Xưa và nay

Vì sao có tên phố “Hàng Ngang”?

Nguyễn Ngọc Tiến 16/03/2024 - 06:17

Hà Nội có nhiều tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” gắn sau tên mặt hàng do phố có nhiều nhà cùng bán hoặc vừa sản xuất vừa bán một mặt hàng.

Ban đầu chỉ gọi để định danh, lâu thành quen và nhà nước phong kiến dùng đặt tên phường, phố. Tuy nhiên, xưa cũng như nay, không có loại hàng hóa nào gọi là “Ngang”, vậy tại sao lại có tên phố “Hàng Ngang”?

hang-ngang.jpg
Phố Hàng Ngang ngày nay. Ảnh: Linh Tâm

Thời Lý - Trần, kinh đô Thăng Long chia thành 61 phường. Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết từ thế kỷ XV đã nói đến sự phong phú của hàng hóa và tính chất chuyên nghề của các phường ở kinh thành: “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm võng, gấm trừu và dù lọng...; phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt...; phường Đường Nhân (nay là phố Hàng Ngang) bán áo diệp y...”.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lập triều Nguyễn, lấy niên hiệu là Gia Long. Trong ba năm đầu, vua giữ cấp hành chính ở Thăng Long như thời Lê. Nhưng năm 1805, vua Gia Long đổi Thăng Long là Bắc Thành, đổi phủ Phụng Thiên thành Hoài Đức, đổi huyện Vĩnh Xương thành Vĩnh Thuận, Quảng Đức thành Thọ Xương, chia nhỏ 36 phường thành thôn, phường, trại, xã.

Giữa cấp phường, thôn, xã, trại có cấp trung gian với huyện gọi là tổng. 19 phường sản xuất hay bán một mặt hàng bị đổi thành thôn, ví dụ như phường Hàng Bài chuyên sản xuất bài lá đổi thành thôn Hàng Bài, phường Hàng Đàn chuyên bán đàn đổi thành thôn Hàng Đàn, tương tự là thôn Hàng Cháo, Hàng Bột...

Năm 1831, vua Minh Mạng cải cách hành chính, sáp nhập nhiều phủ huyện vào Bắc Thành và lập tỉnh Hà Nội. Chính quyền phong kiến tiếp tục chia nhỏ phường, thôn trại, xã từ thời Gia Long. Đến đầu triều vua Tự Đức mới xuất hiện phố. Phố nằm trong phường, đứng đầu phố là phố trưởng, chức này do dân bầu. Về các phố của Hà Nội thế kỷ XIX, sách “Đại Nam nhất thống chí” (ấn hành thời Tự Đức) chép: “Hà Nội là kinh đô xưa, nguyên trước có 36 phường phố, nay ở quanh phía Đông Nam tỉnh thành gồm 21 phố, nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng, nhân vật cũng phồn thịnh”.

Trong cuốn “Chuyến đi thăm Bắc Kỳ năm Ất Hợi - 1876”, Trương Vĩnh Ký kể ra 21 phố, gồm: Hàng Buồm, Quảng Đông (Hàng Ngang ngày nay), Hàng Mã, Hàng Mắm, Báo Thiên (có thể là Hàng Trống và Báo Khánh ngày nay), Phố Nam (Hàng Bè ngày nay), Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Giày Hia (Hàng Hành ngày nay), phố Mây Choại (Mã Mây ngày nay); Đồng Lạc, Thái Cực (phía nam Hàng Đào); Đông Hà (Hàng Chiếu), Phước Kiến (Lãn Ông), Hàng Muối, Đông Xuân, Thanh Hà, Hàng Gai, Hà Bao (có thể là Hàng Đẫy), Hàng Trà (Đinh Tiên Hoàng ngày nay) và Quảng Minh Đình phố (Cửa Nam ngày nay).

Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2, sau đó chiếm Hà Nội, họ gọi phố Quảng Đông là Rue des Cantonnais (phố người Quảng Đông). Trong nghị định do Công sứ Brière ký đăng công báo ngày 21-4-1890, công bố chính thức 71 phố cùng chiều dài, chiều rộng và vỉa hè các phố. Trong 71 phố có 38 phố bắt đầu bằng chữ "Hàng" và không còn phố Quảng Đông, phố này đổi thành Hàng Ngang.

Về cái tên Hàng Ngang, cuốn “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” (thực chất là gia sử dòng họ Nguyễn Đình sống ở phố Hàng Ngang) đã giải thích: “Người đổi bạc ở phố Hàng Bạc, sau đó muốn đến phố Hàng Buồm sẽ được chỉ: Qua ngã tư tới một “phố ngang” tới ngã tư lại rẽ phải là đến Hàng Buồm. Từ phố Ngang dần dà thành Hàng Ngang”. Có hai cuốn sách cũng giải thích như vậy và lời lẽ giải thích không thực sự thuyết phục.

Vậy tại sao người Pháp lại đổi Quảng Đông thành Hàng Ngang? Điều này xuất phát từ cổng phố. Cổng phố xuất hiện ở Hà Nội có lẽ từ thế kỷ XVII (hoặc XVIII) với mục đích ngăn cách giữa các phường. Điều 69 luật nhà Lê (đã sửa đổi thời Lê Trung hưng) quy định: “Về ban đêm (ở kinh thành), những thanh niên nam nữ thuộc các phường khác nhau khi đi qua cổng các thôn xóm để đến xem biểu diễn (chèo tuồng) mà không đốt đuốc thì sẽ bị xử phạt theo luật canh phòng ban đêm”.

Ở đầu những phố chính, người ta xây dựng cổng phố bằng gạch có thể đóng được, có chòi dùng làm trạm gác. Thậm chí có phố tới hai, ba cổng. Những phố Hoa kiều giàu có, cổng xây đồ sộ, lợp bằng 2 - 3 lớp ngói cuốn. Tên phố được viết trên đầu hồi bằng chữ Hán. Theo các tài liệu trong đó có ảnh, cổng phố Quảng Đông lớn nhất Hà Nội. Bác sĩ Hocquard của quân đội Pháp từng đi khắp phố Hà Nội năm 1883, về cổng phố Quảng Đông, Hocquard mô tả trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”: “Nó được xây chắn ngang qua phố”, “Có lỗ châu mai như một bức tường thành. Cổng đó vô cùng chắc chắn, và người ta đã cho bố trí ở bên trên, phía trong cổng một lầu canh nhỏ để cho người đứng gác... Khi thành phố có loạn lạc... cổng đó đóng suốt ngày đêm”.

Năm 1886, các cổng phố bị phá, có người cho rằng, một viên quan Pháp đi xe kéo tay qua cổng, vì chật chội nên xe bị đổ, bực tức ông ta đã ra lệnh phá cổng. Thực ra không phải như vậy, trước đó chính quyền thành phố có chủ trương cải tạo lại khu vực phố cổ. Có lẽ vì cổng quá lớn, chắn ngang phố nên chính quyền đã đặt tên phố là Hàng Ngang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao có tên phố “Hàng Ngang”?