Chùa Sở Thượng

Quỳnh Ngọc| 10/04/2023 08:01

(HNMCT) - Chùa Sở Thượng (Hưng Phúc tự) tọa lạc tại làng cổ Sở Thượng nằm ở tả ngạn sông Hồng, nay thuộc phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Làng Sở Thượng được hình thành vào thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), khi xưa là vị trí hiểm yếu, án ngữ cung đường thủy phía Nam, bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Nằm trong quần thể cùng với đền Sở Thượng trên một khu đất rộng, ngôi chùa cổ có quy mô bề thế, khang trang này từng bị phá trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau này, chùa được nhân dân tu sửa và vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Tam quan chùa xây kiểu ngũ quan hai tầng, bố cục theo chiều dọc gồm hệ thống cột trụ biểu, mặt ngoài đề ba chữ Hán “Hưng Phúc tự”. Tầng dưới tam quan trổ ba cửa lớn kiểu vòm cuốn. Tầng trên xây kiểu bốn mái chồng diêm, mái lợp giả ngói ống. Chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao đắp hình rồng đuôi xoắn.

Qua cổng tam quan là sân vườn, nhà bia, nhà giải vũ, lầu Quan Âm và khu mộ tháp. Chùa chính có kết cấu kiểu chữ “đinh”, gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường gồm năm gian; mái hiên có kiến trúc kiểu tam quan chồng diêm, bốn mái lợp ngói ta, góc mái là các đầu đao đắp nổi hình rồng cách điệu. Giữa bờ nóc mái thượng đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, chính giữa đắp bức cuốn thư, hai bên đắp nổi bức tranh tích nhà Phật. Hai hồi là hai trụ biểu, trên đỉnh trụ đắp hình phượng cách điệu. Thượng điện gồm ba gian, nội thất bốn hàng chân. Các vì kèo đỡ mái kết cấu kiểu chồng rường, mái lợp ngói ta. Nền nhà lát gạch vuông.

Trong chùa Sở Thượng hiện còn lưu giữ hệ thống di vật mang giá trị tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc truyền thống, trong đó có 30 pho tượng tròn được tạo tác vào thế kỷ XVIII - XX. Tiêu biểu là tòa Cửu Long, tượng Thích Ca sơ sinh được tạo tác bằng chất liệu đồng vào năm Cảnh Thịnh (1797) và bộ tượng Tam thế Phật mang giá trị nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVIII).

Đặc biệt, trong chùa hiện còn lưu giữ 1 quả chuông mang niên hiệu Cảnh Thịnh (1797) có chiều cao 1,06m, đường kính 58cm, thân chạm khắc hoa văn tinh xảo và bài minh với nội dung ca ngợi những vị anh hùng thời Tây Sơn và tấm lòng mộ đạo của người dân Sở Thượng. Ngoài ra, trong chùa còn có các hiện vật gốm sứ men lam quý hiếm, mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XVIII như chóe sứ, nậm rượu men trắng vẽ lam; 6 bức hoành phi, 8 đôi câu đối...

Năm 1998, chùa Sở Thượng được xếp hạng Di tích nghệ thuật quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Sở Thượng