Hà Nội 360

Về thăm đất học Đại Đồng

Nguyễn Mai 01/06/2024 - 14:01

Từ lâu, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) nổi danh là mảnh đất khoa bảng, có nhiều người học hành thành đạt.

Hiện nay, xã Đại Đồng là quê hương của 4 phó giáo sư, 26 tiến sĩ, 4 nhà giáo ưu tú, hơn 1.200 người có bằng đại học và thạc sĩ… Nơi đây, việc học luôn được khuyến khích, động viên từ trong gia đình, dòng họ đến nhà trường và cả cộng đồng. Người dân Đại Đồng xác định học tập là con đường đúng đắn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững.

dai-dong.jpg
Làng quê xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) khang trang, sạch đẹp.

Trái ngọt từ “trồng người”...

Dòng họ Khuất Văn ở xã Đại Đồng nổi tiếng trong vùng bởi có nhiều con cháu học hành giỏi giang, thành đạt. Đến nay, dòng họ đã có 2 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 2 nhà giáo ưu tú và 170 cử nhân. Hơn 70% hộ gia đình trong dòng họ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”.

Chủ tịch UBND xã đồng thời là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đại Đồng Kiều Thị Khuyến chia sẻ: Nổi bật trong các gia đình hiếu học của dòng họ Khuất Văn nói riêng và cả xã nói chung là gia đình Nhà giáo ưu tú Khuất Khắc Thiệp - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Đồng.

“Cụ Thiệp có 8 người con, đều học hành thành đạt, trong đó có 2 người con là phó giáo sư, tiến sĩ. Bản thân cụ Thiệp và một người con được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 5 người con, cháu có bằng thạc sĩ. Đặc biệt, cụ Thiệp có 22 năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đại Đồng. Nay, ở tuổi ngoài 80, cụ là Ủy viên Chi hội Khuyến học dòng họ Khuất Văn. Tuy tuổi cao nhưng cụ vẫn luôn quan tâm, xây dựng phong trào khuyến học trong gia đình, dòng họ. Riêng quỹ khuyến học của gia đình cụ được xây dựng có trị giá 150 triệu đồng".

Không riêng gia đình Nhà giáo ưu tú Khuất Khắc Thiệp, trên địa bàn xã Đại Đồng có rất nhiều gia đình, cá nhân đạt thành tích cao trong học tập. Bà Khuất Thị Hạnh, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 6 (xã Đại Đồng) cho biết: "Người dân Đại Đồng từ xưa đã rất coi trọng sự học. Các gia đình đều tập trung nuôi dạy, tạo điều kiện tốt nhất để con cháu học tập. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, ngoài nghề nông, chúng tôi còn có “nghề học”. Học để thoát nghèo và làm giàu”.

Từ nhận thức cao về việc học tập, xã Đại Đồng đã xuất hiện nhiều “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”. Điển hình như gia đình ông Khuất Biên Hòa ở thôn 6 có 3 người con thì 2 người là tiến sĩ. Gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm ở thôn 5 có cả 2 người con đều là tiến sĩ. Gia đình ông Kiều Cao Vấn ở thôn 2, cả 4 người con đều học giỏi, thành đạt, trong đó có 1 người con gái là tiến sĩ, 1 cháu nội đang làm nghiên cứu sinh…

Điều đáng quý là, nhiều gia đình ở Đại Đồng tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng nuôi con cháu học hành đến nơi đến chốn. Như trường hợp nhà em Kiều Bích Nguyệt ở thôn 2, cả bố và mẹ đều mất sớm, được sự giúp đỡ của họ hàng nội ngoại, 3 chị em Nguyệt vượt lên khó khăn, bảo ban nhau học tập và đều thi đỗ đại học. Hiện em Kiều Bích Nguyệt đang học thạc sĩ. Gia đình ông Nguyễn Văn Phúc ở thôn 3, bản thân ông Phúc bị tàn tật, phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng có 4 con học đại học.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đại Đồng Kiều Thị Khuyến, thống kê trong 5 năm qua, xã có 440 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Những năm gần đây, cùng với việc chăm lo, đầu tư của các gia đình, nhiều học sinh của xã còn năng động, học giỏi, đạt học bổng du học ở các nước phát triển. Cũng trong 5 năm qua, cả xã có 20 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, được xã khen thưởng.

“Trước đây, chúng tôi chỉ khen thưởng học sinh giỏi cấp phổ thông nhưng hiện nay xã nắm bắt, khen thưởng cả sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi. Chúng tôi mong muốn lấy đó làm tấm gương cổ vũ, động viên các em đang là học sinh phổ thông có ý chí, nỗ lực noi theo lớp anh chị”, bà Kiều Thị Khuyến nói.

Đến nay, từ quê hương Đại Đồng đã có hơn 1.200 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 4 phó giáo sư, 26 tiến sĩ, 4 nhà giáo ưu tú, 30 cán bộ quân đội từ cấp hàm đại tá đến cấp tướng. Nhiều người giữ trọng trách cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành. Xã vốn thuần nông, không có nghề phụ nhưng thu nhập bình quân của Đại Đồng đạt khoảng 100 triệu đồng/người/năm - mức thu nhập rất cao so với các xã trên địa bàn huyện Thạch Thất.

“Đại Đồng có nhiều người công tác trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, lại có đông đảo người làm giáo viên, nhiều người giỏi nghề, góp phần đưa quê hương Đại Đồng ngày một đổi mới. Đây là trái ngọt trong sự nghiệp "trồng người" của xã Đại Đồng”, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng Khuất Thanh Huyền chia sẻ.

dai-dong2.jpg
Khen thưởng học sinh của xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) đạt thành tích cao trong học tập.

Góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh

Những kết quả trong sự nghiệp “trồng người” ở Đại Đồng chính là nhờ sự tiếp nối truyền thống, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân nơi đây. Trong những năm gần đây, Đảng ủy xã Đại Đồng liên tiếp ban hành 2 nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, gia đình học tập.

Hiện tại, Hội Khuyến học xã có 18 chi hội thành viên ở 15 dòng họ, 1 nhà trường và 2 thôn. Số thành viên trực tiếp tham gia công tác khuyến học là 175 người. Xác định xây dựng quỹ khuyến học là công tác xã hội hóa nên đối tượng vận động được Hội xác định gồm toàn dân, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, hộ gia đình, những người con quê hương Đại Đồng ở mọi miền Tổ quốc. Các dòng họ, các thôn cũng có nhiều hình thức vận động theo tinh thần tự nguyện.

Đến nay, xã Đại Đồng đang có quỹ khuyến học toàn xã rất lớn (hơn 1,75 tỷ đồng). Ngoài ra, các chi hội có nguồn quỹ khuyến học lớn như: Họ Khuất Duy 226 triệu đồng; Trường Trung học cơ sở xã Đại Đồng 240 triệu đồng; họ Khuất Văn 143,5 triệu đồng; họ Kiều Bá 190 triệu đồng; họ Kiều Cao 121 triệu đồng; họ Nguyễn Khắc 127 triệu đồng...

Với sự chung sức của các gia đình, dòng họ trong công tác xã hội hóa nên hoạt động khuyến học, khuyến tài ở xã Đại Đồng luôn được triển khai hiệu quả, kịp thời động viên học sinh, sinh viên học tập tốt.

Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đại Đồng Kiều Thị Khuyến cho hay: Vào dịp cuối tháng 5 hằng năm, kết thúc năm học, các nhà trường khen thưởng học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện và học sinh nghèo vượt khó học tốt. Còn các thôn sẽ tổ chức khen thưởng vào dịp Quốc khánh 2-9. Dịp Tết dương lịch, Hội Khuyến học xã khen thưởng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và học sinh thi đỗ đại học. Đối với các dòng họ, công tác khen thưởng thường được tổ chức vào dịp giỗ họ.

Cùng với hoạt động khuyến học, khuyến tài, việc tạo môi trường học tập tốt cũng được Đảng ủy, chính quyền xã Đại Đồng quan tâm, gắn với công tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong các năm 2022, 2023, Trường Trung học cơ sở Đại Đồng được đầu tư 37 tỷ đồng xây dựng 22 phòng học, khu giáo dục thể chất. Trường Tiểu học Đại Đồng được đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng lại toàn bộ phòng học, khu giáo dục thể chất, bếp ăn phục vụ bán trú. Trường Mầm non Đại Đồng cũng được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn mức độ 2 từ năm 2020.

Kết quả trên đã góp phần đưa cả 3 nhà trường trong xã luôn đứng trong tốp dẫn đầu phong trào học tập của huyện Thạch Thất. “Trong 5 năm qua, toàn xã có hơn 6.600 học sinh giỏi cấp trường, gần 460 học sinh giỏi cấp huyện, 20 học sinh giỏi cấp thành phố, 1 em đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 trường công lập hằng năm ở Đại Đồng luôn đứng tốp đầu của huyện”, bà Kiều Thị Khuyến tự hào chia sẻ.

Nhờ tập trung cho lĩnh vực giáo dục, khuyến học, khuyến tài, Đại Đồng hôm nay đổi thay rõ rệt, chất lượng đời sống của nhân dân địa phương không ngừng nâng cao. Đại Đồng là xã đầu tiên của huyện Thạch Thất làm điểm, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Trong thành tích đáng tự hào ấy có sự đóng góp không nhỏ đến từ trái ngọt của sự nghiệp "trồng người"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về thăm đất học Đại Đồng