Bố tôi và bệnh Alzheimer - Truyện ngắn của Nodirabegim Ibrokhimova (Uzbekistan)

27/11/2021 14:36

(HNMCT) - Alois Alzheimer là cha đẻ của khoa thần kinh. Ông chuyên nghiên cứu các bệnh lý về thần kinh và đã phát hiện ra chứng mất trí nhớ trước tuổi già. Chính vì thế, căn bệnh này đã được mang tên ông. Ông qua đời do suy tim khi bước sang tuổi năm mốt. Nếu sống thọ hơn thì có lẽ Alzheimer đã có thể tìm ra cách chữa trị căn bệnh này, và tôi đã không bị rơi vào vực thẳm tuyệt vọng.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Không phải vì tôi mắc căn bệnh này, mà nếu có thì tôi cũng chẳng nhận thức được điều đó. Những người mắc bệnh Alzheimer không thể viết lại những gì đã xảy ra. Họ không thể nhớ được sáng nay họ đã ăn gì thì làm sao có thể ghi lại được những kỷ niệm của ngày xưa? Đau đớn thay, tôi lại không thể hiểu được họ nghĩ gì hay cảm thấy thế nào.

Lần đầu tiên tôi nghe thấy tên căn bệnh này từ vị bác sĩ khám bệnh cho bố tôi. Sau khi nghe ông giải thích cặn kẽ, tôi chợt nhận ra rằng ông đã mô tả đúng những gì đang xảy ra với bố mình. Chẳng hạn như bố cứ bắt tôi tìm cho ông cặp kính bị mất, trong khi ông luôn để chúng trên nóc tủ sách. Rồi bố bắt đầu phàn nàn rằng ông bị người khác cướp mất việc làm, tôi cứ tưởng ông nói về chỗ làm hiện tại, nhưng rồi tôi kinh ngạc nhận ra là ông đang nói về chỗ làm cũ mà ông đã nghỉ việc từ 7 năm trước. Trong khi đó, ông hoàn toàn chẳng nhớ gì về chỗ làm hiện tại của mình. Nghĩ rằng bố có tuổi rồi nên hơi lẩm cẩm và đãng trí, mẹ tôi bắt đầu cho ông ăn quả óc chó để giúp ông cải thiện trí nhớ.

Nhưng rồi những sự việc tương tự xảy ra ngày càng nhiều làm cả nhà tôi lo lắng. Bố phải xin thôi việc và quanh quẩn ở nhà. Mẹ và tôi nghĩ rằng bố bị căng thẳng và mệt mỏi nên quyết định đưa bố vào viện điều dưỡng. Bỗng nhiên một hôm, viện điều dưỡng gọi tới, báo là bố tôi đã biến mất. Sau khi đôn đáo tìm ngược tìm xuôi thì chúng tôi tìm thấy bố trong căn nhà cũ thuở ấu thơ ở quê. Cậu em họ kể lại, ông không hề nhận ra cậu ấy mà chỉ liên tục đòi gặp ông, bà đã mất từ lâu. Cậu giải thích cho ông, nhưng ông không chịu nghe mà cứ khăng khăng đòi gặp và còn cáu ầm lên.

Sau khi đón bố từ quê ra, tôi phải thuyết phục mãi ông mới chịu đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa thần kinh giỏi nhất thành phố. Hết xét nghiệm, chiếu chụp rồi kiểm tra tổng quát, phân tích..., cuối cùng bố tôi được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, và đây cũng là lần đầu tiên tôi biết đến căn bệnh này. Tôi hỏi han mọi nơi, nhờ vả bao nhiêu bác sĩ, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận sự thật tàn nhẫn. Vô phương cứu chữa...

Hai mẹ con bảo nhau giữ bố ở nhà để chăm sóc dù mọi người khuyên đưa ông vào bệnh viện. Cả ngày tôi quay cuồng với công việc nên mẹ là người phải chịu đựng nhiều nhất khi chăm sóc bố. Tôi cũng chẳng còn thời gian dành cho bạn trai mình, và thế là chúng tôi bắt đầu cãi nhau. Yêu nhau đã lâu, trải qua bao sóng gió, cứ tưởng là đã thấu hiểu nhau nhưng anh ngày càng tỏ ra khó chịu khi tôi phải chăm sóc bố những lúc ông nhớ nhớ quên quên. Anh tỏ ra thiếu thông cảm với hoàn cảnh mới của gia đình tôi, cho đến khi mẹ anh gọi bố tôi là “kẻ điên” thì tôi biết là chẳng thể cứu vãn nổi mối quan hệ này. Bệnh Alzheimer đã đảo lộn mọi thứ, cuộc sống của chúng tôi không thể quay trở về như cũ được nữa.

Mẹ không thể có một giấc ngủ ngon. Tôi cũng vậy.

Những lúc như thế này, tôi mới thấm thía sự thiệt thòi khi không có anh trai. Ít ra thì cũng có một người mạnh mẽ để mẹ và tôi dựa vào, bấu víu khi đau khổ và tuyệt vọng. Bố thì chẳng nhớ được mình có con trai hay con gái. Tình trạng của bố ngày càng tệ. Cho đến một ngày ông chẳng còn nhận ra tôi nữa. Tôi gọi “Bố ơi” mấy lần, nhưng ông ngạc nhiên nhìn tôi, rồi đưa mắt ngầm hỏi mẹ xem có đúng không. Bà gật đầu, ông mới miễn cưỡng gật theo...

Một ngày nọ, bố bảo với tôi: “Tôi muốn ra ngoài đi dạo một chút”. Nhưng ông không muốn tôi đi theo. Thế là tôi đành lén theo ông. Ông đi vô định trong công viên một lúc rồi quay về. Nhưng loanh quanh mãi mà vẫn không tìm được đường về. Cuối cùng, tôi đành phải nắm tay, dắt ông về nhà.

***

Giờ thì bố tôi cũng chuyển đến cơ sở điều trị được một thời gian rồi. Ngày nào đi làm về tôi cũng đến thăm ông. Hơn một năm nay, ông chẳng còn nhận ra tôi nữa. Ấy thế mà ông vẫn chuyện trò rôm rả với mọi người, và thường ông chỉ kể về mẹ. “Này, hôm nay bà nhà tôi đến thăm tôi đấy. Mọi người không biết đâu, bà ấy chu đáo lắm” - ông khẽ cười rồi nói tiếp: “Bà ấy còn mang cả bánh nho khô đến nữa. Bà ấy biết tôi thích ăn món đó mà. Rồi tôi với bà ấy lại vừa ăn bánh, vừa nhâm nhi trà chiều”. Tôi lấy ra hộp bánh nho: “Con mang bánh nho khô đến đây. Bố ăn mà xem. Ngon lắm”. “Thôi, thôi, tôi không ăn đâu. Chị mang về cho các cháu ở nhà”. Tôi cười đau khổ, giá mà tôi có con. Tôi luôn kiên nhẫn tìm mọi cách để bố nhận ra mình và nuôi hy vọng rằng cuối cùng thì ông cũng sẽ nhớ ra tôi chứ. Nhưng vô vọng. Tôi đành chấp nhận vậy, miễn là ở đấy bố cảm thấy ổn.

Tôi trở về nhà, mệt mỏi rã rời. Căn phòng trống rỗng như đổ sập xuống, đè nặng lên người tôi. Tôi vùi đầu vào đọc sách để quên đi sự bức bối, phiền muộn trong lòng. Rời khỏi thế giới thực tại tuyệt vọng, tôi đắm mình vào từng trang sách, sống một cuộc sống tốt đẹp hơn cùng với những nhân vật tưởng tượng. Điều đó cũng giúp tôi bình tâm lại trong chốc lát. Nhưng sự ám ảnh của căn bệnh Alzheimer vẫn hiện hữu và khiến tôi luôn thu mình lại.

Tôi đi làm từ sáng sớm. Tan làm, tôi lại ghé thăm bố. Và bố, như mọi khi, vẫn không chịu ăn đồ tôi mang đến, và ngồi kể hàng giờ không dứt những câu chuyện về mẹ tôi. Ông kể bà nấu ăn ngon như thế nào, bà làm bếp khéo ra sao. Ông chẳng hề quên một chi tiết nào về bà. Có lần ông còn kể cho tôi nghe về lần đầu ông bà gặp nhau. Rồi ông bật khóc. Tôi lặng lẽ ôm lấy ông, tim tôi thắt lại.

Mẹ tôi, đã mất được một năm rồi.

Chưa bao giờ tôi nói với bố về cái chết của mẹ, mặc dù hồi đó bố vẫn đang sống ở nhà. Một hôm tôi đi làm về muộn, mẹ nằm trên sàn, bất động, còn bố thì vẫn bình thản đọc báo, không hề hay biết về sự việc xảy ra. Các bác sĩ thông báo mẹ đã tử vong, trong khi bố đứng yên, lặng lẽ theo dõi mọi việc. Sau đó người ta đưa bố đi đến bệnh viện tâm thần. Tôi nhớ rằng, thời gian gần đây bố bắt đầu nói chuyện với chính mình và đuổi bắt những cái bóng, điều này khiến bố trở nên căng thẳng hơn, thậm chí dễ cáu bẳn. Tôi luôn tin rằng bố sẽ chẳng thể nào quên được mẹ, nhưng trên cổ mẹ hằn rõ các vết siết...

Tuy nhiên, tôi vẫn đến thăm bố mỗi ngày. Tại bệnh viện tâm thần này, không có nhiều người như bố, chỉ có bố và bệnh Alzheimer đợi tôi mà thôi. Chỉ có bố là không biết về người bạn “vừa quen vừa lạ” của mình, chỉ có tôi là người luôn phải đối mặt và cảm nhận sự hiện diện của nó. Bố chẳng để ý đến tôi tẹo nào, vì vậy đôi khi tôi nghĩ rằng những buổi đi thăm của tôi dường như vô nghĩa, có lẽ tôi nên dừng lại. Nhưng hôm nay...

“Tôi muốn quên cái ngày hôm đó”, bố đột ngột nói. “Đừng đến đây nữa. Tôi chỉ muốn quên nó đi”. Nói rồi, bố đứng dậy khỏi ghế và đi về phòng, để lại tôi đứng ngây người, sững sờ và bối rối.

***

Tôi đồ rằng cuộc đời này là một chu kỳ không bao giờ kết thúc. Nó dường như vĩnh cửu và không có điểm cuối cùng. Tất cả chúng ta đều được định sẵn phải mắc kẹt trong các vấn đề của chính mình, phải gặm nhấm chúng chậm rãi và lặng lẽ. Tôi gần như không còn hy vọng để tiếp tục, nhưng một ngày nọ, tôi tình cờ gặp một người.

“Tôi là bác sĩ. Tôi đang nghiên cứu về bệnh Alzheimer”.

Những lời nói đó đã biến các cuộc nói chuyện đầy hoài nghi ban đầu của chúng tôi thành những buổi trò chuyện thân tình, gần gũi hơn. Tôi nói với anh ấy hàng giờ liền về mọi điều liên quan đến bố tôi. Cuối cùng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng như thể thoát khỏi ngọn núi đè nặng trĩu đôi vai. Anh đưa tay nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt tôi và nói: “Mẹ tôi đã mất vì chính căn bệnh này”.

Tôi nhận ra rằng bệnh Alzheimer cũng luôn đeo đẳng anh ấy, và thậm chí đã cướp đi người mẹ yêu quý của anh. Tôi cảm thấy thương cho anh, nhưng cũng hy vọng anh ấy là người có thể cứu rỗi tôi.

- Tôi không muốn mất bố - Tôi nhìn anh tuyệt vọng xen lẫn hy vọng.

- Tôi có thể vượt qua - Giọng anh ấm và đầy tin tưởng.

Hy vọng của tôi hồi sinh. Đó là lần đầu tiên tôi bước chân về nhà, hạnh phúc và phấn chấn. Tôi đi thẳng đến giá sách, để gặp gỡ những người "bạn thân" của mình. Tôi cầm trên tay một cuốn tiểu thuyết lãng mạn và bắt đầu đọc.

Bệnh Alzheimer vẫn đeo bám tôi, nhưng từ giờ trở đi nó chẳng thể nào cản trở tôi được nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bố tôi và bệnh Alzheimer - Truyện ngắn của Nodirabegim Ibrokhimova (Uzbekistan)