Hà Nội văn

Quý

Truyện ngắn của Nguyễn Anh Dân 24/03/2024 - 07:03

Quý là người Nghệ An. Da ngăm. Có răng khểnh nên cười rất duyên. Quý để tóc hai mái - kiểu tóc thời bấy giờ cực kỳ thịnh hành. Tôi gặp Quý năm lớp 8, là năm tôi chuyển đến trường thị trấn. Lý do duy nhất mà tôi muốn chuyển trường là vì trường thị trấn có máy vi tính, có dạy môn Tin học.

Tôi đã nằng nặc đòi người mẹ nghèo khổ của tôi chạy vạy để chuyển trường. Giờ nghĩ lại mới thấy mình ích kỷ. Quý cũng chuyển từ trường xã đến cùng tôi năm đó. Hai đứa chúng tôi bị bọn “ma cũ” đánh cho vài trận. Quý rất kiên cường. Mỗi lần bị đánh nó đều tỏ ra không sợ, còn tôi thì sợ đến mức nghỉ học mất vài bận. Cuối cùng thì chắc do đánh mãi cũng chán, bọn “ma cũ” tha cho chúng tôi. Nhưng cũng từ đó mà tôi với Quý thân nhau. Sau này tôi mới hiểu được vì sao những kẻ yếu thế và những người chung cảnh ngộ dễ đồng cảm với nhau.

z5259822598891_ac047f4c5835.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Nhiều bận sau tan học, tôi và Quý đạp hai chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp nơi. Quý dẫn tôi đến nhà bạn ở trên núi hái sen. Tôi rất thích sen, sen hồng, chứ không phải sen trắng. Mùi thơm dịu nhẹ của sen làm lòng tôi khoan khoái. Tôi và Quý đã bao lần nằm bên bờ ao sen, nói với nhau bao chuyện: Về quê hương xứ Nghệ của Quý (cũng rất nhiều sen), về việc nhà Quý vỡ nợ phải bỏ xứ vào đây, về ba đứa em của Quý không có điều kiện đi học (mẹ Quý bảo Quý thông minh nhất nên cho đi học, ba đứa em phải ở nhà phụ cha mẹ nuôi anh đến trường), về những câu chuyện buồn trong gia đình của tôi...

Quý đến nhà tôi. Tôi đến nhà Quý. Hai căn nhà đều tuềnh toàng như nhau. Chúng tôi đã bao lần ăn mì tôm trộn cơm cùng nhau (món này tôi vẫn giữ đến bây giờ, nhất là nhiều lúc đi làm về, mệt quá, hoặc thi thoảng lười nấu nướng). Hồi ấy tôi dạy Quý đánh đàn guitar. Quý rất có năng khiếu. Chẳng mấy chốc tôi chẳng còn gì để dạy nữa cả. Thú thực, nhà tôi nghèo, làm gì có điều kiện được đi học chỉn chu, guitar là do tôi học lỏm được từ anh hàng xóm. Hồi ấy, thanh niên có thói quen buổi tối cùng nhau đến nhà các chị trong xóm chơi. Những buổi “hẹn hò tập thể” kiểu ấy đã xe duyên cho biết bao người. Giờ xã hội hiện đại, con người thể hiện tính tự chủ cá nhân nhiều hơn là thông qua những buổi “mai mối cộng đồng” như vậy. Dạo ấy, cứ mỗi lần thấy anh hàng xóm chơi đàn và ánh mắt trìu mến của các chị dành cho người đánh đàn, tôi ngưỡng mộ lắm. Bây giờ, không biết còn bao nhiêu người tán gái bằng đàn guitar?

***

Tôi với Quý học với nhau đến hết năm lớp 9. Rồi tôi lên lớp 10, còn Quý không thấy đi học nữa. Tôi vài lần xuống nhà Quý nhưng đều không gặp được. Ngày ấy không có điện thoại di động như bây giờ. Điện thoại bàn nhà tôi cũng không có. Nhiều khi có việc gì gọi nhờ điện thoại của nhà ai đó, kiểu gì người ta cũng lăm lăm lắng tai xem mình nói bao lâu, mình có gọi “đường dài” không... Rất phiền!

Sau Tết năm đó, tôi đi ôn thi học sinh giỏi quốc gia trên tỉnh. Tình cờ tôi gặp một đứa bạn ở gần nhà Quý. Hỏi ra mới biết, Quý buộc phải nghỉ học. Có lẽ cũng chính mẹ Quý đề nghị. Có lẽ ba đứa em và hai người lớn cũng không thể cáng đáng nổi những nhu cầu vật chất tối thiểu trong cuộc sống của họ. Vậy nên họ buộc lòng phải đánh đổi sự học của đứa con trai thông minh nhất nhà với sự an toàn của việc tồn tại. Nghe đứa bạn bảo Quý đi đánh đàn trong một ban nhạc đám cưới. Tự nhiên tôi chạnh nghĩ, không biết khi đánh đàn trong những không gian ngập tràn niềm vui ấy, Quý có cười không nhỉ?

Bẵng đi nhiều năm, tôi vẫn chưa gặp lại Quý một lần nào. Tôi tốt nghiệp phổ thông, rồi vào đại học. Tôi ít về nhà hơn. Mỗi năm về một hai bận, có năm không về vì tôi sợ phải chạm mặt người cha lúc nào cũng say xỉn. Tôi sợ phải kiềm lòng để không làm điều gì đó kinh khủng mỗi lần thấy mẹ tôi bị đánh. Thế là tôi nán lại cái thành phố nhỏ miền Trung ấy để làm thêm, học thêm, miễn là ít phải về nhà. Đôi lúc tôi nghĩ mình thật hèn và ích kỷ. Vì rốt cục, sự chạy trốn của tôi chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, còn mẹ và những đứa em tôi vẫn thường ngày phải sống chung với những cơn say của người đàn ông ấy. Những đồng tiền học bổng, tiền tôi dành dụm được gửi cho mẹ, cho em, có lẽ không thể xoa dịu được những gì họ chịu đựng. Và cũng vì ít về nhà nên tôi càng không có cơ hội gặp lại Quý.

***

Bẵng qua thêm vài năm, khi đã trở thành một giảng viên đại học, tôi về lại vùng đất Tây Nguyên ấy của mình. Tôi vẫn nhớ, đó là một ngày Tết âm lịch. Tôi nhớ Quý. Không biết cậu ấy giờ thế nào? Khi hỏi câu ấy tôi những mong cậu ấy và gia đình đã khá hơn. Tôi rủ ba đứa bạn thân cùng học chung lớp ngày xưa đến thăm Quý. Con đường dẫn lên nhà Quý tôi vẫn còn nhớ. Nhưng khi tôi quay trở lại con đường quen thuộc ấy, mọi thứ không còn như trước nữa. Nhiều nhà cao tầng mọc lên, không còn bất cứ dấu vết nào của những vũng sình lầy trước đây. Chúng tôi loay hoay tìm đường. Cuối cùng đành chịu. Vừa may có cô bé đi qua. Chúng tôi vội hỏi. Đứa con gái nhìn sững chúng tôi một lúc rồi bảo: “Để em dẫn các anh lên”. Sau chúng tôi mới biết nó là em gái Quý. Ngày xưa tôi cũng đã gặp em gái Quý nhưng lâu rồi không nhớ được, nhất là bây giờ nó đã lớn lên rất nhiều.

Tôi đã mừng trong lòng khi cô bé dẫn chúng tôi vào sân. Ngôi nhà lúc trước tôi đã từng đến chơi với Quý, từng ngồi ăn cơm nguội bao lần với nhau, giờ không còn nữa. Thay vào đó là căn nhà cấp bốn được xây một cách chắc chắn. Màu vôi trắng khiến tôi nhớ lại những thời khắc chúng tôi “ôn nghèo kể khổ” với nhau bên ao sen trên núi...

Đón chúng tôi là mẹ Quý. Tôi vẫn nhớ mang máng về bà. Rồi, bà òa khóc khi chúng tôi giới thiệu... “Ôi con ơi! Các bạn con đến thăm con đây này!”. Tôi lặng người. Ba đứa bạn thân còn lại chắc cũng như tôi. Câu nói ấy là quá nhiều ý nghĩa đối với chúng tôi, những người bạn cũ, có lẽ, rất tệ, nên đến bây giờ mới quay lại tìm nhau...

Chúng tôi thẫn thờ bước vào trong nhà cùng người đàn bà tội nghiệp đang nức nở thỉnh thoảng lại đưa bàn tay khô gầy lên quệt nước mắt... Bà vừa dẫn chúng tôi đến bàn thờ vừa kể lại sự tình. Quý mất trong một vụ tai nạn giao thông. Đêm đó Quý đi đánh đàn đám cưới về. Chiếc xe cub cũ Quý dành dụm mua để đi làm nghề bị một chiếc xe tải chở nông sản - vốn rất phổ biến ở vùng Tây Nguyên - tông bẹp rúm. Quý cũng không còn nguyên vẹn như chiếc xe của mình. Chúng tôi khóc. Người đàn bà khóc. Tôi nhìn em gái Quý. Mặt nó chùng xuống. Chúng tôi thắp nhang cho Quý bằng thứ nhang lấy từ quê Nghệ An, người dân tự làm bằng bã mía. Rất thơm... Ngày xưa, Quý từng có lần cho tôi vài bó về thắp Tết. Hồi ấy, hương thơm của loại nhang ấy đã làm nhà tôi thích đến nhường nào, giờ thì cũng loại nhang ấy tôi đang phải thắp lên để tưởng nhớ một người bạn...

Tấm di ảnh của Quý nhìn chúng tôi. Vẫn còn nguyên chiếc áo trắng đồng phục của trường, trên có may bảng tên. Những chiếc áo đồng phục này chúng tôi đã không còn giữ, có lẽ, chỉ còn lại những người như Quý mới sở hữu nó mà thôi. Vẫn còn nguyên nụ cười với chiếc răng khểnh trên gương mặt ấy. Nụ cười có thanh thản không? Tôi không biết...

Từ sau dạo ấy, mỗi bận về Tây Nguyên, tôi đều ghé đến thắp nhang cho Quý. Cuộc sống của tôi cũng đã có nhiều đổi thay. Tôi lấy vợ. Rồi đi du học. Cũng chẳng có ai để cùng tôi nằm bên bờ ao trò chuyện. Nhiều khi cô đơn đến lạ. Dần dần, tôi ít về Tây Nguyên hơn. Mỗi bận về nước đều bận rộn nhiều việc, thế nên cũng vài năm rồi tôi chưa một lần về lại nhà Quý.

***

Tô mì tôm bây giờ đã nguội mà tôi vẫn không ăn một miếng nào. Chỉ có nước mắt cứ rớt xuống từ hai bên gò má.

Tôi cứ ngồi yên như thế trong một căn phòng ở một đất nước xa lạ, giữa một không gian yên ắng ở xứ người. Tôi nhớ Quý. Tôi thương Quý và tự thấy mình sống tệ vì sau bao năm, mãi đến hôm nay, khi đối diện với bát mì tôm (không trộn cơm) này, tôi mới bất chợt nhớ đến người bạn nghèo thuở nọ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quý