Vui buồn chuyện nhà tập thể cũ

Hà Phong| 31/07/2022 07:09

(HNMCT) - Có lẽ, hạnh phúc lớn nhất của đời tôi là ngày tôi được phân căn hộ tập thể trong nội thành Hà Nội. Vậy là tôi đã có nhà riêng, thoát cảnh “ăn đậu ở nhờ”, “cơm niêu nước lọ”. Chuyện sinh hoạt ăn ở tại các nhà tập thể thời bao cấp cũng lắm chuyện dở khóc dở cười nhưng thật cảm động, khó quên.

Một căn hộ tập thể thời bao cấp.

Sinh hoạt cá nhân theo thời gian biểu 

Tốt nghiệp đại học, tôi đi bộ đội, rồi chuyển ngành về một cơ quan ở Hà Nội và cưới vợ. Bà chị họ tôi nhà ở phố cổ chật chội nhưng thương tình cho vợ chồng tôi ở nhờ trên gác xép. Những năm 80 của thế kỷ trước, có được một chỗ ở tại Thủ đô là một diễm phúc lớn dù đó chỉ là căn gác xép hay góc gầm cầu thang.

Năm 1990, tôi được cơ quan trao quyết định phân nhà, đây là đợt cuối cùng, sau đó thực hiện theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Anh bạn đồng ngũ nắm chặt tay tôi: “Chúc mừng ông! Tậu xe, cưới vợ, làm nhà... Ba việc lớn của đàn ông đều đã hoàn thành”. Thời đó được phân nhà ở tựa như trúng xổ số độc đắc. Vợ tôi reo lên: “Về nhà mới em sẽ tắm 4 lần một ngày cho bõ cái thời ở nhờ”. Tôi được phân một căn hộ trên tầng 4 khu tập thể Kim Liên.

Khu này xây dựng từ những năm 1960, thiết kế cũ rất bất tiện. Việc ăn, ngủ, tiếp khách gói gọn trong diện tích tầm 20m2. Bốn hộ gia đình chung diện tích phụ (bể nước, bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm, hành lang). Kế hoạch “tắm 4 lần một ngày” của vợ tôi thất bại vì hầu như cửa buồng tắm đóng suốt buổi tối, chưa kể có lần chuẩn bị tắm thì hết nước (bể nước cạn vì dùng nhiều). Vợ chồng tôi phải lên thời gian biểu cho việc tắm táp, vệ sinh.

Bếp dùng chung nên nấu ăn cũng phức tạp. Gọi là bếp cho oai chứ chỉ là một tấm bê tông bắc ngang. Chiều về các hộ “nổi lửa” bếp dầu, bày la liệt nồi niêu xoong chảo, rau... Có người còn gác cả xe đạp chắn ngang khu bếp. Niềm vui có nhà riêng của vợ chồng tôi vừa nhen lên bỗng vụt tắt.

Việc gửi xe máy ở tầng 1 cũng nhiều phiền phức. Vợ tôi thường xuyên đi làm muộn vì chủ nhà (nơi vợ tôi gửi xe) đi tập thể dục ở công viên và thường về trễ. Có người ở trên tầng phải gửi xe máy cách nhà hàng cây số vì trong khu hết nơi nhận trông giữ. Chật chội, bất tiện là vậy nhưng cả 4 hộ chúng tôi đều ý tứ nhường nhịn nhau, chấp nhận khó khăn, bỏ qua những khó chịu nhỏ nhặt thường ngày. Cửa phòng 4 hộ luôn mở, giao lưu trao đổi thân thiện và sẵn sàng giúp nhau.

Chừng ba tháng sau, 4 hộ chúng tôi họp thống nhất ngăn chia diện tích phụ, mỗi nhà một ô hình ống riêng rẽ, tiện nấu nướng, vệ sinh hằng ngày.

Vui buồn chuyện phân nhà tập thể cũ

Thời “tem phiếu”, hầu hết nhà tập thể cũ được quản lý theo chế độ “nhà tự quản”. Bộ, ngành tự xây, tự phân phối và quản lý. Anh bạn tôi mới vào cơ quan 3 năm nhưng được phân căn hộ 21m2. Có ông công tác gần 20 năm chỉ được phân căn hộ độc thân vẻn vẹn 10m2 bởi theo quy chế, gia đình nào đông khẩu thì được nhà diện tích rộng. Vì vậy, mặc dù công tác lâu năm nhưng trong hộ khẩu nhõn tên ông, vợ con từ quê lên thành phố đã lâu nhưng chưa nhập được hộ tịch.

Lại có hai vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn vì “không hợp nhau”. Mấy tháng sau, cả hai vợ chồng đều được hai bên cơ quan phân nhà. Hai vợ chồng lại kéo nhau ra tòa xin tái hôn. “Quái chiêu” này nghe cứ như đùa vậy. Cũng có trường hợp cho em họ, cháu họ nhập hộ khẩu (dù thực tế không sống cùng nhà) để tăng thêm nhân khẩu - có lợi khi xem xét phân nhà.

Quy chế phân nhà ở cho cán bộ, nhân viên có những điều khoản rất cụ thể, như: Thâm niên công tác, đã kinh qua quân đội, hộ gia đình hay độc thân, thành tích đóng góp... để tính điểm khi xét phân nhà. Nhưng cũng không tránh khỏi việc khiếu nại lùm xùm sau mỗi đợt phân phối nhà ở.

Chế độ “nhà tự quản” cũng có cái thuận lợi vì nhà trên nhà dưới, nhà bên cạnh đều là cán bộ, công chức trong cùng một cơ quan bộ, ngành, nên việc chấp hành nội quy nghiêm túc, tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau dường như được phát huy, đề cao hơn. 

Những năm sau Đổi mới, Hà Nội mọc lên nhiều chung cư cao tới vài chục tầng với thiết kế hiện đại, căn hộ khép kín, thuận tiện cho người dùng. Có thang máy, thiết bị nội thất thông minh, có hầm để xe và cửa xả rác tự động... Nhưng dường như nhà nào biết nhà nấy, “khép kín” luôn việc giao lưu, giúp đỡ nhau.

Trong ký ức của lớp người từng sống qua thời bao cấp, chuyện nhà tập thể cũ là kỷ niệm không thể phai mờ, nhắc nhớ một thời gian khó nhưng nhẫn nại chịu đựng, đoàn kết thân thiện, vượt qua những điều nhỏ nhặt hằng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vui buồn chuyện nhà tập thể cũ