Nằm ở cửa ngõ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, Tương Mai là một trong bốn ngôi làng cổ của vùng Kẻ Mơ.
Chùa Tương Mai (Linh Ứng tự) là ngôi chùa cổ của làng, nằm trên một vùng đất cao ráo, quay mặt về hướng tây, xung quanh là phong cảnh hữu tình. Ngày nay, chùa tọa lạc tại địa chỉ 231 phố Trương Định, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Căn cứ theo thần tích ghi trên quả chuông “Linh Ứng tự chung” và tấm bia “Tu tạo Linh Ứng quán hậu Phật bi” (bia ghi việc chữa quán Linh Ứng bầu người hậu Phật), có thể biết rằng, ngôi chùa này được xây dựng trước thời Lê và được trùng tu lớn vào thời Lê Trung hưng. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Tương Mai nhiều lần được tôn tạo và mở rộng thêm một số hạng mục. Kiến trúc tổng thể của chùa được bố trí theo kiểu chữ “Đinh”, bao gồm Tam quan, tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu, nhà trai, nhà khách, vườn tháp...
Tam quan chùa nằm cách đường Trương Định khoảng 3m, phía trước là hai cây si cổ thụ. Tam quan gồm hai tầng, tầng trên là gác chuông, nơi treo quả chuông mang tên “Linh Ứng tự chung”. Chính giữa bờ nóc mái đắp hình cuốn thư ghi ba chữ: “Linh Ứng tự”. Tầng dưới gồm 3 cửa vòm. Chạy dọc theo bờ nóc cửa chính giữa là họa tiết hoa chanh mềm mại, mái đắp giả ngói ống, trên các thân trụ đều có các khung ghi câu đối bằng chữ Hán; trên hai đỉnh trụ trong đắp hình phượng chầu, đỉnh hai trụ ngoài đắp đôi nghê chầu.
Ngôi tam bảo gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường rộng 7 gian với 8 bộ vì gỗ, được thiết kế theo kiểu “giá chiêng tiền, kẻ hậu bẩy”; mỗi bộ vì có 4 hàng chân gỗ đỡ khung. Thượng điện gồm 6 gian với 7 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “chồng rường hạ kẻ”. Ngoài ra còn có một số bộ vì cốn mê được trang trí họa tiết rồng vờn mây, cá chép vượt vũ môn...
Chùa có hệ thống tượng Phật độc đáo, gồm 55 pho tượng, trong đó đặc sắc nhất phải kể tới bộ tượng Tam thế, Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn, Văn Thù, Phổ Hiền... với lối chạm khắc tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Ngoài ra, trong chùa có nhiều di vật có giá trị lịch sử như quả chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (năm 1800), bia đá thời Lê, hệ thống hoành phi câu đối, cửa võng; bát hương bằng đá thời Lê...
Năm 1996, chùa Tương Mai được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.