Hà Nội văn

Xóm nhà nổi

Truyện ngắn của Ngô Nữ Thùy Linh 01/10/2023 - 06:47

Con Báu ngồi trước cửa nhà, ôm đứa em ngủ ngon lành trong vòng tay. Nó đưa mắt nhìn quanh. Má nó đang lụi cụi đan mớ giỏ lục bình, đặng mang lên hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp giao cho người ta. Nó thẽ thọt hỏi:

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng.

- Má ơi chiều nay mình ăn cơm với gì?

Má nhìn nó, ánh mắt đầy khó chịu:

- Ăn cơm với cá kho chứ ăn gì! Không thấy mấy bữa nay mưa, cá chết nổi trắng sông à? Trên bè dưới bè, cá lũ lượt, không ăn cá thì ăn gì, chắc đi ăn xin quá!

Tiếng má đanh đót, rít từng chữ qua kẽ răng làm Báu lạnh sống lưng. Nó chẳng dám hỏi thêm gì nữa, tiếp tục ôm cho thằng bé ngủ sâu một chút rồi đặt em xuống chiếc võng, chuẩn bị nấu bữa cơm chiều cho cả nhà. Giờ này ba và thằng Tý đang vật lộn mé trên bờ, phụ mấy chú mấy bác đưa cá lên. Má oải, từ hôm qua đến nay khóc không thành tiếng vì lũ cá ngộp nước chết hết dưới bè. Sợ má lên mé bờ lại ngả nghiêng không vớt được cá nên hôm nay ba cho nghỉ ở nhà đan giỏ. Thằng Tít và thằng Mít kéo chiếc xuồng nhỏ ra dọc sông, vừa câu cá bán kiếm tiền đong gạo vừa cố gắng nhặt nhạnh mớ lon cũ, mấy thứ lặt vặt có thế bán ve chai để gom dần, mang lên vựa bán một lần.

***

Nhà đông người, sáu bảy miệng ăn nên lúc nào cũng trong tình trạng đói. Mỗi ngày thức dậy trên ngôi nhà dập dềnh sóng nước, nhìn về phía ngôi trường trước mặt lòng Báu không khỏi xao xuyến. Nó muốn được cắp sách tới trường, được cùng lũ bạn tung tăng trên những con đường quê, ngày hai buổi, một buổi trông em, một buổi ê a đọc bài, được mặc trên mình bộ quần áo mới tinh tươm, được hít hà mùi sách giáo khoa mới. Chao ơi là sung sướng. Nhưng giấc mơ ấy chỉ đến với nó được hai năm, khi má nó chưa đẻ sòn sòn một năm một đứa em cho nó trông. Hết đứa này biết đi chập chững thì lại tới đứa kia tòi ra. Nó bồng em riết muốn trẹo cái lưng, chai hết cả hai bên sườn. Vậy mà không thấy má ngưng đẻ em. Hôm vừa rồi nó thấy cô cán bộ phụ nữ xã xuống nhà tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, về các biện pháp phòng tránh thai. Nó ngồi im thin thít, trong bụng nghĩ: “Ôi mấy cái chuyện dễ ẹc, sao ba má không làm nổi ta?”.

Đợi khi cô cán bộ phụ nữ về, nó ghé tai mấy thằng em bảo: “Mai mốt tụi bây ngủ muộn muộn thôi, cứ quanh quẩn bên nhà, chơi cho chán rồi mới ngủ. Rồi tao canh lúc nào ba má đi làm cá, tao chèo ghe đến trạm y tế, vô đó xin mấy cái người ta gọi là bao cao su về cho ba xài cho đỡ phải đẻ em nữa”.

Mấy thằng em ngơ ngác, chúng cũng chẳng biết bao cao su là cái gì. Thậm chí khi con Báu nghe cô cán bộ phụ nữ nói phương pháp tránh thai là bao cao su thì nó chỉ nghĩ đến việc đi xin về cho ba, vì nghe đâu mấy cái đó được phát miễn phí, không tốn tiền. Nhưng nó chưa có cơ hội chèo ghe lên bờ thì cơn mưa đầu mùa ập đến. Dào cá nhỏ gia đình nuôi cũng không thoát cảnh nước từ đập thủy điện xối xả tràn về. Những con cá diêu hồng, cá lăng chết tức tưởi. Lại trở về khung cảnh của năm năm về trước. Năm năm, gia đình nó chưa kiếm đủ tiền trả nợ ngân hàng. Đến năm nay lại như vậy, khiến ba má xất bất xang bang. Nó thấy ba gầy rộc đi, đôi mắt trũng sâu, ngày nào cũng ì oạp dưới sông. Thương ba thương má, nhưng nó còn quá nhỏ để có thể gánh vác một phần kinh tế cho gia đình. Hôm trước nó thủ thỉ với má:

- Hay là má cho con lên thành phố, đi ở đợ cho nhà người ta. Một tháng con cũng kiếm được ít tiền, gửi về phụ ba má nuôi mấy em.

Má nghe nó nói, thấy thương con vô cùng. Nhà đông con nhưng mỗi mình nó là gái. Ngày sinh nó hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng, vì lấy nhau mấy năm, đến năm thứ ba Báu mới chào đời. Mừng quá nên mới đặt tên nó là Báu. Có ai dè mấy năm sau má nó sinh sòn sòn, thằng Tý, thằng Tít, thằng Mít và cuối cùng là thằng Mót lần lượt ra đời. Giờ nhà đông nhóc, quây bên nhau giữa con sông dập dềnh. Đã vài lần chính quyền địa phương vận động gia đình lên bờ định cư, Nhà nước sẽ hỗ trợ về đất đai, cho lũ nhỏ đi học đàng hoàng... Nhưng con người ở xóm bè quen sống lênh đênh trên sông nên mới lên bờ được vài hôm thôi lại lục tục đòi xuống. Mấy người hàng xóm cũng bảo: “Sống riết dưới sông quen rồi, lên bờ thấy nó cứ sao sao”.

Lũ trẻ xóm bè như Báu lớn lên cùng sông nước. Một hai tuổi đã được ba mẹ thả ùm xuống sông, lớn lên tự bơi, tự lặn ngụp. Chúng chèo thuyền, bơi lội như những con rái cá. Ấy vậy mà nói tới chuyện học chữ, nhiều đứa lắc đầu quầy quậy. Đứa bảo ba mẹ không cho đi học vì nhà không có tiền. Đứa lại bảo phải ở nhà trông em nên ba má không cho đi. Đợt rồi có đoàn từ thiện từ thành phố về cho những lốc sữa, bánh và tập vở đi học, căn dặn lũ trẻ phải tới trường. Chúng đứng trên những ngôi nhà nổi, e thẹn, ngập ngừng. Nhìn vào phía trong nhà, thấy ánh mắt sắc lẹm của ba má, lại rụt cổ nhận quà xong rồi đi vào.

***

Ý định lên bờ xin bao cao su cho ba không thành. Vì hôm đó ba nó trở về, bao mệt mỏi uất hận trút lên đầu má với mấy đứa con nhỏ. Ba dùng ánh mắt dữ tợn của một người say, kêu trời, gào đất. Bao năm mệt mỏi nuôi cá, làm bè, đến bây giờ vẫn tay trắng và mang thêm một cục nợ. Cục nợ không hao đi mà ngày càng to thêm. Ba quẫn chí, đi liệng khiệng trong ngôi nhà chật hẹp, miệng không ngừng chửi bới. Má ngồi nép ở góc bếp, lũ nhỏ co ro trong góc ngủ chật hẹp, sợ hãi đến tột cùng. Báu nhìn ba đầy sợ sệt. Nó nhích từng bước chân, đi ra phía sau làm cho ba một ly nước chanh. Đợi ba dịu lại nó mới thẽ thọt:

- Ba ơi, hay từ mai, ba cho con lên bờ, đi giúp việc cho người ta, phụ ba má kiếm tiền nuôi em. Gần tới năm học mới rồi, mà mấy đứa chưa có sách vở tới trường, con sợ tụi nó...

Ba nhìn Báu, ánh mắt giận giữ trùng xuống:

- Rồi con tính làm giúp việc cho người ta đến bao giờ? Một đứa nhóc như con liệu có làm nổi công việc nhà, hay được vài hôm người ta lại mắng chửi, đuổi trả về.

Má ngân ngấn nước mắt:

- Đúng rồi, con còn bé thế kia, ra đời ngả nghiêng, ba má biết đâu mà đùm bọc.

Báu òa khóc nức nở:

- Nhưng con thương ba má, thương các em, con không muốn chúng nó phải bỏ học giống như con vầy đâu. Mai mốt khổ lắm...

Trong ngôi nhà nổi, ánh đèn hiu hắt soi rõ những khuôn mặt vàng vọt, xanh xao. Những người dân bè cá đang hưởng một chút gió mát lành từ thiên nhiên. Mấy ngày nay có lẽ ai cũng đã mệt nhoài vì bỏ công sức vớt cá. Báu chạy ra bụi cây rau quế thơm ngồi bưng mặt khóc. Ba má nó nhìn nhau, nghẹn ngào không dám nói. Ai cũng hiểu con bé đã chịu đựng bao vất vả cùng ba má nuôi các em khôn lớn. Mùa thu đã rải nắng trên mái tôn ố vàng, nó cũng như bao đứa trẻ khác, khao khát được cắp sách tung tăng cùng bạn bè trang lứa.

Ba khẽ nói với má:

- Ngày mai vớt hết cá chết rồi, tui lên bờ vào trạm y tế nhé. Chuyện con Báu, từ từ tui sắp xếp. Chắc tựu trường tụi nó phải đi học.

Má nhìn ba, ánh mắt đầy ngạc nhiên. Báu ngưng không khóc nữa, chợt nghe tim mình rộn ràng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóm nhà nổi