Cánh đồng của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Tân (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên) những ngày này lúa nặng trĩu bông, hứa hẹn năng suất cao và đặc biệt không có bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Tân cho biết, bà con nơi đây áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) đã được 6 năm. Nhờ thực hiện đồng bộ các khâu trong quy trình canh tác lúa cải tiến, chọn bộ giống có sức chống chịu tốt, cấy theo SRI mạ non, thưa, rút nước trong một thời gian, chăm sóc từng giai đoạn, bón phân cân đối..., nên sâu bệnh hại trên đồng ruộng hầu như không còn.
"Trước kia, cứ đến kỳ sâu bệnh phát sinh là chúng tôi phải phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa tốn kém chi phí, nhân công - vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Nhiều năm nay, toàn Hợp tác xã không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thâm canh bằng phân hữu cơ, phân chuồng, phân lân... Theo đánh giá của Hợp tác xã, việc áp dụng SRI giúp xã viên giảm chi phí đầu vào 100.000-170.000 đồng/sào so với phương thức truyền thống", ông Chiến nói.
Tương tự, tại xã Phú Túc, hiện nay, trên địa bàn không có cửa hàng vật tư nông nghiệp nào bán thuốc bảo vệ thực vật vì nông dân không sử dụng. Bà Đặng Thị Lan, người dân xã Phú Túc chia sẻ, trên cây lúa, nông dân không dùng phân hóa học; còn đối với cây ăn quả, nếu phát hiện sâu bệnh lạ, nông dân liên hệ ngay với cán bộ bảo vệ thực vật để được hỗ trợ kỹ thuật theo hướng dẫn. Đến nay, đa số bà con dùng chế phẩm có sẵn tại địa phương như vôi bột, tỏi, ớt... và chủ yếu dùng phân bón hữu cơ tại chỗ nên cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh...
Lý giải việc nông dân ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, nông dân Phú Xuyên sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật bởi được tập huấn thường xuyên và được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức sản xuất.
"Ngay đầu vụ lúa, chúng tôi tổ chức họp, chỉ đạo Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện chọn bộ giống có sức chống chịu tốt, cấy theo phương thức SRI, mang lại hiệu quả cao trên thực tế... Đối với cây ăn quả, sau khi thu hoạch, chúng tôi vận động nông dân tiến hành vệ sinh, cắt cành, tỉa tán, bón phân cân đối, chủ yếu là phân hữu cơ hoai mục kết hợp vôi bột, phân lân; kiên quyết không lạm dụng phân hóa học. Còn về rau, nông dân được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ, sử dụng bẫy bả/bẫy dính để loại trừ các loại sâu gây hại... Với nhiều biện pháp kết hợp, nông dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên ngày càng lựa chọn các mô hình, biện pháp trồng trọt an toàn, theo hướng hữu cơ", Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định.