Tản mạn tên phố ở Thủ đô
Từ thời vua Tự Đức, tên các đường, phố được đặt dựa trên đặc điểm làng nghề thủ công, như Hàng Vải, Hàng Đường, Hàng Nón, Hàng Da, Hàng Bạc…
Thời kỳ Pháp thuộc, Thống sứ người Pháp đã ra quy định về việc đặt tên phố theo kiểu Tây phương, nhưng vẫn giữ các phố có chữ Hàng, bổ sung thêm các phố mới mang tên các danh nhân người Pháp, các vị vua và danh nhân lịch sử, văn hóa người Việt Nam.
Sau cách mạng Tháng Tám, thành phố Hà Nội đã có những cải cách về tên phố, thay tên người Pháp bằng tên các danh nhân của Việt Nam.
Thành phố Hà Nội hiện đã được mở rộng, các tuyến giao thông tăng lên, dĩ nhiên tên đường, phố cũng tăng lên nhiều lần. Trong mấy năm gần đây, các biển tên phố đã được sơn viết tương đối chuẩn mực; màu sắc, phông chữ, khuôn chữ mang tính thống nhất. Tuy vậy, ở rất nhiều phố, biển tên phố vẫn được đóng, được treo, được cắm không ngay ngắn; nơi treo thấp, nơi treo cao, không chọn được vị trí tối ưu nhất để người đi đường dễ quan sát. Lại có nhiều nơi do biển không được gắn chắc chắn, nên bị xô lệch phản thẩm mỹ, thiếu sự nghiêm túc.
Đến một số nước, chúng tôi thấy được là đầu mỗi phố, dưới biển tên phố, người ta đều tóm lược vắn tắt như một bản lý lịch trích ngang, thường có 3 hoặc 4 dòng: Danh nhân A, năm sinh, năm mất, công trạng, phố được khánh thành năm nào. Phía dưới đều có một mũi tên 1-50… có nghĩa là phố kéo dài từ nhà số 1 đến nhà số 50.
Đây là điểm rất hay, vì ở Thủ đô ta rất ít khu vực làm được điều này, do đó nhiều người sống bao năm mà không biết được người được đặt tên phố là ai.
Cái hay thì chúng ta nên học và làm theo.