Hà Nội văn

Vấn vương hương bưởi

Truyện ngắn của Trầ̀n Thủy 01/04/2024 - 10:54

Tôi vẫn nhớ mãi buổi chiều hôm đó. Dưới tán lá xanh mướt của cây bưởi đang lúc lỉu những chùm hoa trắng muốt, mẹ đứng trên chiếc ghế đẩu, mái tóc dài hất ngược về phía trước, bay bay trong gió. Bố xách từ bếp ra một xô nước còn đang bốc khói, mùi lá bưởi, hoa bưởi tỏa hương thơm ngát.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Tháng Ba về, trời cao và trong vắt. Tôi ôm quyển truyện ngồi trên chiếc giường kê sát cửa sổ. Con mèo mướp thiu thiu ngủ ngay dưới chân. Tiếng là đọc sách nhưng kỳ thực mắt tôi chỉ nhìn ngang qua trang giấy. Tôi bị cuốn theo những gáo nước bố ân cần dội lên mái tóc mềm mượt của mẹ. Suối tóc đen nhánh tuôn dài, điểm xuyết vài cánh hoa trắng muốt tinh khôi. Còn bố cứ mải mê từng chút cho yêu thương chảy tràn.

Khi tóc đã khô, mẹ cuộn thành một búi to sau gáy. Phần thưởng cho bố con tôi sau bữa trưa là những khúc mía tím được mẹ kỳ công nướng than hoa rồi đem ủ cùng hoa bưởi. Khóm mía mập ú ở góc vườn mẹ nhất quyết giữ không cho ai đẵn. Mẹ chờ qua ngày đông gió bấc. Đến mùa xuân, khi mía già đủ độ, vỏ căng bóng, mờ mờ lớp phấn sương muối. Lúc này hoa bưởi bắt đầu bung nở từng chùm, có bông chúm chím, có bông đã mãn khai. Mùi hương ngan ngát dịu dàng. Lấp ló trong đài hoa trắng muốt là lớp nhụy vàng ươm, ong bướm tung tăng tìm đến. Ăn khẩu mía ướp hoa bưởi giòn thơm, nước mật tiết ra ngọt lịm, thấm đẫm chân răng. Hai bố con chỉ biết tấm tắc khen. Mẹ cười, mắt long lanh hạnh phúc.

Bỗng đêm đó mẹ bị một cơn đau đầu dữ dội. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ khổ sở như vậy. Mặt tái nhợt, mái tóc xổ tung. Bố cuống cuồng, hết cạo gió rồi đi pha trà gừng mà cơn đau không thuyên giảm. Mẹ lăn lộn trên giường. Tôi mếu máo ôm lấy chân mẹ. Bố chạy ra trạm xá xã gọi cấp cứu. Người ta đưa mẹ lên bệnh viện huyện, rồi lên bệnh viện trung ương. Bác sĩ thông báo, mẹ mắc căn bệnh hiểm nghèo: Ung thư não! Khối u đã to, phải dùng phương pháp xạ trị. Mái tóc dài tha thướt của mẹ rụng dần. Bố xót xa đi nhặt những sợi tóc vương vãi khắp nhà cho vào cái túi. Cảm giác đớn đau, bất lực. Những đợt trị xạ làm mẹ gầy mòn kiệt quệ, đôi mắt đờ dại lúc nhớ lúc quên. Không chịu đựng được nữa, mẹ nắm chặt tay bố thì thầm: “Hứa với em, hãy chăm sóc con thật tốt!”. Bố ôm lấy mẹ khóc, gật đầu.

Mẹ ra đi vào một chiều cuối tháng Ba, hương bưởi vẫn nồng nàn. Những cánh hoa rụng trắng sân, lớp lớp, tơi bời. Tôi lớn lên với nỗi đau thiếu vắng hình bóng mẹ. Bố hiểu nên cố gắng bù đắp cho tôi. Sáng sớm, khi mặt trời chưa lên khỏi rặng tre bố đã đạp xe hơn hai chục cây số ra chợ vải. Những cây vải cuộn chặt, chắc nịch được bố xếp ngay ngắn lên sạp cho chủ. Khi mặt trời đứng bóng, vải vóc được thu gọn, bố lại lóc cóc đạp về. Mặt mũi bố phờ phạc, nhem nhuốc. Những đồng tiền nhàu nhĩ cuối ngày được bố gom góp nuôi tôi ăn học. Ngày tôi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, bố hãnh diện cầm giấy báo đi khoe khắp làng.

Trước ngày tôi nhập học, bố nấu một nồi nước bồ kết vỏ bưởi đặc sánh. Chính tay bố cẩn thận chải mớ tóc tha thướt của tôi, cẩn thận dội từng gáo nước thơm, tỉ mỉ dặn dò những điều gan ruột. Tôi chỉ biết vâng dạ để bố yên tâm.

Xa nhà, lâu lâu tôi lại đạp xe về thăm bố. Tối đến, nhìn bố bắc ghế ngồi bên gốc bưởi, dưới những chùm hoa lấp ló trong không gian ngàn ngạt dâng hương, tay bố mân mê mớ tóc của mẹ năm nào, tôi biết bố rất nhớ mẹ.

Khi trở lại trường, chiếc xe của tôi nặng trĩu rau xanh, gạo mắm, cá khô, vài chục quả trứng gà mới đẻ. Bố cẩn thận nhét thêm chút tiền tiêu vặt và gói hoa bưởi tinh khiết. Tôi chỉ biết vô tư học, vô tư sống. Bởi tôi tin sau lưng mình, luôn có ánh mắt yêu thương của bố dõi theo, che chở.

***

Một lần tôi bất chợt về thăm bố mà không gọi điện báo trước. Tôi nghĩ chắc bố đi làm. Từ ngoài đường thấy cổng nhà vẫn mở. Hơi ngạc nhiên, tôi dựng xe sát bờ rào cúc tần. Vừa ló vào tôi bỗng rụt ngay lại. Có tiếng cười nói dưới gốc bưởi. Bố đang vui vẻ dội từng gáo nước thơm lên mái tóc suôn dài của một người phụ nữ. Ai thế? Tôi giật mình thảng thốt khi chợt nhận ra cô Lanh. Người đàn bà không chồng, không con bán rượu ở xóm trên.

Tôi vội quay ra lấy xe, đạp rất nhanh ra bờ sông đầu làng. Gió chiều mơn man mà tôi thấy lòng nặng trĩu. Bố đâu có uống rượu, bố chỉ mang bưởi ra nhờ cô ấy bán hộ. Chẳng lẽ bố phải lòng người đàn bà suốt ngày lả lơi với đám đàn ông nát rượu. Tôi đã nghe người ta xì xào rằng cô ta bán rượu chỉ là cái cớ.

Ngồi mãi rồi cũng phải về. Cổng nhà đã khóa, không thấy bóng dáng hai người đâu. Một chút ngờ vực dấy lên, tôi chui qua hàng rào sau vườn đi vào. Cánh cửa khép hờ nên tôi trông thấy rõ tấm lưng trần trắng ngà, mái tóc đen dài quấn riết lấy bố như con rắn cuộn. Mặt đỏ bừng bừng, tôi thu hết can đảm đẩy cửa bước vào hét to: “Bố! Không được làm trò này trên giường của mẹ”. Hai người bất ngờ bật dậy. Tôi lại gào to về phía người đàn bà: “Cô làm ơn tha cho bố tôi đi”. Rồi tôi uất ức chạy thục mạng ra ngõ, trở về ký túc xá ngay chiều hôm đó. Nước mắt tức tưởi vỡ òa. Trong lòng tưởng chừng mọi thứ sụp đổ.

Tôi giận bố, học hành chểnh mảng hẳn. Thấy tôi có biểu hiện tâm lý không bình thường, cô chủ nhiệm gọi điện cho bố. Bố lên thăm, mắt buồn rười rượi. Bố bảo tôi yên tâm, rằng cô ấy sẽ không bao giờ quay lại nhà của chúng ta nữa, con hãy cố gắng học hành... Tôi chỉ biết cúi đầu im lặng.

Ngày tôi đỗ đại học, bố vui lắm. Cả làng ai cũng hỏi thăm, khen bố gà trống nuôi con giỏi quá. Không như cái đám thanh niên có bố có mẹ mà lêu lổng thất học. Lo kiếm cho tôi chỗ trọ ổn định trên thành phố, lúc quay về bố vẫn cố dặn: “Ở đây xa xôi, thiếu thốn thứ gì con cứ nói”.

Bố nhận thêm việc để làm. Tôi ít về vì xa. Mỗi tháng ra bưu điện nhận tiền bố gửi, trăm thứ phải chi, nào tiền trọ, nào tiền ăn, tiền học... Cuộc sống trên thành phố chẳng dễ chịu chút nào. Nhưng phố hiện đại, phố đông vui nhộn nhịp. Có bao thứ lung linh cuốn hút vẫn trở đi trở lại trong giấc mơ của tôi. Phố đa mang ôm trong tay biết bao mảnh đời quyết tâm ở lại. Nỗi lo toan vất vả chồng chất lên vai người thân nơi quê nhà.

Ra trường với tấm bằng đỏ, tôi xin được việc làm phù hợp, thấy cuộc đời thật ưu ái mình. Chỉ riêng bố ngày càng già đi, khắc khổ. Công việc như cỗ máy cuốn tôi theo guồng quay của nó, những dự án kéo dài, những đợt công tác liên miên khiến tôi chẳng có nhiều thời gian. Đôi lúc bố phải gọi điện lên nhắn nhủ: “Bưởi năm nay sai quả, con về mà ăn”. Chỉ biết dạ, vâng mà đâu thể về ngay được.

Ngày tôi lấy chồng bố mừng lắm. Lần lượt sinh hai đứa con, tôi đầu tắt mặt tối với chuyện bỉm sữa và nghĩa vụ dâu trưởng cùng hàng đống việc ở công ty. Mái tóc thướt tha ngày nào phải cắt thật cao cho tiện. Quanh năm suốt tháng chỉ thấy bận bịu và áp lực. Có lúc muốn chạy về bên bố, nằm dưới gốc cây bưởi, hít hà hương thơm nồng nàn, nhìn trăng trôi qua kẽ lá mà nhẹ nhõm an yên với đời.

Bố bỏ việc, bỏ nhà cửa ở quê lên thành phố giúp tôi. Quanh quẩn trong căn phòng khép kín với hai đứa cháu nghịch ngợm. Những lúc rỗi rãi bố thường ngồi lặng lẽ ngoài ban công, đăm đắm nhìn về phương trời ấy. Nơi mà từ gốc cây ngọn cỏ, mùi hương đã trở thành thân thuộc đối với bố. Dù muốn giữ bố lại nhưng tôi biết mình không thể đem đến cho bố cảm giác bình yên. Người ta chỉ có thể bình yên trong chính ngôi nhà thân yêu của mình.

***

Bố lại về quê, thui thủi nơi góc bếp, vườn rau và những buổi chiều thơm nắng bên ấm trà ngát hương hoa bưởi. Còn tôi, trong vòng quay tất bật của cuộc sống, đôi lúc tranh thủ gọi điện hỏi thăm bố dăm ba câu, rồi bẵng đi..., có khi quên mất bố.

Một ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại sét đánh. Tôi hớt hải về ngay, không tin vào mắt mình. Trong căn nhà quạnh quẽ, bố nằm đó lạnh lẽo. Hàng xóm phát hiện ra bố đã ngủ một giấc dài, ngay dưới gốc cây bưởi đang trổ hương thơm ngát. Trên tay bố, gói tóc của mẹ vẫn đen nhức như ngày nào. Tôi bật khóc nức nở. Cả một đời bố cặm cụi vất vả vì tôi, làm cái bóng che chở cho đời tôi mát lành. Vậy mà cuối đời bố phải vò võ cô đơn, ngóng trông vô vọng.

Những ngày ở nhà lo mọi việc cho bố, cứ chiều chiều ra mộ tôi luôn thấy có một nhành hoa bưởi tươi mới được đặt trang trọng trước di ảnh của ông. Ai biết bố tôi thích hoa bưởi mà mang hoa ra đây? Tôi tự hỏi. Và câu trả lời tôi đã tìm thấy khi đuổi theo người đàn bà dường như bỏ chạy khi trông thấy tôi.

- Cô Lanh!

Cô quay lại nhìn tôi, khuôn mặt đau khổ. Giọng cô run run, thổn thức:

- Ông ấy là người đàn ông mẫu mực cô vô cùng yêu thương suốt quãng đời này. Nhưng cô không thể tiếp tục. Bởi trong tim ông ấy, mẹ con cháu luôn có một vị trí rất quan trọng, không ai thay thế được.

Tôi ôm choàng lấy cô.

Những giọt nước mắt tiếc nuối chảy tràn...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn vương hương bưởi