Hà Nội văn

Chuyện tình cách đây một phần tư thế kỷ

Hoài Hương 19/05/2024 - 06:29

Giám đốc Sở Ngoại vụ đưa Hiếu xem bộ hồ sơ, trong đó có hình một cô gái trẻ.

z5438373004659_e082a13d9cb034442cdb14f57fe12475.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

- Bên Tổng Lãnh sự quán Mỹ vừa gửi công văn nhờ ta giúp một cô Việt kiều tên là Nam Phương, đang làm luận văn tiến sĩ sử học đương đại về “Giải mã một số vấn đề về chiến tranh Việt - Mỹ”. Không hiểu sao cô này yêu cầu đích danh cậu giúp cô ấy trong 3 tháng tìm tư liệu ở Việt Nam. Trong thư còn ghi rõ địa chỉ nhà má cậu ở Củ Chi.

- Vậy chú trả lời với họ chưa?

- Rồi. Có chi đâu mà từ chối. Mà thiệt cậu không có quen cô ta?

- Dạ thiệt! Lạ hoắc à! Nhưng mà cô ấy có vẻ xinh đẹp.

- Thôi được, có quen cũng không sao. Giờ đã qua 25 năm, một phần tư thế kỷ rồi. Chiến tranh đã là quá khứ. Mình đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ rồi mà.

***

Sảnh đợi ga quốc ngoại khá nhiều người đi đón thân nhân, Hiếu chật vật len qua đám đông để tiến tới cửa an ninh. Có một chút hồi hộp. Vị khách này là một cô gái trẻ, sinh năm 1977, thua Hiếu mấy tuổi, hồ sơ ghi là độc thân, xem hình thì khá xinh. Có nhiều câu hỏi lùng bùng trong đầu Hiếu, tại sao lại là anh, tại sao lại biết rõ địa chỉ má anh ở Củ Chi…

Dù có chút bối rối nhưng lập tức Hiếu điều chỉnh mình ngay khi nhìn thấy cô gái Việt kiều. Một cô gái rất đẹp, dễ làm người đối diện choáng ngợp nhưng lại có vẻ lạnh lùng trong ánh mắt. Cô nhìn thẳng vào Hiếu một thoáng rồi chủ động chào bằng tiếng Anh với chất giọng gần như không biểu cảm. Hiếu đáp lễ bằng câu chào và nụ cười thân thiện.

Xe rời khỏi sân bay, Hiếu liếc qua gương chiếu hậu thấy cô gái chăm chú nhìn ra ngoài.

- Thưa anh! Có phải hồi nãy mình đi qua Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn?

Bất chợt một giọng nói rất ấm, rất Sài Gòn cất lên làm Hiếu giật mình. Má ơi, cứ ngỡ không biết tiếng Việt, ai dè lại có giọng nói dễ thương đến thế.

- À, đúng rồi! Nơi đó giờ là Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Trong chương trình sẽ có một số buổi mình vào đây làm việc, gặp các nhân chứng hồi chiến tranh và vào Bảo tàng Miền Đông cũng gần bên.

- Anh có thể cho xe đi một vòng trước khi về khách sạn được không? Qua Dinh Tổng thống, Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha Cảnh sát…

- Được, nếu cô không mệt sau chặng bay dài.

Đến lúc đưa cô gái về khách sạn, Hiếu mới thở nhẹ. May mà anh được thông báo trước chương trình làm việc, và trước đó anh đã vào thư viện, tìm đọc tư liệu, tìm hiểu các địa điểm, các trận đánh, chiến dịch… nếu không thì chắc mệt với cô gái này.

***

Đã hơn 2 tháng Hiếu đưa Nam Phương đi khắp các nơi theo chương trình làm việc và cả những chuyến đi phát sinh sau khi cô tiếp xúc với các nhân vật và tài liệu thu thập được. Cô không còn vẻ lạnh lùng ban đầu, thi thoảng còn mỉm cười cảm ơn Hiếu.

Chỉ có thế thôi, nhưng Hiếu có cảm giác nhiều khi Nam Phương nhìn anh bằng ánh mắt thân thiện, trò chuyện như với một người thân, cảm giác giữa hai người như có một mối dây ràng buộc vô hình. Hiếu cũng chưa có dịp hỏi tại sao cô lại yêu cầu đích danh anh giúp cô.

Hôm đó là ngày chủ nhật. Như đã hẹn, Hiếu đưa Nam Phương đi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật nhằm giúp cô có thêm cơ hội khám phá, “giải mã” về Việt Nam. Nam Phương hỏi Hiếu thật nhiều và ánh mắt cô lấp lánh như trẻ thơ vừa có được một món đồ chơi thích thú khi đứng trước bộ sưu tập gốm Việt Nam, khi ngắm những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật cổ của văn hóa Óc Eo, Chăm Pa, Tây Nguyên, của các thời kỳ Lý - Trần - Lê - Nguyễn, ngắm tranh dân gian, từ Đông Hồ, Hàng Trống đến tranh làng Sình (Huế) và cả tranh của các họa sĩ trường phái Đông Dương, dòng tranh cách mạng…

- Cảm ơn anh đã dành thời gian quý giá của ngày chủ nhật cho tôi. Có lẽ trong đề tài nghiên cứu tôi cần phải bổ sung thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam, theo tôi đây là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam chiến thắng.

- Đúng thế! Trong văn hóa truyền thống, còn có một di sản ngầm đầy quyền lực là nền tảng để Việt Nam luôn chiến thắng các thế lực ngoại bang hùng mạnh.

- Đó là gì? Tôi chưa hiểu lắm.

- Di sản đó là tinh thần yêu nước của người Việt được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử, được thử thách trước thiên tai, địch họa. Yêu nước là di sản tinh thần thiêng liêng gắn với niềm tự hào, tự tôn dân tộc, làm nên phẩm giá của người Việt Nam. Đồng thời tinh thần đó lại tạo nên một nền văn hiến truyền thống hàng nghìn năm lịch sử. Và chính nền văn hiến đó đã tạo nên sức mạnh cho dân tộc Việt Nam không để một thế lực hùng mạnh nào có thể khuất phục, đồng hóa. Mỗi khi có kẻ thù xâm lược thì tinh thần đó tạo nên sức mạnh làm nên chiến thắng…

- Thêm một lần cảm ơn anh! Anh có thể cho xin những lời anh vừa nói để đưa vào luận văn của tôi, như một điểm mấu chốt cho việc “Giải mã một số vấn đề về chiến tranh Việt - Mỹ”. Tự dưng tôi thấy mắc cỡ với chính mình, là người Việt, mang dòng máu Việt, nghiên cứu về lịch sử mà hiểu quá ít về lịch sử văn hóa Việt Nam.

- Cũng đã đâu quá muộn. Cô cũng đang tìm về cội nguồn, tìm đúng mạch ngầm lịch sử đất nước đấy thôi.

- Thế hệ chúng tôi sinh ra trên đất Mỹ, từ tiếng khóc chào đời đã mang nhiều dấu ấn văn hóa Mỹ. Đôi khi sự thù hận quá khứ của thế hệ trước như một barie khiến hiểu biết về Việt Nam của chúng tôi đầy khiếm khuyết, chưa kể còn không biết nói tiếng Việt.

- Tôi thấy cô nói tiếng Việt, giọng Sài Gòn rất chuẩn mà.

- Vâng! May mà ba tôi từng là sinh viên Văn khoa, má tôi học Sư phạm nên tôi được học tiếng Việt từ ba má. Nhưng quả thật, chỉ khi về Việt Nam, đây là lần đầu tôi được nói tiếng Việt một cách thoải mái và nhiều nhất.

***

Tháng 3-1975, trên quốc lộ 22 đoạn ngang qua Cây Trôm - Bàu Tre (nay là xã Phước Hiệp và Tân An Hội, huyện Củ Chi), một đơn vị giải phóng cùng du kích Củ Chi đã tấn công đoàn xe của quân đội Sài Gòn chi viện cho chiến trường Tây Ninh. Trong trận đó có một người lính Việt Nam Cộng hòa, nguyên là sinh viên Văn khoa vừa bị bắt đi lính. Đây là lần đầu tiên anh ra trận, chưa kịp bắn phát súng nào thì đã trở thành tù binh. Mấy anh bộ đội giải phóng bảo nhau: “Mặt mày nhát hít thế kia, chắc tân binh trận đầu. Tha cho nó một mạng, thả cho nó đi” và ra dấu cho người tù binh chạy đi. Nhưng chưa kịp quay lưng chạy thì một trận mưa pháo của quân đội Sài Gòn dập xuống tơi bời, một anh bộ đội nhoài người đẩy anh ta ngã xuống và gần như nằm đè lên. Khi tiếng pháo dứt, người tù binh sững đơ người khi thấy một mảnh pháo găm xuyên lưng người lính giải phóng. Bên hông người đó còn có một cái bòng…

Những đồ vật trong cái bòng sau đó được người lính cộng hòa mang theo sang Mỹ trong chuyến di tản đầy khổ ải ít lâu sau…

***

- Chủ nhật này anh có thể đưa tôi về Củ Chi thăm bà ngoại và má anh?

- Ơ… Chủ nhật này trong chương trình công tác không có kế hoạch gì. Tôi đã tính về nhà vì hôm đó giỗ ba tôi. Cô muốn đi cũng được, nhưng thiệt tình, đất Củ Chi mà, gần như nhà ai cũng có liệt sĩ giải phóng. Cô lại là Việt kiều Mỹ… Lỡ có ai đó nói này kia khiến cô buồn…

- Không sao. Tôi đã chuẩn bị tâm thế từ khi quyết định trở về Việt Nam. Và suốt hơn 2 tháng qua, hàng trăm cuộc gặp gỡ, tôi chưa thấy ai tỏ ý phản đối hay không hoan nghênh tôi, thậm chí mấy cô thanh niên xung phong của chiến trường Tây Nam Bộ xưa còn rất cưng tôi, cho tôi thưởng thức bao nhiêu món ăn miền sông nước.

Bỗng dưng Hiếu thấy hồi hộp. Cảm giác cô không chỉ muốn thăm gia đình anh, mà còn vì một điều gì đó rất đặc biệt.

***

- Ngoại ơi, má ơi! Con về rồi nè!

- Má! Ra coi thằng Hiếu mang ai dzìa kìa!

- Đây là cô khách Việt kiều của cơ quan con. Cô ngỏ ý muốn thăm gia đình mình.

- Mèn ơi! Con tên gì? Nam Phương à? Tên hay quá, mà người cũng đẹp nữa. Thằng Hiếu khéo chọn.

- Trời! Đây là cô khách của cơ quan con. Ngoại nói vậy, người ta trách con giờ.

Không hiểu sao, Nam Phương cũng bị lây không khí chộn rộn.

Dạ, thưa ngoại, thưa má… Con, con có mấy món đồ ba con nhờ gởi lại ngoại, má và anh. Con thay mặt ba má con tạ ơn gia đình, tạ ơn ba anh Hiếu đã cho ba con sống. Cách đây 25 năm, đúng vào ngày hôm nay. Ba con đã kể và trao những di vật này cho con trước chuyến đi này.

Khi cô mang cuốn sổ tay, tấm hình cùng vài món đồ lặt vặt như chiếc khăn rằn có thêu bông, chiếc mền dù pháo sáng, bà ngoại và má Hiếu ôm những di vật của ba anh cùng òa khóc. Thấy vật như thấy người. Ngày đó, pháo của kẻ địch điên cuồng vùi dập mấy giờ liên tục, đơn vị đã không thể tìm thấy xác ba anh nên sau này chỉ làm mộ gió ở nghĩa trang liệt sĩ…

Và đó là toàn bộ câu chuyện về chuyến trở về quê hương xứ sở của má tôi cách đây một phần tư thế kỷ. Còn ba tôi là ai thì xin mọi người hãy tự đoán nhé!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện tình cách đây một phần tư thế kỷ