Cần sớm sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi

Kim Nhuệ| 16/03/2022 07:00

(HNM) - Thường Tín là một trong những huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều xã của huyện như: Hà Hồi, Khánh Hà, Hòa Bình… hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai.

Cụ thể, nhiều tuyến kênh làm bằng đất, chưa được kiên cố, có tiết diện nhỏ, đáy bị bồi lắng, cỏ mọc um tùm, gây tắc nghẽn dòng chảy. Nhiều đoạn bờ kênh bị sạt lở, thiếu cao trình, dễ bị tràn bờ khi vận hành trạm bơm tưới, tiêu... Ông Phạm Văn Chiến, nông dân xã Hà Hồi cho biết, tuyến kênh Kim Ngưu dài 1,3km làm nhiệm vụ dẫn nước tưới cho khoảng 20ha sản xuất nông nghiệp của xã đã bị hư hỏng từ lâu. Người dân ở đây rất mong các cấp, các ngành sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn.

Theo Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, trên địa bàn hiện có 1.289 tuyến kênh với tổng chiều dài gần 829km, 112 trạm bơm với 311 máy bơm các loại và hơn 900 cầu, cống, công trình trên kênh. Thực hiện quyết định phân cấp của thành phố, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy bàn giao lại cho huyện quản lý 76 trạm bơm tưới, tiêu, 1.026 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 525km và 824 cầu, cống trên kênh.

Tuy nhiên, phần lớn công trình tiếp nhận lại từ các doanh nghiệp thủy lợi thành phố bàn giao đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành, khai thác. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, nguyên nhân là do hệ thống thủy lợi trên địa bàn được xây dựng từ lâu, kết cấu chủ yếu bằng đất lại chịu tác động của nhiều trận mưa lớn, úng ngập kéo dài. Hơn nữa trong thời gian quản lý, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố chưa bố trí nguồn lực thích đáng để sửa chữa, nâng cấp, nhất là những công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng…

Sau khi kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, huyện Thường Tín dự toán cần khoảng 204 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi. Do khả năng cân đối nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên huyện gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình thủy lợi, đặc biệt là những công trình được UBND thành phố phân cấp, giao huyện quản lý.

Để bảo đảm nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết đã báo cáo các sở: Tài chính, NN&PTNT kiểm tra, đề xuất UBND thành phố Hà Nội quan tâm hỗ trợ số kinh phí nêu trên.

“Trong khi chờ UBND thành phố xem xét, huyện Thường Tín đã yêu cầu các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố trong điều tiết, bảo đảm đủ nước tưới dưỡng lúa xuân, phòng, chống úng ngập vụ mùa. Các xã, thị trấn huy động người dân nạo vét, sửa chữa các tuyến kênh mương bị hư hỏng, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất trong giai đoạn trước mắt...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi