp rất riêng của người sơn nữ với làn da trắng, sống mũi cao, đôi mắt trong veo như nước suối mùa xuân. Anh còn bảo Dình phải có phúc lắm mới lấy được người vợ vừa đẹp người lại đẹp nết, phải biết trân trọng và đối xử thật tốt với vợ của mình. Trong đầu Dình lúc ấy đã tràn ngập nụ cười tỏa nắng của người vợ chẳng màng gia cảnh khốn khó của Dình mà về làm dâu nhà họ Vàng.

***

Nửa đêm hôm trước trời bỗng đổ một cơn mưa lớn, sấm chớp thi nhau đùng đoàng như pháo nổ trên đầu. Sáng hôm sau, lúc Dình tỉnh giấc mưa vẫn còn rả rích. Vợ Dình đã ra khỏi nhà từ lâu. Mưa thế này mà vợ Dình cũng không chịu nghỉ. Mấy đứa nhỏ cũng đi học cả, để một mình Dình ở nhà với nỗi buồn chẳng rõ nguồn cơn. Dình ra trước hiên nhìn những đám mây xám xịt, không gian mờ ảo khiến cho đỉnh Kan Hồ nơi Dình đang ở trông càng cô độc.

Tự nhiên Dình nhớ tới mong ước của mình ngày trước, lúc Dình còn chưa ngã vào cái đam mê chết người này. Bao nhiêu ký ức cứ dội về như những thước phim. Dình nhớ ngày bố chết. Bố chết từ đêm hôm trước mà trong nhà không ai biết. Đám ma diễn ra lặng lẽ, chẳng mấy người đến tham dự. Dình cũng chẳng khóc. Dình nghĩ rằng cái chết là sự giải thoát cho bố khỏi những cơn vật vã điên cuồng, giải thoát cho cả mẹ con Dình nữa. Nghĩ tới đây, tự nhiên Dình thấy lạnh cả người. Không biết đám con đang cam chịu một người bố đáng chán như Dình có suy nghĩ như Dình năm đó không. Dình đúng là một người bố không ra gì. Dình gục đầu xuống chán nản. Trong lòng Dình lúc này đầy những mâu thuẫn không thể giải quyết được. Cai nghiện, nói thì dễ lắm. Đã mấy lần Dình bảo vợ trói mình vào cột nhà nhưng tới lúc lên cơn Dình lại cầu xin vợ thả mình ra. Vợ Dình thấy chồng vật vã khổ sở, thương chồng lại cởi trói. Thế là nghiện vẫn hoàn nghiện.

Dình nghiện, cả bản, cả xã biết. Dình đi tới đâu người ta cũng nhìn Dình với ánh mắt đề phòng sợ Dình trộm cắp đồ đạc. Người ta xì xầm vào tai nhau chuyện nhà Dình nghiện từ đời bố tới đời con. Người lớn cấm trẻ con không được chơi bời giao du gì với con của Dình. Bọn trẻ cũng mặc cảm nên đi đâu cũng cúi gằm mặt xuống như một kẻ có tội. Mà chúng có tội gì đâu, tất cả là do Dình.

Vợ Dình về tới nhà với chiếc gùi nặng cỏ vừng cắt về cho lợn. Nhìn cả người vợ ướt hết, môi tím tái lại, gương mặt nhàu nhĩ lấm tấm vết bùn thì Dình chịu hết nổi. Dình để cho vợ con khốn đốn vì mình, Dình là một người chồng khốn nạn. Dình loạng choạng đứng dậy, Dình thấy như từng con kiến đang bò trong ruột, thôi thúc Dình đi tìm thứ thỏa mãn nó. Không! Lần này Dình thà chết luôn chứ nhất quyết không cho cơn nghiện chế ngự mình. Dình chạy vào trong nhà, cầm lấy con dao sắc nhất định kết thúc tất cả. Vợ Dình trông thấy gào lên thảm thiết, cầu xin Dình đừng làm điều dại dột, nếu không thì vợ Dình cũng sẽ đi theo Dình bỏ lại các con bơ vơ. Con dao trên tay Dình rơi xuống đất. Dình khóc. Ngoài trời sấm sét ì ùng, mưa dội xuống xối xả.

Đến quá trưa thì trời tạnh hẳn, nắng bắt đầu hửng. Dình rời nhà đi tới trụ sở công an xã. Dình không thể tự từ bỏ được ma túy, vậy thì Dình sẽ vào trại cai nghiện, có như thế may ra con ma túy mới từ bỏ Dình. Dình hăm hở bước trên con đường uốn lượn giữa những đám mây bồng bềnh. Cây lá rung rinh, gió thoảng đưa mùi hương hoa sơn tra cuối mùa. Đỉnh Kan Hồ khuất dần sau lưng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ đỉnh Kan Hồ