Bảo vệ và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long: ''Thổi hồn'' cho di sản

Bảo Khánh Nguồn: ghi| 17/09/2022 18:25

(HNMCT) - Những thành tựu trong công tác nghiên cứu khảo cổ suốt 20 năm qua đã góp phần nhận diện di sản Hoàng thành Thăng Long qua 13 thế kỷ tồn tại và phát triển liên tục, với những bằng chứng khoa học hiện tồn là những di tích, dấu tích, cấu kiện, di vật và nhiều tài liệu quý giá. Tuy nhiên, di sản sẽ chỉ trở nên có hồn hơn cũng như được bảo tồn và phát triển bền vững nếu chúng ta biết cách khai thác, khôi phục và lồng ghép giá trị văn hóa phi vật thể từng tồn tại, gắn bó với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đó là quan điểm của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu mà Hànộimới Cuối tuần ghi lại dưới đây.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội:
Cần khôi phục Lễ hội đèn Quảng Chiếu

Cùng với khảo cổ học, vấn đề phục dựng di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới Hoàng thành Thăng Long là có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu không, các công trình vật chất tại đây trở nên vô hồn, khó có thể thu hút khách để phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay. Lễ hội đèn Quảng Chiếu là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của Hoàng thành, là lễ hội có từ lâu đời nhưng chỉ được ghi chép một cách sơ sài trên tấm bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng năm 1121 tại chùa Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) và ghi chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư" như một sự kiện quan trọng. Vì thế, việc phục dựng lễ hội này gặp khá nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, lễ hội này thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia nghiên cứu, hầu hết đều khẳng định rằng cần dựng lại lễ hội này vì nó có ý nghĩa lịch sử, văn hóa phù hợp với đời sống đương đại. Ở khía cạnh khai thác phục vụ phát triển du lịch, lễ hội này sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Bài học từ Đà Nẵng có thể cho ta nhiều kinh nghiệm bổ ích. Thực tế là, Đà Nẵng không có lễ hội ánh sáng truyền thống nhưng nhiều năm qua, họ đã tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế và lễ hội ánh sáng hiện đại. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa là quan trọng bậc nhất với Thăng Long - Hà Nội, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự sáng tạo cần thiết trong thời đại 4.0. Việc phục dựng hay tái hiện Lễ hội đèn Quảng Chiếu sẽ mang lại hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho Hoàng thành Thăng Long.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:
Tạo nên sức sống cho di sản

Để di sản Hoàng thành Thăng Long có sức sống và thực sự đi vào cuộc sống, trước hết, cần giúp cộng đồng tìm hiểu các giá trị văn hóa phi vật thể bên cạnh các giá trị vật thể của Hoàng thành Thăng Long. Muốn vậy, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về di sản văn hóa phi vật thể bằng cách tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến của các nhà khoa học nhằm trả lời cho câu hỏi: Di sản văn hóa phi vật thể của Hoàng thành Thăng Long là gì? Đó là những giá trị phi vật thể ẩn chứa trong các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, ở các dấu tích đã và đang được khai quật. Cần chỉ ra cụ thể là những giá trị này sẽ được sáng tạo thành những giá trị đương đại như thế nào theo đúng thông điệp mà UNESCO kêu gọi.

Thứ hai, giá trị ấy nằm ở đâu trong đời sống hiện đại hôm nay và nằm ở đâu trong 1.793 di sản văn hóa phi vật thể mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kiểm kê? Chúng ta cần nghiên cứu về cuộc sống, phong tục tập quán của người xưa để tìm ra giá trị cốt lõi đã được nối tiếp đến ngày nay như thế nào. Từ đó, gắn giá trị vật thể và phi vật thể vào với nhau để hiểu rõ hơn về di sản.

Hoàng thành Thăng Long cần được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn và phải là điểm mở ra những câu chuyện mới của xã hội đương đại. Nó không phải là di tích “đóng băng”, mà cần có yếu tố phi vật thể hòa nhập vào để tạo nên sức sống cho di sản. Để giải quyết được câu chuyện này, cần dựa vào Công ước năm 2005 với khuyến nghị phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên giá trị văn hóa của các quốc gia. Với Hà Nội, phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo đều phải dựa trên di sản văn hóa.

Vấn đề cuối cùng là giáo dục di sản. Hoàng thành Thăng Long nên học kinh nghiệm của Hội An trong việc đưa di sản vào nhà trường, trong các giáo trình một cách bài bản và giáo viên phải sử dụng di sản để dạy học. Hoạt động giáo dục di sản ở Hoàng thành Thăng Long muốn tốt thì phải đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội được học tập, hội nhập và sáng tạo, từ đó tạo ra các sản phẩm thu hút du khách, đặc biệt là đối tượng trẻ em và học sinh.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Yến, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội:
Nghiên cứu và thể nghiệm văn hóa phi vật thể cung đình Thăng Long

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là mục tiêu hàng đầu mà Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đặt ra kể từ khi được thành lập. Cho đến nay, Trung tâm đã không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Hoàng thành Thăng Long và bước đầu đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, văn hóa phi vật thể cung đình được xem là cơ sở làm sống lại và tỏa sáng di sản. Văn hóa phi vật thể cung đình vô cùng phong phú, bao gồm các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn... được kết tinh lại thành tinh hoa văn hóa của dân tộc. 

Nhiều năm qua, Trung tâm đã mạnh dạn ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào công tác thuyết minh, trưng bày, diễn giải... Đặc biệt là từng bước thể nghiệm tái hiện các nghi lễ cung đình dưới hình thức sân khấu hóa để phục vụ du khách cũng như góp phần bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả giá trị văn hóa hơn một ngàn năm của Thăng Long đã lắng đọng trong không gian linh thiêng này. 

Hiện nay, các tài liệu ghi chép cụ thể về các lễ tiết trong cung đình Thăng Long được tìm thấy sớm nhất vào thời Trần. Đến thời Lê được ghi thành điển lệ. Hệ thống lễ tiết cung đình bao gồm một chuỗi nghi lễ diễn ra nối tiếp nhau trong năm như: Lễ tiết Đoan Ngọ, Lễ tiết Nguyên đán, Lễ cúng Táo quân, Lễ Tiến lịch, Lễ Tiến xuân ngưu, Lễ Thướng tiêu (trồng cây nêu) và Khai hạ (hạ nêu).

Trong các trò chơi cung đình có tung cầu, vật cầu, đấu vật, cờ vây, cờ tướng, sư bồ, đấu hổ và voi. Các trò chơi liên quan đến hí kịch có Xuân Đài, Tàng câu... Các trò chơi, trò diễn đã làm cho đời sống hoàng cung trở nên sôi động và nhiều màu sắc hơn. Nó vượt ra khỏi sự uy nghiêm, khuôn mẫu của cung cấm. Vì lẽ đó, trò chơi, trò diễn cung đình đã trở thành một mảng văn hóa phi vật thể quý hiếm của Thăng Long - Hà Nội. Hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tiến hành trưng bày các kết quả nghiên cứu dưới hình thức diễn giải sinh động, gần gũi để du khách có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Trong những năm tới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tích cực nghiên cứu, từng bước phục hồi các nghi lễ, lễ hội cung đình tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long để di sản ngày càng trở nên hấp dẫn và độc đáo, phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long: ''Thổi hồn'' cho di sản