Hà Nội 360

Giấc mơ làm giấy từ... sen

Bài và ảnh: Bảo Châu 19/11/2023 11:05

Được biết đến là người biến lá sen, lá bồ đề thành những chiếc nón độc đáo, xinh xắn..., gần đây anh Kiều Cao Dũng (sinh năm 1983, quê ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) tiếp tục thành công với dự án mới - làm giấy sen từ đài sen.

Từ một thứ chỉ chờ bị bỏ đi, với tư duy và cách làm sáng tạo của mình, anh Dũng đã mang lại đời sống mới cho sen.

sen-1.jpg
Với tư duy và cách làm đầy sáng tạo, anh Kiều Cao Dũng đã mang lại đời sống mới cho đài sen.

Thỏa sức sáng tạo với sen

Là người yêu văn hóa cổ truyền, anh Kiều Cao Dũng thường tìm hiểu những gì mang tính truyền thống. Trong một chuyến du lịch tới Myanmar, anh Dũng đến tham quan một ngôi làng có nghề dệt lụa từ tơ sen. Nhìn những sản phẩm độc đáo, bắt mắt được tạo từ những thứ tưởng chừng không dùng đến, anh thích thú tìm hiểu. Khi về nước, anh muốn tạo ra một dòng sản phẩm mới cho thị trường du lịch Việt Nam từ sen, loài hoa phổ biến và được nhiều người yêu thích.

Sau nhiều tháng ngày suy nghĩ, anh tìm đến nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu, người được coi là "ông tổ" của nghề hoa khô Việt Nam, để học cách làm hoa lá khô. Sau quá trình học hỏi, anh Dũng đã tạo ra những sản phẩm xinh xắn phục vụ du lịch, như nón, hoa được làm từ lá sen, hoa sen, đài sen..., gây được ấn tượng với du khách trong và ngoài nước.

Anh Kiều Cao Dũng chọn Ninh Bình là nơi hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của mình. Theo anh, địa phương này đã triển khai nhiều dự án trồng sen giống mới kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Điều khiến anh Dũng chú ý là sau khi thu hoạch hạt sen, người ta bỏ đi phần đài. Tìm hiểu kỹ, anh quyết định thử nghiệm làm giấy từ đài sen.

"Sau nhiều lần thử nghiệm bất thành, tình cờ đến tháng 3-2022, tôi biết nghề làm hương truyền thống ở Hưng Yên có sử dụng một loại bột cây ở Tây Nguyên. Tôi thử sử dụng cho sen thì thấy hợp một cách hoàn hảo. Giấy sen lúc đó mới chính thức thành hình" - anh Dũng cho hay.

Theo anh Kiều Cao Dũng, để làm ra được giấy sen thì phải hiểu về kỹ thuật và nguyên liệu. Điều khó khăn là tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công, cần cách làm tỉ mỉ, kỳ công. Khi những thếp giấy sen đã thành hình thì với ước mơ tạo ra sản phẩm có giá trị lớn hơn, anh Dũng quyết định biến những thếp giấy này thành các sản phẩm thủ công hoàn thiện.

"Tôi đã lân la đến làng tranh Đông Hồ, nơi có dòng tranh giấy dó quết màu điệp để học các nghệ nhân cách làm công đoạn điệp giấy, nhưng họ đều từ chối. Tình cờ, tôi được một người bạn ở Quảng Ninh giới thiệu tới họa sĩ Đinh Công Tuyến, người làm tranh bột điệp. Vậy là những thếp giấy được quét bột điệp màu giống như một lớp bảo vệ cho giấy và tạo nên lớp óng ánh đẹp mắt đã ra đời. Để làm hoa sen giấy từ giấy sen, tôi đã phải "nằm vùng" ở làng hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên Huế) trong một khoảng thời gian dài để thuyết phục nghệ nhân ở đây dạy cách làm hoa giấy" - anh Dũng kể.

Bên cạnh tạo hình cho giấy sen, anh Dũng còn kết hợp cùng họa sĩ Đinh Công Tuyến để tạo nên những bức tranh trên giấy sen phủ bột điệp. Những bức tranh được tạo ra là độc bản, có giá trị cao. "Để có được bức tranh hoa sen, tôi phải đặt riêng anh Tuyến vẽ trong 1 tháng, hỏng khoảng 10 thếp giấy. Vẽ trên giấy sen khó hơn vì nếu sai một màu thì không thể dùng màu trắng đắp lên để sửa lại, mà phải thay toàn bộ. Giá trị của bức tranh sen là rất lớn, lên đến hàng chục triệu đồng. Trong tương lai, với sen, tôi muốn tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa" - anh Dũng bộc bạch.

sen-2.jpg
sen-3.jpg

Mong ước tạo ra không gian văn hóa sen

Hiện nay, anh Kiều Cao Dũng phối hợp với Công ty Cổ phần Sản xuất, thương mại và dịch vụ Hali (Ninh Bình) để sản xuất giấy từ đài sen, và đã xuất ra thị trường các sản phẩm như nón lá sen, hoa sen bất tử, tranh làm từ giấy sen... Công ty đã sở hữu chuỗi sản xuất liên quan đến các sản phẩm từ sen, cung ứng sen giống, trồng sen lấy hoa, hạt, củ, làm trà ướp hoa sen, trà lá sen kết hợp với làm dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, chị Lê Thanh Huyền, Giám đốc công ty luôn muốn có thêm những sản phẩm mới từ sen. Giữa năm 2021, khi dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, chị đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn về cây sen.

"Tôi thấy trên thị trường có rất nhiều sản phẩm làm từ sen, tuy nhiên, các sản phẩm đều đơn giản kiểu như hạt sen, củ sen sấy..., chưa thấy có đơn vị nào làm sản phẩm sen mà mình thấy ấn tượng. Ninh Bình đón nhiều khách du lịch, có sản phẩm thực sự độc đáo và mang màu sắc văn hóa thì sẽ ổn. Lúc đó tôi tiếp tục đi tìm những người làm sản phẩm sen thì biết đến sản phẩm của anh Kiều Cao Dũng" - chị Huyền thông tin.

Cũng theo chị Lê Thanh Huyền, sau khi gặp anh Dũng, chị thấy giữa hai bên có rất nhiều điểm chung: Cùng làm du lịch, cùng yêu thích giá trị truyền thống, cùng muốn lan tỏa giá trị của cây sen, cùng muốn giúp đỡ bà con nông dân bằng cách hướng dẫn họ cách kiếm tiền từ nông nghiệp. Đến nay, công ty đã sản xuất nhiều sản phẩm du lịch, như trà ô long lá sen, trà ướp gạo sen..., đặc biệt là những chiếc quạt và tranh làm từ giấy sen được lên ý tưởng từ những hình ảnh đậm bản sắc văn hóa Việt trong tranh Đông Hồ, di tích lịch sử của Việt Nam.

Theo chị Lê Thanh Huyền, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 40 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng. Doanh thu của các sản phẩm này từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10 đạt khoảng 300 - 400 triệu đồng.

"Trong tương lai, tôi muốn tạo ra không gian văn hóa sen ở Ninh Bình để trưng bày những cống hiến của anh Kiều Cao Dũng. Đây cũng là nơi tổ chức triển lãm những giống sen quý của Việt Nam và thế giới, lan tỏa giá trị văn hóa gắn với cây sen của vùng đất cố đô Hoa Lư. Giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng gần đây, thương hiệu của công ty đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình ghi nhận, du khách trong và ngoài nước đón nhận. Sản phẩm của công ty đã được xuất sang Nhật, Mỹ..." - chị Lê Thanh Huyền cho biết.

Hiện nay, anh Kiều Cao Dũng có một cơ sở chính ở Ninh Bình để sản xuất. Anh chia từng phần công việc cho các gia đình (6 gia đình) ở nhiều địa phương khác nhau. Trong tương lai, anh mong muốn giữ mô hình này để phát triển nghề trong nhân dân.

"Tôi thấy hài lòng với thu nhập của mình, có điều kiện để tiếp tục với những dự án khác trong tương lai. Từ năm nay, công ty có thêm mặt hàng sen giấy rất được thị trường ưa thích. Chúng tôi đang làm hàng phục vụ Tết. Cũng có nhiều nơi đặt mua giấy của tôi để sáng tác mỹ thuật, thư pháp hoặc làm quạt, làm tranh. Nói chung là du khách đón nhận và có nhiều phản hồi tốt, đó cũng là những gì tôi mong muốn khi dốc tâm, dốc lòng vào sản phẩm của mình" - anh Kiều Cao Dũng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấc mơ làm giấy từ... sen